Kim Dung đưa ngựa lên thành hình tượng chủ đạo trong đoản thiên Bạch mã khiếu Tây phong (Ngựa trắng hí gió Tây - khoảng năm 1963 được dịch ở Sài Gòn với tựa đề Độc bá quần hùng). Bạch mã khiếu tây phong kể về cô gái ở Giang Nam tên Lý Vân Tú qua tận bộ tộc ở Tây vực là Duy Ngô Nhĩ học võ công để trả thù cho cha. Câu chuyện mang sắc thái lãng mạn khi Lý Vân Tú trở lại Giang Nam và quên đi một mối tình nhưng lòng cô vẫn mơ về hơi gió sắt se thổi trên sa mạc. Tác phẩm tiểu thuyết của Kim Dung nói nhiều về những con ngựa thần tuấn, phi thường. Tuy không phải là nhà sinh học nhưng ông khá am hiểu tính năng loài ngựa. Theo Kim Dung, ngựa Đại Uyển (tiểu quốc Fergana cũ) cao to, nếu cho lai với ngựa Trung Hoa thì sẽ cho ra giống ưu tú, sức vóc bền bỉ. Loài ngựa Vân Nam tuy nhỏ thó, lông lá xơ xác nhưng đi đường núi rất hay.
Kim Dung xây dựng những con ngựa danh tiếng, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Ngựa của ông con nào cũng được xem là bảo mã, bảo câu. Chúng trở thành người bạn thân thiết, cùng chia ngọt sẻ bùi với hào sĩ giang hồ. Trong Xạ điêu anh hùng truyện, Quách Tĩnh thuần phục được con ngựa hoang rất hung hãn. Hàn Bảo Câu, sư phụ Quách Tĩnh, được xưng tụng là Mã vương thần (vua coi ngựa) cũng phải thán phục nó. Con ngựa này ngày đi ngàn dặm, chạy nhanh như gió, đổ mồ hôi đỏ như máu nên được gọi là Hãn huyết bảo câu. Với Thư kiếm ân cừu lục, Kim Dung xây dựng đệ tứ đương gia của Hồng Hoa hội Văn Thái Lai có cô vợ tinh quái tên là Lạc Băng. Lạc Băng xuất thân từ gia đình chuyên trộm cắp, học được hết chân truyền của cha. Cô có một con ngựa chạy rất hay, không ngựa nào đuổi kịp. Lạc Băng ăn trộm hoặc cướp giật tài sản xong là chạy biến, chẳng ai làm gì được! Trong Thiên Long bát bộ, Mộc Uyển Thanh chuyên mặc áo đen, trùm khăn đen, cưỡi một con ngựa đen tuyền tên Hắc mai côi (Hoa hồng đen). Hắc mai côi thần tuấn phi thường, trong đêm tối nghe hơi gió biết nhảy lên để chủ nhân tránh ám khí, lại có cú đá ngược về phía sau để tấn công các tay mai phục, chạy trên đường như không hề chạm vó xuống đất. Một lần, vương tử Đoàn Dự và Mộc Uyển Thanh cưỡi chung con ngựa này chạy lộn vào vùng núi cấm của phái Vô Lượng. Đoàn Dự dỗ dành ngựa: “Ngựa khôn, ngựa ngoan chạy nhanh, về nhà ta cho ăn thịt ăn cá” khiến cô nàng vừa buồn cười lại vừa tức mình! Cá biệt, “chiến mã” trong Tiếu ngạo giang hồ không phát huy được sở trường gì cả. Kim Dung kể chuyện Lệnh Hồ Xung đến Cô Mai sơn trang ở Tây Hồ, bị nhị trang chủ Ngốc Bút Ông, một tay sử dụng phán quan bút danh tiếng, thách đấu. Ngốc Bút Ông tấn công Lệnh Hồ Xung bằng chiêu pháp thảo thư, theo bài Bùi tướng quân thi. Bài thơ có câu Chiến mã như long hổ/ Đằng lăng hà tráng tai - Ngựa chiến như rồng cọp/ Có gì mạnh hơn đây. Mặc cho chữ “Mã” (ngựa) viết bao nhiêu nét, Lệnh Hồ Xung vẫn đứng im một chỗ, xuất kiếm trước khiến Ngốc Bút Ông không đánh được chiêu nào, Bùi tướng quân thi đành phá sản! Tuy nhiên, ngộ nghĩnh nhất là ngựa trong Lộc đỉnh ký. Kim Dung kể chuyện Vi Tiểu Bảo không biết cưỡi ngựa nhưng vẫn bày đặt lên yên. Thay vì đặt chân phải vào bàn đạp, Vi Tiểu Bảo lại dùng chân trái nên lên yên xong, y ngồi ngược hướng, mặt nhìn về… mông ngựa! Một hôm, theo lệnh vua Khang Hy, Vi Tiểu Bảo đến thăm Ngô Ứng Hùng - con trai của Ngô Tam Quế, kẻ mưu phản ở Vân Nam. Nói chuyện một hồi, y bày đặt chê bầy ngựa Vân Nam gầy còm, lông lá xơ xác. Ngô Ứng Hùng bèn rủ đặt cược đua ngựa, y nhận lời. Tuy nhiên, về tư dinh nghĩ lại, sợ thua cược, y bèn đưa tiền cho bọn mã phu của mình lén rủ mã phu Ngô Ứng Hùng uống rượu, chơi gái rồi lẻn cho ngựa của họ Ngô ăn bã đậu. Ngô Ứng Hùng đặt cược đua ngựa là giả, cái chính là hắn mong cưỡi bầy ngựa của mình chạy trốn về Vân Nam. Bầy ngựa của hắn ăn nhằm bã đậu, tiêu chảy hết ráo, lại chết ở dọc đường khá nhiều vì kiệt sức. Vi Tiểu Bảo rượt theo, bắt được Ngô Ứng Hùng. Khang Hy hết sức ngạc nhiên: “Con mẹ nó, ngươi có bản lãnh gì mà bắt được Ngô Ứng Hùng?”. Vi Tiểu Bảo cứng họng, không dám nói dóc là ngựa Vân Nam chạy dở, sợ vua tưởng thật thì sau này đánh Vân Nam thất bại. Y bèn thú thật là định ăn gian trong chuyện cá cược nên cho ngựa Vân Nam ăn bã đậu! Một lần khác, Vi Tiểu Bảo làm khâm sai về quê nhà Dương Châu (tỉnh Giang Tô), được mời vào chùa Thiền Trí uống trà, xem hoa thược dược nở. Nhớ lại thuở nhỏ bị một nhà sư chùa này đánh một bạt tai vì ăn cắp hoa, y bỗng căm thù hoa thược dược và cả chùa Thiền Trí. Y bèn bịa chuyện Khang Hy đang đánh Ngô Tam Quế, ra lệnh phải… nhổ hết thược dược trong thiên hạ về cho ngựa ăn, bởi “dược” có nghĩa là thuốc! Thược dược chùa Thiền Trí là danh thắng trong thiên hạ. Các quan Dương Châu lạy Vi Tiểu Bảo đến muốn sói đầu, y mới tha cho hoa thược dược! |