Trăn trở với nông dân thì viết sẽ thành công

07:06:00 24/12/2013

Liên tục viết về đề tài nông thôn, và trong cuốn tiểu thuyết mới mang tên “Cổng làng”, nhà văn Nguyễn Thanh Cải (ảnh) vẫn chọn người nông dân làm nhân vật chính. Phóng viên NTNN đã trò chuyện với ông về cuốn sách mới.

Ông làm báo, viết văn đã nhiều năm và cũng là tác giả được nhiều giải thưởng báo chí và văn học về đề tài nông nghiệp nông thôn, ông thấy mình thành công nhờ điều gì?

- Thành công bởi chính là tôi từ nông dân mà ra, luôn bám sát đời sống nông dân. Tôi tự ngẫm thấy: Cái gì trăn trở với nông dân mà viết ra được, viết thật, viết đúng bản chất, đúng mạch chuyển động của đời sống thì sẽ thành công. Ví dụ trong tác phẩm “Sao gánh nước”, tôi viết về ông Điền, người chỉ quen ngủ đồng, về nhà là không ngủ được.

“Chuyện ở làng Hạ” có một nhà trồng mướp bán xơ thì giàu, cả làng trồng mướp bán xơ thì nghèo xác xơ, xơ mướp hóa, tác phẩm này đã là tiếng chuông đánh thức người nông dân trong chuyển dịch cây trồng, phải bám sát thị trường. Chuyện người nông dân cứ nghĩ có đất, trồng giống gì cũng được miễn chăm bón nhiều phân là được, ai ngờ giống cũ trên đất mới không hợp, mầm cũ đất mới dẫn đến mất mùa...


Mới đây Nhà xuất bản Văn học vừa ấn hành tiểu thuyết “Cổng làng”, thông điệp ông ?muốn chuyển tải khi viết tác phẩm này là gì?

- Tôi tự thấy mình là người nông dân từ khi còn nhỏ. Năm 13 tuổi, tôi đã làm chủ nhiệm HTX Măng Non mà lại là đơn vị điển hình được đi báo cáo kinh nghiệm nhiều nơi. Từ đó đến nay đã dài, nông thôn trải qua nhiều đổi thay, từ làm ăn tập thể đến chia khoán cho mỗi hộ vài mảnh, và hôm nay những mảnh ruộng nhỏ ấy không còn phù hợp với công nghiệp hóa nông thôn nữa, đòi hỏi phải có một cơ chế mới. Tôi đã phản ánh quá trình chuyển đổi mấy chục năm qua nội dung tiểu thuyết “Cổng làng” như một cách “trả nợ” cho nông dân là thế.

Tiểu thuyết “Cổng làng”.

Anh nói “trả nợ” qua tác phẩm nghĩa là thế nào?

- Tác phẩm “Cổng làng” của tôi có 3 phần. Phần 1 với tiêu đề “Vỡ làng” phản ánh người dân bỏ ruộng, bỏ làng ra đi.

Phần 2 với tiêu đề “Những mảnh vỡ”, phản ánh về người nông dân làm chủ trên những mảnh ruộng khoán, ý thức trách nhiệm cao. Tuy nhiên, đời sống có khá hơn, nhưng lao động thủ công, năng suất thấp, hiệu quả có năm được mùa mà vẫn thua lỗ do không tiêu thụ được sản phẩm.

Phần 3 với tiêu đề “Những mảnh vỡ ghép lại” phản ánh về những mô hình mới trong nông thôn như đội bảo vệ thực vật, đội chuyên thủy lợi nhận đấu thầu những khu đầm một vụ bấp bênh cải tạo ao vồng, đưa tiến bộ khoa học và nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt là trồng cói kết hợp nuôi cáy, kết quả mô hình này hiệu quả gấp hai, ba lần trồng cói trước kia.

Các tổ chức kinh tế về thuê đất theo từng năm của nông dân và thuê lao động để trồng cây màu xuất khẩu (hình thức này người nông dân không mất đất, mất việc). Xí nghiệp liên doanh về thuê mặt bằng làm xưởng sản xuất, thanh niên ở làng được ký hợp đồng lao động, mỗi tháng hưởng lương 3 - 4 triệu đồng (hình thức xuất khẩu lao động tại chỗ, đảm bảo đời sống sinh hoạt ổn định)...

Trong tác phẩm, ông còn đề cập đến nhiều vấn đề, nhiều cuộc họp bàn, nhiều tình huống xử lý trong điều hành công việc ở nông thôn. Ông chọn cách phản ánh thế nào?

- Trong đời sống nông thôn diễn ra có nhiều vấn đề lắm. Những mâu thuẫn nảy sinh từng ngày, từng việc, từng giai đoạn, từng mối quan hệ... Tôi chọn những gì là bản chất mấu chốt của vấn đề thì phản ánh. Tôi xác định đây là tác phẩm văn học, nên phải đi sâu dựng nên những mẫu hình có tính điển hình như cụ Viễn- người được cứu từ đống xác chết năm 1945, rồi cụ dựng chiếc nhà nhỏ ở cổng làng. Cụ là một công dân chứng kiến mọi diễn biến của làng.

Lão Khủng- một đại diện địa chủ, đại diện cho tư tưởng tư hữu phong kiến tồn tại trong nông thôn mấy chục năm qua; Chủ nhiệm Điền hiền lành, chất phác, suốt ngày tần tảo trên đồng, nhưng HTX lớn, cánh đồng rộng, bước chân không thể đi hết được dẫn đến nhiều chỗ trống, lỗ hổng mà dẫn đến quan liêu... Bí thư Đức luôn giữ gìn đạo đức áp dụng chủ trương chính sách một cách máy móc, sợ sai nên rập khuôn không dám đổi mới. Chủ tịch Dũng quản lý chính quyền theo pháp luật. Vậy mà nông thôn vẫn ì ạch chậm đổi mới.

Bà con nông dân là những nhân vật làm nền cho tác phẩm, họ là những người cần cù lao động, tháng ngày tần tảo lam lũ trên đồng, có lúc vật vã trên đồng. Một số cán bộ lý luận, nhà báo làm cầu nối giữa Nhà nước với nông dân... Tác phẩm đề cập tốt có, xấu có; phương pháp thể hiện dẫn, gợi, bình. Bình luận cái đã xảy ra, gợi mở những cái mới.

Anh nghĩ người đọc, đặc biệt là người nông dân sẽ học hỏi, tiếp thu được những gì qua tiểu thuyết “Cổng làng”?

- Đây không phải là sách giáo khoa và cũng không phải là sách lý luận mà là tác phẩm văn học, tái hiện lịch sử nông thôn hơn 40 năm qua. Thông qua các nhân vật, sự kiện điển hình của từng thời kỳ để thể hiện nội dung tác phẩm. Mong muốn của tôi là san sẻ với người nông dân làm nông nghiệp để họ yêu quý đất đai hơn, biết sử dụng sức lao động của mình hiệu quả hơn. Tôi cũng mong lãnh đạo và quản lý các cấp, nhìn nhận nông thôn một cách thấu đáo hơn, để hoạch định những chính sách hợp lý và kịp thời hơn. Có như vậy chủ trương công nghiệp hóa nông thôn mới thành động lực chuyển hóa nông thôn được.

Xin cảm ơn anh!


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1