Tìm giải pháp “đòi tiền” cho nhà văn

10:39:00 19/12/2013

Ngày 18-12, tại Hà Nội, Cục Bản quyền Tác giả phối hợp với Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (Hội Nhà văn) tổ chức Hội thảo Bảo hộ tác quyền văn học. Đây là vấn đề được các nhà văn Việt Nam quan tâm trong nhiều năm qua, nhưng đây vẫn là câu chuyện "mù mờ”, chưa tìm thấy lối thoát.


Tràn lan sách lậu bày bán ở vỉa hè

Vai trò của Trung tâm bảo hộ mờ nhạt…

Ông Đỗ Hàn - Phó Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (Hội Nhà văn Việt Nam) đánh giá: Về vấn đề bảo vệ quyền tác giả văn học thì muôn màu muôn vẻ, đa số các nhà văn còn xuề xòa. Trong năm 2013, Trung tâm chỉ đòi được 15 triệu đồng tiền bản quyền cho tác giả. Có thể khi họ phát hiện ra sách của mình bị vi phạm thì tới đề nghị Trung tâm lên tiếng. Nhưng mặt khác, khi thấy bị khiếu nại, các NXB lại "thương lượng” với tác giả đó. Và kết quả thường là các nhà văn rất hay bỏ qua vi phạm của NXB . Như vậy, vai trò của Trung tâm cũng vì thế mà mờ nhạt đi.

Theo ông Đỗ Hàn, từ tháng 10-2012, Trung tâm ký hợp đồng với Công ty Giải pháp Phần mềm Vnpay về việc số hóa toàn bộ các tác phẩm của các tác giả thành viên để đón đầu tới đây sẽ bán sách điện tử. Có thể thấy, so với Trung tâm Bản quyền Tác giả Âm nhạc, việc bảo vệ bản quyền văn học có những khó khăn riêng. Trước hết vi phạm bản quyền văn học rất âm thầm, âm nhạc thì rất rõ. Chính vì thế, Trung tâm phải tập trung thực hiện một số điểm trọng tâm. Cụ thể, năm 2014, Hội Nhà văn Việt Nam đã phối hợp với Bộ GD&ĐT để giải quyết vấn đề bản quyền các tác phẩm văn học được in trong sách giáo khoa. NXB Giáo dục bán sách giáo khoa siêu lợi nhuận, nhưng tác phẩm văn học được sử dụng không được trả tác quyền. Ngoài ra Trung tâm tích cực tăng cường hợp tác với các kênh truyền hình phát thanh thực hiện việc khai thác bản quyền văn học…
Bản quyền mới dừng lại ở văn bản luật pháp

Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam gay gắt: Vấn đề bản quyền ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở văn bản luật pháp, có vẻ như tương thích với pháp luật quốc tế nhưng hoạt động thực so với quốc tế vẫn là khoảng cách xa vời. Thời đại công nghệ số, người sử dụng càng tiếp cận tác phẩm dễ bao nhiêu thì ý thức về bản quyền càng lơi lỏng bấy nhiêu. Bà Luyến chỉ rõ: Tình trạng vi phạm bản quyền hiện nay đang ở mức độ rất nghiêm trọng. Năm 2012, vi phạm bản quyền giảm từ 93% xuống hơn 80%. Ở lĩnh vực âm nhạc đang được cho là bội thu với 2,5 triệu USD nhưng chỉ bằng 1/20 thậm chí 1/50 so với thực tế, trong khi Hàn Quốc thu 112 triệu USD, Đức thu 1 tỷ USD. Hiện nay cả thị trường sao chép đang được tự do, không ai ngăn cấm. Theo khảo sát của Hiệp hội chúng tôi, riêng trang web Việt Nam Thư quán họ đưa lên bằng tiếng Việt khoảng 200 nghìn tác phẩm và như vậy riêng trang web này đủ giết chết nền xuất bản Việt Nam.

Đóng góp ý kiến cho hội thảo, nhà văn Văn Chinh đề xuất: Cục Bản quyền Tác giả phải tìm giải pháp "đòi tiền” cho các nhà văn. Bởi lẽ, hằng tháng những người đọc trên mạng đã phải trả một chi phí, trong đó có chi phí cho việc đọc các tác phẩm văn học. Họ không trả chi phí thì đương nhiên họ không có internet để đọc. Có thể thấy, họ đã trả tiền cho chúng ta nhưng chúng ta chưa biết cách đòi mà thôi. Vấn đề ở đây là việc phân chia lợi nhuận mà thôi, chứ không ai lại "ăn cắp” của các nhà văn. Vậy thì, thay vì các cuộc họp, vấn đề chúng ta phải tìm cách đòi, hoặc thuê luật sư quốc tế để họ phân tích đúng/ sai. Ví dụ 1 tháng trả cho internet hơn 300 ngàn đồng thì phần tra google hết bao nhiêu? FB hết bao nhiêu? Còn đọc 1 cuốn sách hết bao nhiêu?…

Ông Bùi Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả nhìn nhận văn học, nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù. Ông mong muốn làm sao quyền tác giả của nhà văn được bảo hộ. Cá nhân các nhà văn rất khó quản lý và bản thân các nhà văn cũng ở thế không được bình đẳng. Tuy nhiên, nếu đăng kí tại Trung tâm Bảo hộ Bản quyền thì khi có sai phạm, tranh chấp xảy ra Trung tâm sẽ đứng ra giải quyết cho các tác giả. Ông Hùng đưa ra ví dụ: Gần đây nhất Cục Bản quyền Tác giả đã tiếp nhận hồ sơ của một nhà thơ có gửi 1 tập thơ cho NXB in, bỏ tiền đầu tư để in. Tuy nhiên NXB đó yêu cầu cần có chi phí biên tập. Nhưng đến khi biên tập xong, nhà thơ thấy bản thảo bị sửa nhiều nên không đồng ý in nữa. Tự nhiên nhà thơ đó lại mất đi một khoản tiền biên tập phi lý. Tức là nếu bản thân tác giả trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật đứng ra độc lập để khai thác tác phẩm là vô cùng khó khăn…

T.Kiệt
Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1