Tác giả "Sông Gianh", "Mùa hoa dẻ" qua đời

14:29:00 11/03/2014

- Nhà văn Văn Linh (tên thật là Trần Viết Linh), hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ những thế hệ đầu tiên năm 1957, đã vĩnh viễn ra đi, hưởng thọ 85 tuổi.

Nhà văn Văn Linh (tên thật là Trần Viết Linh), hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ những thế hệ đầu tiên năm 1957, đã vĩnh viễn ra đi, hưởng thọ 85 tuổi.

Nhà văn Văn Linh tên thật là Trần Viết Linh, sinh ngày 1/1/930, tại phường Đại Nai, thị xã Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sớm nổi tiếng với tiểu thuyết đầu tay “Mùa hoa dẻ” (1957). Đó là một tác phẩm hiếm hoi ở thập niên 1950 viết về một chuyện tình thời chiến với những xúc cảm hồn nhiên, chân thật mà rất đỗi nồng nàn say đắm.


Nhà văn Văn Linh và tiểu thuyết Sông Gianh (1999)

Cuốn tiểu thuyết được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, song số phận của nó khá long đong. "Mùa hoa dẻ" được NXB Thanh niên in lần đầu năm 1957 và được tái bản ngay năm 1958. Cuối năm 1958, do nhu cầu từ bạn đọc, NXB Thanh niên định in lần 3 với số lượng hàng vạn cuốn thì bị đình bản. Có lẽ do góc nhìn của phía quản lý văn hóa thời bấy giờ còn cứng nhắc, không ủng hộ tình cảm lứa đôi có phần "sướt mướt" như vậy.

Sau Đổi mới, NXB Thanh niên cho in lại với số lượng 40.000 cuốn, đến năm 1996, NXB Văn học lại in thêm 700 cuốn, rồi được đưa vào các bộ tuyển lớn như “Văn học Việt Nam thế kỷ 20” (Tiểu thuyết 1945-1975, NXB Văn học 2003) và “Văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1887-2000” (Tập 3 – 1946-1975, NXB TP. Hồ Chí Minh, 2006).... Đây có thể coi là tác phẩm được in với số lượng nhiều nhất so với các tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975.

Sau này nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Hiền cho rằng, tiểu thuyết Việt Nam thời chiến tranh, có lẽ "Mùa hoa dẻ" (1957) là tác phẩm xây dựng thành công nhất hình tượng thiên nhiên có sức làm say đắm lòng người, đan xen với cuộc tình trắc trở của đại đội trưởng Liêu và cô thôn nữ tên Hoa ở làng Phước Sơn, tỉnh Quảng Bình.

Trong cuộc đời sáng tác gần nửa thế kỷ, Văn Linh chủ yếu viết về vùng đất lửa Quảng Bình với những tác phẩm nổi bật khác như “Goòng” (1960), và mới đây là bộ tiểu thuyết bốn tập “Sông Gianh” (Nhà xuất bản Thanh niên-1999).

Nhà văn Văn Linh cũng là một trong những nhà văn có thời gian sống ở Lào lâu nhất. Ông đã có mặt ở bên kia dãy núi Trường Sơn ngay từ lúc vào giải phóng Thà Khẹc, Khăm Muộn. Thời kỳ chống Mỹ, ông tham gia đánh trận Ăng Khăm lúc tiểu đoàn hai phá vòng vây ở cánh đồng Chum. Trở về nước được một thời gian, ông lại được cử sang làm chuyên gia văn học tại Lào. Thời gian này, ông đã giúp nước bạn đào tạo bồi dưỡng một số nhà văn chuyên nghiệp, trong số đó có hai nhà văn đã được nhận giải thưởng văn học Đông Nam Á.

Những sáng tác quan trọng của ông viết về hình tượng người chiến sĩ Lào là: ''Trên đất bạn'' (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân), ''Bến Thác'' (Nhà xuất bản Thanh niên), ''Vượt qua bão lửa'', ''Chiến sĩ Phu Cút'', kịch bản phim truyện ''Tiểu đoàn hai''...

Do có những đóng góp to lớn cho cách mạng Lào, nhà văn Văn Linh đã hai lần được Nhà nước Lào tặng thưởng Huân chương Tự do hạng Nhất. Một trong những sáng tác có liên quan đến Lào, tác phẩm "Mưa Rừng'' được Hội nhà văn Á Phi chọn in trong tạp chí Bông sen năm l 968; truyện ngắn ''Những người con ưu tú của đất Lào'' của ông cũng được Hội quốc tế ngữ Nhật Bản in năm 1972 và Nhà xuất bản Ngoại văn Việt Nam in bằng bốn thứ tiếng là Anh, Pháp, Nga và Quốc tế ngữ. Truyện ngắn ''Pả Xua'', nguyên mẫu là một phụ nữ Lào cùng với tác phẩm đầu tay ''Mùa hoa dẻ'' cũng được in trong tuyển tập Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975.

Nhà văn Văn Linh đã từ trần hồi 18h15, ngày 7/3/2014, tại Hà Nội. Ông ra đi để lại trên 40 đầu sách và hai mươi kịch bản phim truyện và truyền hình.

Lễ viếng được tổ chức từ 13h30-15h00 ngày 13/3/2014 (tức ngày 13 tháng Hai năm Giáp Ngọ) tại nhà tang lễ Bệnh Viện 354 Đội Cấn – Hà Nội.

Vân Sam
Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1