Văn hào Nga M.Sholokhov: Thuyền to thì sóng cả

10:40:00 20/02/2014

Mikhail Sholokhov (1905-1984) là văn hào vào loại hàng đầu của chính thể Xôviết. Tác phẩm vĩ đại “Sông Đông êm đềm” của ông từng được nhận giải thưởng Nobel về văn học năm 1965. Tuy nhiên, cũng chính M. Sholokhov đã là người bị những kẻ xấu bụng hay thù địch tìm đủ mọi cớ để gièm pha nhất. Thế nhưng, bất chấp mọi dâu bể biến thiên, cho tới hôm nay, Sholokhov vẫn là nhà văn Xôviết đã và đang được tìm đọc nhiều nhất trên thế giới và ở Tổ quốc ông.

Chế độ Xôviết luôn có thiện chí với những danh nhân văn hóa có nhiều đóng góp với sự nghiệp quốc gia. Năm 1980, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô quyết định sẽ tổ chức trọng thể lễ mừng thọ 75 tuổi của Sholokhov và quyết định phong tặng ông danh hiệu Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa lần thứ hai. Khi theo thông lệ, bức tượng bán thân của nhà văn hai lần được trở thành anh hùng đã hoàn thành, người ta tới hỏi ông: Bây giờ nên trồng cây hoa gì dưới chân tượng? Sholokhov đã mỉm cười hóm hỉnh: Ngải cứu! (Trong tiếng Nga có câu thành ngữ “Đắng như ngải cứu”). Đời kẻ sĩ, ở đâu và ở thời nào chẳng đau nỗi niềm nhân thế tới cay đắng như ngải cứu. Đất nước còn một người buồn thì ta còn trăn trở. Thế gian còn một cảnh bất công thì ta còn cảm thấy mình chưa làm tròn nghĩa vụ!

Kêu hoài không thấu

Ngay cái họ của mình, Sholokhov cũng có cách giải thích riêng vừa hóm hỉnh, vừa đúng tư chất thiên phú. Có lần ông đã nói đùa: “Cái họ Sholokhov của tôi ý nghĩa đơn giản lắm. Có một người đàn ông đi (shiol) và kêu ối a (okhat) - thế là thành họ Sholokhov - người vừa đi vừa kêu. Nếu nói nghiêm túc hơn, ngày xưa có một cái họ rất cổ là Sholok...”. Thực hư thế nào không ai rõ nhưng qua cuộc đời của ông, có thể hiểu được thiên mệnh của văn hào: Sống và nói to lên những nỗi niềm đau đớn của nhân quần, dù không phải lúc nào cũng là đúng lúc và đúng chỗ. Bộ tiểu thuyết bất hủ Sông Đông êm đềm của ông nhìn từ một góc độ nào đó cũng có ý nghĩa như một tiếng kêu to trên đường đời máu lửa về những nỗi đoạn trường mà các dân tộc sống trên vùng lãnh thổ Xôviết mênh mông, nhất là ở vùng sông Đông quê hương ông, đã buộc phải trải qua.

Sông Đông êm đềm chung cuộc đã mang lại cho ông vòng nguyệt quế vĩnh hằng nhưng cũng là duyên cớ để những kẻ tà tâm châm chích ông. Ngay từ khi Sông Đông êm đềm mới ra đời, những kẻ ác ý đã tung tin đồn rằng, đây là bộ tiểu thuyết của một nhà văn khác, chứ không phải của M. Sholokhov. Điều này đã xúc phạm ghê gớm tới nhà văn và càng làm ông tăng thêm quyết tâm chứng minh tài năng của mình. Tháng 3/1929, M. Sholokhov (khi ấy mới 24 tuổi) viết thư từ Moskva về cho người vợ trẻ Maria Petrovna (gọi thân yêu là Marusenok):

“Marusenok thân yêu, em đã nói đúng hàng nghìn lần, thật không dễ mau rời khỏi Moskva. Anh kể thứ tự cho em mọi chuyện: Em có lẽ không thể tưởng tượng được lời vu khống đó về anh đã lan truyền rộng tới đâu! Chỗ nào người ta cũng nói tới nó, cả trong lẫn ngoài làng văn, cả ở Moskva lẫn dưới tỉnh lẻ. Hôm qua đồng chí Stalin cũng hỏi chuyện này... Rồi họ còn đồn anh là Bạch vệ, là điệp viên...

Anh đã bị khủng bố, hành hạ một cách có bài bản. Kết quả là anh phải mất ăn, mất ngủ, chẳng làm được việc gì. Nhưng lòng anh vẫn hứng khởi và anh sẽ chiến đấu tới cùng.

