Tham gia chiến trường Campuchia rồi đi học trường viết văn Nguyễn Du và công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhà văn Nguyễn Quốc Trung dành nhiều tâm huyết cho những trang viết về chiến tranh. Anh đau đáu trước một nền văn học Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu lai căng, và đạo đức xã hội đang suy thoái nghiêm trọng.
Thoát chết trong gang tấc
Tôi gặp nhà văn Nguyễn Quốc Trung trong một lần cùng đoàn nhà văn TP.HCM đi thực tế ở huyện Củ Chi, thăm bà mẹ Việt Nam Anh hùng và khu địa đạo huyện Củ Chi. Ấn tượng với tôi về anh lúc đó là cái dáng cao gầy, khắc khổ kiểu triết gia và giọng xứ Nghệ nằng nặng. Tôi nhận ra anh là đồng hương từ cái giọng đó.
Trong chuyến đi ấy, tôi nghe anh kể về những ký ức chiến tranh, những câu chuyện về thời chiến với các đồng nghiệp nhà văn lớn tuổi và nhỏ tuổi. Những câu chuyện khiến tôi mê mải và muốn viết về anh. Nhiều lần gọi điện hẹn gặp anh nhưng đều chưa gặp được bởi anh đi công tác suốt: Khi đi lên vùng cao, đi sáng tác, đi cứu trợ đồng bào lũ lụt ở miền Trung...
Mới đây, một buổi chiều, tôi nhận được điện thoại của anh mời ra quán cà phê ở gần kênh Nhiêu Lộc để có chỗ yên tĩnh hàn huyên. Ở đó, anh kể cho tôi nghe chuyện văn, chuyện đời.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung. Nhà văn, đại tá Nguyễn Quốc Trung quê ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, anh tham gia vào bộ đội. Sau đó anh theo đơn vị vào chiến trường Tây Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia trong 10 năm. Là người đi qua chiến tranh, anh cảm thấy mình chịu ơn bạn bè, đồng đội trong những cơn sốt rét, những lúc cận kề cái chết. Với anh, họ xứng đáng là những tấm gương cho anh học tập. Có những đồng đội đã vì anh mà hy sinh một phần thân thể.
“Một lần tôi gặp một chiến sỹ tên là Tư Càng, 20 tuổi, quê miền Tây. Anh dẫn đường cho tôi xuống một phum (làng) của người Kh’mer ở Campuchia. Đường đi vào phum bị Polpot cài mìn dày đặc, anh dặn tôi phải đi theo dấu chân anh để tránh dính mìn. Đi được một quãng, bỗng anh kêu lên: “Anh đứng yên đó, đừng đi tiếp coi chừng dính mìn”.
Lúc đó tôi mới thấy một bàn chân của anh đạp lên một quả mìn. Vì không còn cách nào khác để gỡ mìn, anh đành khẽ nhấc chân lên. Quả mìn nổ, bàn chân anh bị đứt. Chúng tôi may mắn thoát chết”, nhà văn Quốc Trung kể.
Muốn lý giải sự tha hóa
Thời gian sau, anh về công tác ở báo Quân đoàn 4, Binh đoàn Cửu Long rồi đi học tại trường viết văn Nguyễn Du. Tốt nghiệp xong, anh về Tổng cục Chính trị, bộ Quốc phòng, làm ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Quãng đời binh nghiệp, những kỷ niệm về bạn bè trong thời chiến, những trăn trở trước cuộc sống và thời thế hôm nay đã đi vào những tác phẩm của anh.
Trong nghiệp cầm bút của mình, anh có nhiều tác phẩm đoạt giải, như: Truyện ngắn “Những tia chớp phía chân trời” đoạt giải Nhất báo Sài Gòn giải phóng, tiểu thuyết “Người đàn bà khóc mướn” và tiểu thuyết “Đất không đổi màu” cùng đoạt giải thưởng Văn học sông Mekong.
Ngoài ra, anh còn đoạt nhiều giải thưởng khác của các báo, đài cho các tập truyện ngắn, bút ký của mình như: “Người đàn bà hồn nhiên”, “Đêm trừ tịch”, “Trong tiết Thanh minh”, “Người đến từ nước Mỹ”. Có một số truyện của anh được dựng thành phim như “Đêm trừ tịch”, “Dời nhà lên phố” (đoạt giải truyện ngắn hay của báo Văn nghệ của hội Nhà văn Việt Nam).
Nhà văn Quốc Trung Quá khứ và đồng đội luôn thôi thúc anh phải viết, như lời anh tâm sự: “Khi ngồi trước trang giấy trắng và bây giờ là màn hình vi tính, là hình ảnh đồng đội, nhân vật lại hiện lên, động viên, khích lệ và cả khiển trách”.
Hiện anh đã viết xong tiểu thuyết về số phận những người dân bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, thời gian của câu chuyện diễn ra từ thời chiến tranh cho đến nay. Tiểu thuyết có tên là “Dòng kênh bên chùa” nói về tôn giáo và cách mạng.
