-Phật ở tầng áp mái – nói về làn sóng di cư của phụ nữ Nhật đi tìm miền đất hứa là Mỹ. “Giấc mơ Mỹ” khiến nhiều cô gái bị vỡ mộng ngay đêm đầu tiên gần chồng.
Phật ở tầng áp mái (The Buddha in the Attic) - Một trong những cuốn sách Tổng thống Mỹ Obama đã chọn trong một lần đến nhà sách của ông vào cuối tháng 12 năm 2013 (Theo The New York Times) vừa được dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan dịch và ra mắt bạn đọc. VietNamNet đã có buổi trò chuyện với dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan, người từng chuyển ngữ 3 cuốn tự truyện Cuộc sống không giới hạn (tựa gốc: Life Without Limits), Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng (tựa gốc: Unstoppable) và Sống cho điều ý nghĩa hơn của Nick Vujicic. Bình thường, các dịch giả hay dịch sách theo đơn đặt hàng của các nhà xuất bản. Riêng chị thì khác, thích cuốn nào chị mới dịch. Vậy điều gì ở The Buddha in the Attic khiến chị khiến chị quyết định dịch nó? Thực ra, tôi biết tiếng Anh cũng rất có lợi. Tôi đọc các tờ như News York Times, The Guardian hàng ngày. Có cuốn sách nào hay tôi đều rất chú ý. Nếu tôi thích cuốn nào, tôi sẽ tìm hiểu sâu xem hoàn cảnh của nó như thế nào, bản quyền của nó ở Việt Nam có còn không? Tôi tìm sách dịch không quan trọng nó có phải là best-seller hay không, hay nó là sách giải trí đang được giới trẻ yêu thích mà nó phải có cái gì đó có tính cảnh báo, nhắc nhở, hoặc là khích lệ chúng ta. Phật ở tầng áp mái nói về làn sóng phụ nữ Nhật đi tìm miền đất hứa Mỹ. Ở Việt Nam cũng đang có làn sóng các cô gái đua nhau sang Hàn Quốc, Trung Quốc thông qua mối lái để tìm người bạn đời với mong muốn họ là chỗ dựa vững chắc cho mình. Vậy câu chuyện này, ai đọc được kể cho nhau nghe cũng tốt. Có thể là chia sẻ sự thấu cảm, một cảnh tỉnh cho những cô gái đang ôm mộng đổi đời nơi xứ người. Tiêu đề “Phật ở tầng áp mái” cứ ám ảnh tôi. Chị có thể lý giải thêm về tiêu đề cuốn tiểu thuyết này? Khi tôi đưa bìa tên sách lên trang cá nhân của tôi, nhiều bạn đã comment hỏi sao tên hay thế dù chưa hề đọc cuốn này. Đúng là chi tiết về tôn giáo, đạo Phật trong cuốn tiểu thuyết này chỉ thoáng qua thôi, nó là chi tiết nhỏ nhưng lại là hình ảnh đặc trưng vô cùng đậm nét. Có thể thấy triết lý của đạo Phật ở trong câu chuyện đời thường, của sự va đập văn hóa giữa phương Đông và phương Tây. Chất tôn giáo không phải là sợi chỉ xuyên suốt của tác phẩm nhưng đọc chỗ nào cũng thấy. Tầng áp mái ở phương Đông thường làm nơi thờ cúng trang nghiêm, rất được coi trọng nhưng với phương Tây, tầng áp mái chỉ là nơi phụ, chứa đồ bỏ đi, hoặc lâu lâu mới dùng tới. Những người Nhật sang Mỹ mang theo trong mình đạo Phật nhưng họ lại không dám bộc lộ ra ngoài, chỉ khi lên tầng áp mái ngồi họ mới bộc lộ rõ niềm tin tôn giáo của mình. Đó cũng là một thông điệp đối với những người Việt Nam xa xứ: Kiều hối mang về không dễ dàng gì.
Nguyễn Bích Lan ký tặng độc giả nhân dịp ra mắt tiểu thuyết. Tính cách của người Nhật vẫn là điều bí ẩn với các nhà nghiên cứu xã hội học. Cuốn sách này tôi đọc, thầy chị dịch rất hay về phần nói về tính cách của người phụ nữ Nhật. Chị có thể chia sẻ đôi chút về tính cách của người phụ nữ Nhật trong cuộc sống tha hương đi tìm hạnh phúc nơi miền xa lạ? Nếu bạn nào cùng thời với tôi chắc cũng rất mê phim Ôsin. Từ Ôsin giờ có lẽ đã đi vào từ điển. Nó nói về sự chăm chỉ của người lao động chứ không đơn thuần chỉ là lao động hạng thấp. Xã hội phong kiến Nhật, người con bao giờ cũng thấy cảnh người mẹ phải đi sau cha mình 3 bước. Thế mà phụ nữ Nhật lại nghe nói ở nước Mỹ xa xôi, bao giờ cũng ưu tiên phụ nữ nên "giấc mơ Mỹ" càng thôi thúc họ lên tàu để đi. Thế nhưng sang Mỹ quá khổ, khổ hơn cả ở Nhật. Nhưng phụ nữ Nhật không ngã lòng, không thất vọng, họ lao động với một hy vọng, nếu họ chăm chỉ, mùa màng sẽ tươi tốt và bội thu. Phụ nữ Nhật có niềm tin vào cuộc sống. Cảm ơn chị đã chia sẻ! Tiểu thuyết “Phật ở tầng áp mái” lấy bối cảnh trước Chiến tranh thế giới thứ hai, khi trào lưu phụ nữ Nhật di cư tìm miền đất hứa đang thịnh hành. Chỉ qua một vài tấm ảnh, vài bức thư, vài lời đường mật của những bà mối, nhiều cô gái Nhật, có cô mới chỉ 14 tuổi, đã đồng ý kết hôn với những người đàn ông mà họ chưa từng gặp mặt sống ở bên kia bờ đại dương, những người mà họ tin rằng sẽ đảm bảo cho họ một cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều so với cuộc sống nghèo khó ở quê hương. Họ háo hức mơ về sự đổi đời ở Mỹ. Thế nhưng “giấc mơ Mỹ” đã khiến các cô gái thất vọng ngay đêm đầu tiên gần gũi chồng. Mặc dù được đánh giá cao nhờ tính chăm chỉ, sức chịu đựng, tinh thần kỷ luật và được coi là loại người ưu tú nhất dành cho lao động mà người Mỹ có thể thuê được, ở xứ người những phụ nữ Nhật vẫn phải chịu sự xa lánh vì sự khác biệt chủng tộc. | T. Lê
|