Năm ngoái, thế giới thích thú khi phát hiện ra Rowling đã bí mật phát hành tiểu thuyết trinh thám đầu tay The Cuckoo’s Calling , núp dưới danh tính giả là nam nhà văn Robert Galbraith. Cuốn sách được giới phê bình khen và bán được vài trăm bản, thành tích mà Rowling cho rằng "khá hơn rất nhiều so với chính tôi lúc khởi đầu sự nghiệp". Sau đó, chuyện Rowling là tác giả lộ ra, sách đã bán đắt như tôm tươi ở Anh.
Hôm 18/2, lại có tin Rowling sẽ "cho" Galbraith ra mắt tiểu thuyết thứ hai vào ngày 19/6 tới, với tên The Silkworm (tạm dịch: Tằm ). Sách tiếp tục cuộc phiêu lưu của thám tử kiêm cựu quân nhân Cormoran Strike, nhân vật chính của The Cuckoo’s Calling . Strike sẽ điều tra tiếp một cái chết bí ẩn.
Giới tính hay danh tiếng quan trọng hơn?
Giờ đây khi cái tên Robert Galbraith cũng nổi tiếng gần ngang với Rowling, mục đích ban đầu của nữ văn sĩ khi dùng bút danh này coi như thất bại hoàn toàn. Đó là "để được viết mà không bị thúc giục hoặc kỳ vọng và nhận được những phản hồi không kiêng nể".
Việc Rowling bị lộ "bí mật Robert", ban đầu tưởng chừng như rất thú vị, về sau cũng gây ra bất lợi cho bà, khiến bà mất đi sự bình yên của khoảng lặng không danh tiếng.
Cho đến nay, ngoài việc thu hút sự chú ý cho những cuốn sách mới của Robert Galbraith thì việc Rowling "giả trai" cũng làm dấy lên không ít bàn cãi. Cụ thể với việc dựa vào một cái tên nam giới để viết sách, nữ nhà văn bị cho là góp phần khiến nữ quyền trong văn học đi lùi, thậm chí nặng nề hơn là "phản bội nữ giới" (như tờ New Statesman viết hồi năm ngoái).
Những kẻ phê bình nói rằng Rowling hoàn toàn có quyền lấy bút danh khác để viết sách, nhưng vấn đề là tại sao bà chọn một cái tên của đàn ông, thay vì phụ nữ.
Theo New Statesman , một thực tế đã được chứng minh qua số liệu thống kê là độc giả sách trinh thám (cả nam lẫn nữ) đều ít hứng thú khi tác giả cuốn sách là nữ giới, dù có đến 80% độc giả dòng sách này là phụ nữ.
Nôm na, đây là hiện tượng "trọng nam khinh nữ" trong văn học mà chính phụ nữ đã góp phần tạo nên. Các nhà văn nữ chịu khá nhiều áp lực từ việc này. Bản thân Rowling cũng đổi bút danh của bà từ Joanne Rowling thành J.K. Rowling để thuận lợi cho việc bán sách khi viết bộ Harry Potter. Khá nhiều nhà văn đi theo con đường này, mà trong tiếng Anh gọi là trò "male for sales" - giả trai để bán được sách.
Nhưng, trường hợp của Rowling cũng có ý nghĩa tích cực ở chỗ, bà đã chứng tỏ rằng danh tiếng còn quan trọng hơn giới tính trong việc bán sách. Sách của Robert Galbraith ban đầu chỉ đứng thứ 4.709 trên Amazon, nhưng khi danh tính J.K. Rowling bị lộ ra, tác phẩm nhảy vọt lên thứ 3. Doanh số tăng hơn 150.000 lần.
Thực ra, không ai có quyền phản xét Rowling phản bội hay không phản bội nữ giới, bởi không phải bất cứ một người phụ nữ nổi tiếng nào cũng phải đại diện cho nữ quyền. Tuy nhiên lựa chọn của bà (lấy bút danh nam giới) đã nói lên một thực trạng đang tồn tại trong văn học.
Bìa cuốn sách “The Silkworm” của tác giả Robert Galbraith, tức J.K. Rowling
Chưa "cao tay" bằng Agatha Christie
Rowling lấy bút danh nam giới để phù hợp hơn với thể loại trinh thám, dòng văn đang bị các nhà văn nam giới thống trị (James Patterson, Dan Brown, Stieg Larsson …). Song có một sự thật là một nữ nhà văn vẫn đang đứng ở vị trí số một trong thể loại này. Đó là Agatha Christie, người chiến thắng trong cuộc bầu chọn nhân 60 năm thành lập Hiệp hội nhà văn trinh thám Vương quốc Anh, vào tháng 11/2013.
Thêm vào đó, dù thực tế cho thấy bút danh nam dễ bán sách trinh thám hơn bút danh nữ, tác giả có sách bán chạy nhất mọi thời đại thuộc thể loại này vẫn là Agatha Christie.
Christie đã chiến thắng các đồng nghiệp nam giới nổi tiếng nhất như Arthur Conan Doyle, PD James, Raymond Chandler… Điều đáng chú ý nhất là bà vẫn giữ bút danh nữ giới để xuất bản sách.
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa