“Không ồn ào và cũng không quá nổi bật” – đó là nhận định của nhiều nhà văn và giới nghiên cứu phê bình về đời sống văn học trong năm 2013. Thế nhưng, qua những giải thưởng được trao, không khó để nhận ra đây là năm của những cây bút lão làng, năm của sự vinh danh và ghi nhận những tác giả dù đã ở tuổi "xế chiều" nhưng vẫn cống hiến nhiều tác phẩm giá trị.
Năm 2013, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam tập hợp những cây bút đã cao tuổi của làng văn. Về văn xuôi, nhà văn Ma Văn Kháng nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tập tiểu luận, bút kí “Phút giây huyền diệu”; người đào vàng, tìm trầm Nguyễn Trí - một gương mặt mới hoàn toàn trong làng văn được vinh danh với tập truyện ngắn “Bãi vàng, đá quý, trầm hương”.
Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội được trao cho nhà văn Nguyên Ngọc với bút kí “Các bạn tôi ở trên ấy” và tác giả Phan An Sa với tập biên khảo “Nắng được thì cứ nắng, Phan Khôi - từ sông Hương đến Nhân văn”. Nhà thơ xứ Nghệ - Giáng Vân được vinh danh với tập thơ “Đường gió”. Còn giải thưởng văn học thành phố Hồ Chí Minh tôn vinh tập thơ “Những chiếc lá thiêng liêng” của nhà thơ Từ Quốc Hoài và “Tiếng vọng dòng sông” của nhà thơ Quang Chuyền.
|
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (trái) trao giải cho các chủ nhân Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội : nhà văn Nguyễn Huệ Chi, nhà thơ Giáng Vân, nhà văn Nguyên Ngọc và tác giả Phan An Sa. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán) |
Nhà thơ Bằng Việt – Chủ tịch Hội đồng thơ, Hội Nhà văn Việt Nam nhận định: “Những tập thơ khá nhất để đưa vào chung khảo cuộc thi đều là của các nhà thơ tương đối lớn tuổi chứ không phải là nhà thơ trẻ. Tập thơ khá nhất là của một người thuộc thế hệ chống Mỹ năm nay đã bước vào tuổi 70, một số nhà thơ khác thì đều ở lứa tuổi trên dưới 60”.
Đối với văn học dịch thuật, những tên tuổi như Dương Tường, Phạm Vĩnh Cư, Nguyễn Văn Thái… vẫn đều đặn cho ra đời những công trình dịch thuật tâm huyết. Đó là bản dịch văn học kinh điển “Bên phía nhà Swan”, “Nông dân”, bản dịch tác phẩm “Tâm” - tuyển thơ của Marina Tsvetaeva… Đây là những tác phẩm khó dịch và khó đọc. Mặc cho đời sống văn học nhiều khi xô bồ, rộn rã, các dịch giả lão làng ấy vẫn chứng tỏ sức làm việc miệt mài, đáng trân trọng.
Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Ngô Văn Giá - Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội, những gương mặt lên "lão" của làng văn Việt Nam được vinh danh trong năm 2013 là ngẫu nhiên, nhưng điều đó chứng tỏ “gừng càng già lại càng cay”, khẳng định sức viết, sự chiêm nghiệm cuộc sống để cho ra đời những tác phẩm có giá trị.
“Cái quý nhất của những người đã thành danh, có tên tuổi như anh Ma Văn Kháng, GS Mã Giang Lân hay anh Nguyên Ngọc là sức viết dồi dào của họ. Họ là những người lớn tuổi nhưng không chịu già về nghề viết và vẫn có khả năng tạo nên những bất ngờ. Qua đó, để thấy những người lớn tuổi vẫn có khả năng viết, viết tiếp và tạo ra những thành tựu mới, bất ngờ mới” – PGS Ngô Văn Giá chia sẻ.
Đời sống văn học 2013 tuy không ồn ào nhưng vẫn lắng đọng trong tâm thế của người đọc và người cầm bút. Nhà văn Nguyễn Thế Hùng - Phó trưởng ban Báo Văn nghệ Công an chia sẻ, nhiều bạn đọc hiện nay đang tìm đến những tác phẩm của Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp… Họ không còn quá quan tâm đến những ồn ào, những tác phẩm nổi lên trong chốc lát để đến với những giá trị văn chương đích thực hơn. Tất nhiên, đây mới chỉ là biểu hiện của một bộ phận bạn đọc nhưng cũng góp phần định hướng thị hiếu khi lựa chọn những tác phẩm xứng tầm.
“Năm 2013 không có những tác phẩm gây sốc như thời “Sợi xích” của Lê Kiều Như hay “Thoát y dưới trăng” của Thủy Anna. Bạn đọc bây giờ hình như đã tinh hơn trước sự tâng bốc của nhà sách, công ty sách. Họ không còn bị mắc lừa bởi những chiêu PR nữa. Những dạng sách đó dường như không được đón đợi như những năm trước. Và tôi nghĩ đó là một chiều hướng tốt” – Nhà văn Nguyễn Thế Hùng cho biết.
Chuyện các nhà văn, tác giả khi đã ở tuổi "xế chiều" được ghi nhận, vinh danh bởi các giải thưởng không đơn thuần chỉ là một hiện tượng của đời sống văn học 2013. Nó còn cho thấy một xu hướng đáng mừng là độc giả đang quay trở lại với những tác phẩm giá trị được viết nên bởi những cây bút "già" tuổi nghề, giàu kinh nghiệm sống và được "thẩm định" bởi chính người đọc./.
Phương Thúy/VOV - Trung tâm Tin