Mới đây, trong khuôn khổ Tuần lễ Pháp tại Đà Lạt (nủa đầu tháng 12.2013), Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức buổi tọa đàm với nhà văn Pháp Patrick Deville tại Đà Lạt.
Tác giả Patrick và tác phẩm "Yersin: Dịch hạch và thổ tả" (ảnh: internet).
Lao động nghiêm túcVới Alexandre Yersin - nhân vật chính trong tiểu thuyết "Yersin: Dịch hạch và thổ tả" của nhà văn Patrick Deville, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam Jean - Noel Poirier giới thiệu:
"Nếu như có một người Pháp (gốc Thụy sỹ) trong thời kỳ thuộc địa mà tất cả mọi người Việt Nam đồng lòng khi nhắc đến, thì đó chính là Alexandre Yersin, nhân vật mà tên tuổi được biết đến ở miền đất này còn nhiều hơn tại Pháp".
Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam còn cho biết về Yersin: "Là học trò đầy hứa hẹn của Louis Pasteur, Yersin lại mong muốn những hướng đi mới, để mãi khám phá điều chưa từng được biết đến. Thay vì theo đuổi sự nghiệp tại Viện Pasteur Paris, ông lại quyết định lao vào khám phá trường đời xa lạ và đặt chân tới những con đường núi hiểm trở của một đất nước trồng lúa - đó là Việt Nam...".
Cũng cần nói thêm, trong hành trình "khám phá trường đời xa lạ" tại Việt Nam, ngày 21.6.1893, A. Yersin đã đặt chân đến vùng đất nguyên sơ Đà Lạt (120 năm trước).
Để kể lại cuộc đời phiêu lưu khoa học cũng như cuộc đời của con người tuyệt diệu này - cuộc đời A. Yersin, cùng với việc tham khảo thư từ và tài liệu được lưu trữ tại các viện Pasteur trên thế giới, nhà văn Patrick Deville đã lần theo dấu chân của Yersin ở rất nhiều quốc gia, đặc biệt là Việt Nam, trong một thời gian khá dài và đã hình thành nên tiểu thuyết "Yersin: Dịch hạch và thổ tả".
Thông qua tác phẩm "Yersin: Dịch hạch và thổ tả", tác giả Patrick Deville đã tái hiện hình ảnh A. Yersin trong khung cảnh Đông Dương đầu thế kỷ 20 với hai mảng đề tài lớn là niềm say mê nghiên cứu khoa học; và khám phá, thám hiểm những miền hoang sơ, bí ẩn ở Việt Nam, trong đó có Đà Lạt (Lâm Đồng ngày nay) của nhà thám hiểm người Pháp gốc Thụy Sỹ Alexandre Yersin.
Có thể nói, Patrick Deville là nhà văn đi tiên phong trong việc "tiểu thuyết hóa" các nhân vật lịch sử bằng lối "vẽ chân dung" của nhân vật để nhìn ra quá trình phát triển của lịch sử. Phong cách này được tạm gọi là "hệ liệt deville".
Sau cuốn "Equatoria" năm 2009 với hành trình lần theo nhân vật là một nhà thám hiểm người Pháp gốc Ý tên là Savorgnan - người mở đường cho nước Pháp chiếm xứ Congo, nhà văn Patrick Deville vẫn theo "chủ nghĩa" "hệ liệt deville" đã nối gót dấu chân Alexandre Yersin, đặc biệt là dấu chân Yersin ở Việt Nam, để viết "Yersin: Dịch hạch và thổ tả" bằng lối dẫn chuyện của "con ma của tương lai".
Làm mới tiểu thuyếtTrong buổi tọa đàm được tổ chức tại Đà Lạt, nhà văn Patrick Deville đã nói: "Tôi tôn trọng những tư liệu sưu tập được về nhà thám hiểm A. Yersin nhưng khi đặt bút viết về ông, tôi không hề để cho những tư liệu ấy làm khô cứng ngòi bút; và ngwowicj lại, tôi cũng không hề để cho quyền năng hư cấu của một nhà văn tự do hoành hành".
Thật vậy, nếu nói về hư cấu, trong "Yersin: Dịch hạch và thổ tả", Patrick đã rất có lý khi tưởng tượng ra "bóng ma tương lai" là chính mình, người dẫn chuyện, đi theo bác sỹ Yersin hết vùng đất này đến vùng đất khác để "bổ dọc" (từ của nhà văn) nhân vật nhằm khắc họa hình ảnh một con người có công lớn đối với Việt Nam, đặc biệt là đối với Nha Trang và Đà Lạt, những năm đầu thế kỷ 20 theo kiểu vừa giữ nguyên bản (tư liệu, tiểu sủ nhân vật) nhưng đồng thời cũng rất "ảo" một Yersin theo kiểu "bóng ma" Patrick Deville (đặc trưng của tiểu thuyết).
Trong "Yersin: Dịch hạch và thổ tả", phần viết về Đà Lạt, tác giả Patrick Deville "hạ bút" cho "bóng ma" của mình: "Rồi bốn mươi năm sau, giữa thập kỷ ba mươi, ba năm sau khi Doumer bị ám sát, Yersin vẫn còn sống, và nơi ấy đã trở thành Đà Lạt...
Ngồi sau cái quầy gỗ đánh vécni, đối diện với tủ sách của khách sạn, phía bên kia hàng cột đá hoa cương, bóng ma của tương lai nghe lắng diễn văn của ông hoàng bù nhìn vận comlê trắng và giày hai màu của dâm ma cô... Khi trường trung học Yersin ở Đà Lạt được khánh thành, cái năm ba mươi lăm đó, Yersin đã bảy mươi hai tuổi... Bóng ma của tương lai, cái tay ký lục cầm quyển sổ bìa bọc da chuột chũi theo chân Yersin từ Morges, từng đến Zur Sonne bên Marburg, Lutetia bên Paris, Royal bên Phnôm Pênh, Majestic bên Sài Gòn, giờ đây là Lang Bian ở Đà Lạt, tự nhủ xét cho cùng thì theo chân con người này cung là một việc dễ chịu. Những cơ sở thật hoành tráng. Buổi chiều hôm ấy, hắn ta đi ven bờ hồ. Vậy là những năm ba mươi, từ chốn hư vô một thành phố đã mọc lên trên cao nguyên xanh rì...".
Bản tiếng Việt tiểu thuyết "Yersin: Dịch hạch và thổ tả" của nhà văn Pháp Patrick Deville do Đặng Thế Linh dịch, Đoàn Cầm Thi và Đặng Thanh Vân hiệu đính, đượcNhà xuất bản Trẻ ấn hành. Cùng nhiều giải thưởng khác, cuốn sách "Yersin: Dịch hạch và thổ tả" đã lọt vào chung khảo giải Goncourt và nhận giải thưởng Fémina (2012) - hai giải thưởng văn học danh giá nhất của Pháp.
Đến nay, nhà văn Pháp Patrick Deville đã xuất bản hơn 10 tiểu thuyết và tác phẩm của ông đã được dịch sang khoảng 12 thứ tiếng. |