Mấy tay thợ viết của nhóm “Kuznitsa” như Berezovsky, Nikiforov, Gladkov, Malyshkin, Sannikov... với tâm hồn hèn hạ của chúng đã tung đi tin đồn đó, thậm chí còn trắng trợn đăng đàn về việc này... Chúng thật khốn nạn và ngay cả tấm thẻ Đảng cũng không làm sạch nổi tâm hồn con buôn bẩn thỉu của chúng.

Nhưng rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Ngày mai báo sẽ đăng lời bác bỏ những tin đồn đó”.

Số là một ủy ban đặc biệt đã được lập ra để nghiên cứu tiểu thuyết Sông Đông êm đềm và những truyện ngắn đầu tay của M. Sholokhov. Và các chuyên gia đã kết luận: Tin đồn không có căn cứ, M. Sholokhov rất thống nhất văn phong trong mọi tác phẩm của mình. Tuy nhiên, suốt 70 năm sau, những tin đồn đó vẫn tiếp tục được lan truyền, bọn vu cáo lợi dụng việc M. Sholokhov đã đánh mất bản thảo ban đầu của Sông Đông êm đềm để nghi ngờ quyền tác giả của ông. Mãi cho tới năm 1999, mọi sự mới đâu vào đấy: Viện Văn học thế giới Nga ở Moskva đã tìm thấy tập bản thảo Sông Đông êm đềm đầu tiên với nét bút của M. Sholokhov.

Đảng có “mắt xanh”

Dù trên cương vị chính trị gia có thể bị đánh giá theo những góc độ khác nhau, nhưng lãnh tụ Xôviết Yosif Stalin luôn được biết tới như một người có tâm và tầm trong các vấn đề văn hóa. Và ông đã ra tay giúp M. Sholokhov trong giai đoạn khó khăn của nhà văn. Về sau, M. Sholokhov kể:

“Tại tòa soạn tạp chí Tháng 10 người ta dừng in tập tiếp theo của Sông Đông êm đềm. Họ ngại những tin đồn. Làm gì bây giờ? Tôi cứ loạn cả lên, chẳng biết nhờ ai giúp... Đành phải mang bản thảo đến Maxim Gorky. Sau một thời gian có điện thoại: “Ngày này ngày kia tới. Sẽ có đồng chí Stalin. Đấy mới là người quyết định số phận của anh. Sẽ nói chuyện trong bữa ăn trưa”. Tôi rất sợ rằng đồng chí Y. Stalin không thích những nhân vật mà tôi cho là có lỗi trong việc chống culắc. Mà chính từ chuyện đó đã bắt đầu bộ tiểu thuyết.

Đúng hẹn, tôi tới nhà Gorky... Tất cả cùng ngồi. Gorky im lặng là chính, hút thuốc mù mịt... Stalin ra câu hỏi cho tôi: “Tại sao lại viết về viên tướng Kornilov mềm như vậy?”. Tôi trả lời, hình ảnh và hành động của viên tướng Kornilov được tôi miêu tả không nương tay, nhưng thực sự tôi đã dựng nên nhân vật này như một người đã được giáo dục bởi đạo đức danh dự và dũng cảm của một sĩ quan. Ông ta đã chạy khỏi trại tù binh. Ông ta đã yêu Tổ quốc... Stalin kêu lên: “Sao, thế là danh dự? Ông ta chống lại nhân dân! Một rừng giá treo cổ và một biển máu!”. Tôi phải nói rằng, lập luận này đã thuyết phục tôi. Về sau tôi đã điều chỉnh theo hướng đó”.

M. Sholokhov kể tiếp: “Stalin ra câu hỏi mới: “Lấy ở đâu ra việc thái quá của Bộ Chính trị sông Đông của Đảng và Ủy ban Cách mạng?” (Đây chính là chủ đề chống culắc). Tôi đáp, mọi việc đã được viết ra rất trung thực theo tài liệu lưu trữ. Nhưng các nhà làm sử đã tránh đi những sự việc này và đã kể chuyện nội chiến không giống như sự thật cuộc đời... Cuối cuộc gặp, Stalin chậm rãi nói: “Một số người cho rằng bộ tiểu thuyết này sẽ làm vui những kẻ thù của chúng ta, bọn Bạch vệ đang sống lưu vong ở nước ngoài...”. Rồi ông hỏi tôi và Gorky: “Hai đồng chí nói gì về chuyện này?”. Gorky trả lời: “Bọn chúng thì ngay cả những cái tốt đẹp, hay ho nhất cũng có thể bóp méo đi mà chống lại chính quyền Xôviết”. Tôi cũng đáp: “Đối với bọn Bạch vệ thì ít có điều tốt trong tiểu thuyết này. Chẳng gì thì tôi cũng đã miêu tả sự thất bại hoàn toàn của chúng ở vùng sông Đông và Kuban”. Khi ấy, Stalin mới nói: “Đúng, tôi đồng ý. Việc miêu tả các sự kiện trong tập ba của Sông Đông êm đềm hữu ích cho chúng ta, cho cách mạng”. Rồi ông hứa là sách sẽ được in...