Anh cũng vừa viết xong tiểu thuyết “Hội ngộ Phước Long” nói về chiến dịch Phước Long và thân phận của những người lính chế độ cũ hội nhập với chế độ mới. Nhà văn Nguyễn Quốc Trung tâm sự: “Chất liệu để tôi viết văn là quãng đời tôi tham gia chiến đấu, những ký ức về bạn bè, đồng đội, là đời sống hàng ngày. Tôi chủ trương viết dạng văn phong giản dị mà sâu sắc, đa nghĩa, nhân vật có tính cách đại diện cho những tầng lớp người trong xã hội. Thông qua những tình huống trong câu chuyện mà nhân vật hành động và từ đó bộc lộ tính cách của họ”.
Là một nhà văn, Nguyễn Quốc trung không thể thờ ơ với cuộc sống, với nhân dân. Trước những vấn nạn nóng bỏng mang tính sống còn của đất nước, của chế độ hiện nay, như nạn tham nhũng, sự tha hóa, suy thoái đạo đức và nhân cách của con người, anh thấy xót xa và tìm cách lý giải.
Anh trăn trở: “Trong một số tác phẩm gần đây, tôi đề cập đến vấn đề tham nhũng, theo tôi là một vấn nạn đau lòng và hết sức nguy hiểm cho xã hội và sự tồn vong của dân tộc. Tôi muốn lý giải vì sao con người dễ tha hóa đến thế, tha hóa một cách hồn nhiên. Có những người tha hóa mà không biết mình bị tha hóa!
Trong truyện ngắn “Dời nhà lên phố”, tôi miêu tả những người dân ở miền Tây bị mất đất vì những dự án phải bỏ quê lên thành phố kiếm sống và phạm tội. Đó là một vấn nạn của chúng ta hiện nay. Người nông dân mà không có đất thì lấy gì sinh sống? Từ đó sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy tiềm ẩn cho xã hội”.
“Văn học không theo kịp cuộc sống”
Theo nhà văn Quốc Trung, nông thôn và làng quê của chúng ta đang bị xé nhỏ, tan nát, tha hóa. Và đó là vấn đề mà văn học cần phản ánh, dùng cái đẹp, dùng chức năng của văn học để cứu loài người.
“Chúng ta từng có nhiều thành tựu nhưng hiện nay có những thứ trở nên tan hoang, hư hỏng hoàn toàn và văn học phải lý giải điều đó. Văn học hiện nay không theo kịp với cuộc sống hiện nay.
Cốt cách con người Việt Nam, truyền thống của con người Việt Nam chưa thay đổi kịp với thời đại, họ bị chếnh choáng trước những xu thế, làn sóng của thời mở cửa, thời kinh tế thị trường. Chúng ta đang sống, đang đắm chìm trong thế giới ảo của công nghệ thông tin, truyền thông, thậm chí là phim ảnh.
Phim ảnh hiện nay đưa ra những cảnh sống xa hoa, xa lạ với đời sống thực của người Việt Nam gây những ngộ nhận, xáo trộn trong suy nghĩ, nhận thức và dẫn tới những hành động sai trái, lệch lạc vì họ bắt chước, đua đòi theo lối sống trên phim ảnh Hàn Quốc...
Chúng ta thiếu những tác phẩm mang đậm tính chân chất của người lao động, của cuộc sống thực. Đây là thời kỳ khủng hoảng của toàn nhân loại, con người sống thiếu niềm tin vào nhau, vào đồng loại nên bị hoảng loạn”, nhà văn Nguyễn Quốc Trung phân tích và cảnh báo.
Là người sáng tác văn chương, cũng như bao nhà văn khác, anh trăn trở, suy tư trước hiện tượng văn hóa đọc đang ngày càng đi xuống, tỷ lệ người đọc càng ngày càng ít đi. Trong khi đó, văn học là cái gốc của nghệ thuật, là nguồn cảm hứng để sản sinh ra những tác phẩm nghệ thuật khác.
“Việt Nam có những truyện hay nhưng người đọc ít quá. Ngay cả ở những nước phát triển cũng vậy, ít người đọc sách, kể cả trong giới lãnh đạo cấp cao. Có người đã nói với Tổng thống Putin: “Ngài hãy cầm lấy cuốn sách lên đi để người khác bắt chước”. Văn học là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn của con người, tránh cho con người rơi vào những chuyện xấu. Nếu được đọc sách, nhất là sách về văn học, tôi tin tỷ lệ người phạm tội sẽ ít đi”, anh nói.
Cần xây dựng một nền văn học mang bản sắc riêng “Bên cạnh luật pháp thì văn học phải làm cho con người sáng lên, sống tốt đẹp hơn. Văn học của ta hiện đang đi theo cái cầu kỳ quá mà thiếu cái giản dị, sâu sắc vốn có của người Việt. Chúng ta cần phải xây dựng một nền văn học có bản sắc, mang đậm hồn cốt, văn hóa của người Việt Nam. Điều này thì các nước xung quanh đã làm được, như Trung Quốc, Nhật Bản, chúng ta cũng phải làm được. Muốn vậy, cần tiếp thu văn hóa của cha ông và tiếp thu văn hóa nước ngoài để xây dựng nên. Truyện ngắn của ta được đánh giá ngang tầm thế giới, nhưng tiểu thuyết thì chưa xứng tầm”, nhà văn Quốc Trung chia sẻ. |
Nguyễn Thịnh