Nhà thơ Tú Mỡ đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, được Bác Hồ khen: “Thơ Tú Mỡ hay đấy, dân dễ nghe, dễ thuộc” (Báo Nhân Dân cuối tuần số 14 (792), 4/4/2004). Vinh dự nữa cho Tú Mỡ là ông đã được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước.
Nữ cảnh sát giao thông điều tiết, hướng dẫn giao thông tại giao lộ Nguyễn Văn Trỗi - Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN |
Trong tác phẩm của mình, Tú Mỡ đã trút lên đầu bọn thực dân, phong kiến và bè lũ Việt gian tay sai những đòn đả kích sắc sảo, sâu cay. Ông cũng không ngần ngại châm biếm, phê phán thâm thúy những thói hư tật xấu trong nội bộ các tầng lớp nhân dân.
Tiếng cười trong thơ Tú Mỡ rất nhẹ nhàng, sảng khoái, hóm hỉnh, giàu ý nghĩa thời sự xã hội, được quần chúng nhân dân, thuộc mọi tầng lớp, từ trẻ thơ tới các bậc cao niên, từ người lao động chân tay đến giới trí thức… đón nhận. Nhiều độc giả cứ tưởng tác giả chỉ quen sáng tác thơ đả kích kẻ thù và thơ châm biếm nội bộ. Vậy mà ông cũng là tác giả của một số bài thơ ca ngợi, hòa quyện nhuần nhuyễn, đậm đà giữa chất trữ tình và chất trào phúng, tạo nên nét đặc trưng độc đáo của thơ ca Tú Mỡ.
Tôi nhớ dạo ấy, vào khoảng cuối tháng 4/1963, khi cánh học sinh lớp 10 (lớp cuối cùng của hệ giáo dục phổ thông trước đây), trường cấp 3 Biên Hòa, tỉnh Hà Nam chúng tôi đang tập trung học nước rút, chuẩn bị thi tốt nghiệp thì được tin nhà thơ Xuân Diệu về thị xã Phủ Lý nói chuyện thơ ở hội trường Ty Thương nghiệp tỉnh. Tối hôm đó, trước cử tọa khá đông, ngồi chật kín hội trường (gần 300 người), Xuân Diệu hào hứng, say sưa bình giảng văn chương. Rồi ông dẫn đến trường hợp Tú Mỡ làm thơ trữ tình ngợi ca mà vẫn có chất trào phúng, gây cười sâu sắc như bài Vịnh cô cảnh sát giao thông. Toàn văn bài thơ đó như sau:
Chị đứng hiên ngang giữa ngã tư
Tượng trưng pháp luật rất hiền từ
Bàn tay chỉ đạo nhanh thoăn thoắt
Bím tóc tiền phong nguẩy lắc lư
Trông chị ai mà không để ý
Huýt còi chị vẫn cứ vô tư
Hỡi ai chớ thấy công an đẹp
Nghếch mắt trông ngang… chết bỏ xừ
Xuân Diệu say sưa đọc rất diễn cảm toàn bài thơ. Ông rút ra nhận xét: “Hai câu kết của bài thơ rất thực tế và rất đúng khẩu khí, bản sắc của thi sĩ, chỉ riêng Tú Mỡ mới có được. Bằng tiếng nói, cách thể hiện của thơ ca, ông nhắc nhở mọi nguời cần phải có ý thức nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông, chớ có mải ngắm cô cảnh sát giao thông đẹp, kẻo “chết bỏ xừ” . Toàn hội trường rộ lên tiếng cười và vỗ tay tán thành ý kiến của Xuân Diệu.
Không hiểu sao Xuân Diệu chỉ đọc và bình bài thơ Đường luật ấy chỉ có một lần mà tôi thuộc lòng được ngay. 50 năm đã trôi qua, tôi vẫn nhớ như in bài thơ của Tú Mỡ và cả giọng bình đầy nhiệt tình sôi nổi của thi sĩ “Gửi hương cho gió”. Qua sự giới thiệu sinh động của Xuân Diệu, tôi cũng như nhiều bạn trẻ khác càng thêm yêu quý nhà thơ Tú Mỡ đã hết lòng cổ vũ, ngợi ca những con người mới vào những năm 60 của thế kỷ 20 như cô cảnh sát giao thông thân thương kia mải mê làm nhiệm vụ, góp phần đem lại sự bình yên của Thủ đô Hà Nội và nhiều đô thị lớn khác của miền Bắc.
Và bây giờ ngày ngày đi trên những con đường thân quen của Hà Nội, hòa trong dòng người đông đúc, tấp nập, với đủ mọi phương tiện giao thông, nhìn thấy những cô cảnh sát giao thông tập trung làm nhiệm vụ ở các điểm chốt quan trọng, tôi lại nhớ đến bài thơ trên của Tú Mỡ. Sự xuất hiện của những nữ chiến sĩ cảnh sát giao thông trên đường phố bên cạnh những đấng nam nhi đã góp phần tạo nên sự thân thiện của nhân dân đối với người chiến sĩ công an nhân dân và tô đẹp thêm hình ảnh phụ nữ Việt Nam ngày nay. Bất giác, tôi lại nhẩm đọc bài thơ năm nào của nhà thơ Tú Mỡ…
Hà Nội, 22/12/2013
Nguyễn Huy Thông