Yêu nhau, yêu cả đường đi lối về

Y. Stalin luôn trân trọng M. Sholokhov, đến mức gần như “nuông” ông. Khi M. Sholokhov giữ cương vị chủ đạo ở Hội Nhà văn Liên Xô, ông hay cùng bạn đồng nghiệp Alexander Fadeyev “chén anh, chén chú”. Thậm chí, có hôm được Y. Stalin mời tới nói chuyện, M. Sholokhov vẫn chưa hả hết mùi rượu. Những kẻ xấu bụng tưởng như thế thì M. Sholokhov sẽ bị nhà lãnh đạo tối cao, vốn rất chỉn chu trong thủ tục hành chính, quở mắng. Thế nhưng, Y. Stalin đã có cách hành xử khác. Một lần, gặp M. Sholokhov, Y. Stalin cười cười hỏi:

- Thế nào, đồng chí nhà văn, một tuần đồng chí cùng đồng chí Fadeyev uống rượu mấy ngày?

M. Sholokhov không nói không rằng, chỉ cười trừ. Thấy vậy, Y. Stalin bảo cô thư ký:

- Cô ghi lại đi! Quyết định của Bộ Chính trị. Mỗi tuần đồng chí M. Sholokhov và đồng chí A. Fadeyev chỉ uống rượu từ thứ hai tới thứ năm thôi, còn lại ngày thứ sáu phải làm việc! Đừng như bây giờ, bảy ngày rượu say cả bảy!

Nói đoạn, ông dứ dứ ngón tay về phía văn hào. Cả hai bật cười sảng khoái...

Một năm, vào đúng ngày sinh nhật của mình, M. Sholokhov mời bạn bè thân thiết nhất tới một nhà hàng ở Moskva uống rượu. Bất thình lình, người phục vụ tới nói nhỏ với ông:

- Thưa ông, ông có điện thoại từ Điện Kremli!

M. Sholokhov cầm lấy ống nghe. Từ đầu dây bên kia vang lên giọng nói đầy uy vũ:

- Thế nào, bạn mình có việc vui mà lại quên mình rồi hả?!

- Dạ, thưa... Tôi... - M. Sholokhov định biện bạch.

- Không có tôi gì cả, tôi đang chờ anh đây. Cho tôi uống mừng sinh nhật anh với. Xe đang chờ ở ngoài cửa đấy!

M. Sholokhov ra ngoài. Quả nhiên, một chiếc xe sang trọng đang chờ ngoài cửa. Hóa ra là, Y. Stalin nghe ai đó nói tới lễ sinh nhật của M. Sholokhov nên đã quyết định là kiểu gì thì ông cũng đích thân mừng thọ nhà văn lớn. Trọng kẻ sĩ không bao giờ là việc vô ích đối với các chính trị gia!

Đàng hoàng tới cùng

Năm 1984, M. Sholokhov đang trong giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư. Đang ở trong bệnh viện tốt nhất của Moskva, ông đã yêu cầu đưa ông về làng cũ. Một chuyến bay đặc biệt đã chở ông tới thôn Vioshki. Tại đấy, ông lại được sinh hoạt như chưa từng bị đau ốm gì. Sáng đọc báo, ban ngày ký đủ thứ giấy tờ của một đại biểu Xôviết tối cao… Rồi ông còn đọc cả sách nữa... Nhưng cũng có lúc căn bệnh ung thư lại trỗi dậy hành hạ ông. Tuy nhiên, ông không cho phép các bác sĩ tiêm thuốc moócphin giảm đau. Ông chỉ cần mỗi lúc căn bệnh hành hạ thì vợ ông tới đặt tay lên trán ông thôi - có cảm giác như mọi cơn đau đều biến mất.

Ông thù hận nỗi bất lực ngày càng xâm chiếm mình. Nhưng ông vẫn không ngừng hút thuốc. Và thỉnh thoảng ông lại sực nhớ tới một việc gì đó mà mình có nghĩa vụ phải làm. Lúc thì là lời hứa tặng cho thư viện một xóm nào đó cuốn Sông Đông êm đềm có kèm theo chữ ký. Lúc thì là thời hạn phải nộp Đảng phí... Đêm 21/2/1984, ở ngay chính nhà mình, M. Sholokhov đã trút hơi thở cuối cùng, trong căn phòng ngủ ở tầng hai. Đồng hồ lúc đó chỉ 4 giờ 40 phút. Ngoài cửa sổ, những cơn gió từ sông Đông thổi vô hồi...


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1