Từ việc Tổ chức Ngày sách Việt Nam: Giới trẻ thờ ơ với văn hóa đọc (!?)

15:24:00 19/03/2014

Trong buổi hội thảo mới đây do Bộ TTTT tổ chức, lấy ý kiến về việc tổ chức Ngày sách Việt Nam (21.4), các đại biểu có mặt đều đặt ra vấn đề văn hóa đọc trong giới trẻ đang ở mức báo động, khi nhiều bạn trẻ thờ ơ với sách vở, chưa có kỹ năng đọc và đang bị văn hóa nghe – nhìn cuốn theo.

Hàng trăm bạn trẻ chen chân tại các quầy bán sách tại Hội chợ sách mùa Xuân 2014 tại Thư viện Hà Nội. Ảnh: Nguồn hanoitv.vn
Ngày 21.4 hằng năm đã được Thủ tướng Chính phủ chọn là Ngày sách Việt Nam, nhằm tôn vinh những người yêu sách, sản xuất sách và gây dựng lại văn hóa đọc sách nước nhà. Đối tượng đầu tiên hướng tới trong công cuộc “cứu văn hóa đọc” chính là giới trẻ - những người đang chịu tác động bởi sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin – vì ít nhiều thờ ơ với nền văn minh đọc – nghĩ.
Trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Hay nói như ông Nguyễn Kiểm - Phó Chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam: Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư dãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Chỉ có việc đọc-nghĩ mới giúp con người biến những kiến thức trong sách vở thành tri thức của mình. Thế nhưng, giới trẻ ngày nay có vẻ thờ ơ, lãnh cảm với văn hóa đọc sách. Phải chăng họ nghĩ với những thông tin hiện đại họ không cần tới sách nữa?
Khi hỏi chung một câu hỏi “bạn có thói quen đọc sách hằng ngày không” thì đa số các bạn trẻ đều trả lời là không. Với muôn vàn lý do nên giới trẻ thờ ơ với sách: Bận công việc, dành thời gian cho gia đình, lướt wed, thích xem chương trình giải trí, thích nghe nhạc hơn là vùi đầu vào quyển sách…

Bạn Lan Anh (sinh viên năm nhất ĐH Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây mình cũng thích đọc sách, đặc biệt là sách văn học. Nhưng giờ học hành bận quá, nên ít đọc hơn, mà chủ yếu nếu đọc thì chọn sách giáo trình để phục vụ cho công việc học tập”.

Tại hội thảo lấy ý kiến về việc tổ chức Ngày sách Việt Nam (21.4) diễn ra tại Thư viện Quốc gia Hà Nội, ngày 17.3, nhiều vị đại biểu cho rằng giới trẻ ngày nay đang bị cuốn theo văn hóa nghe - nhìn, thờ ơ với văn hóa đọc - nghĩ.
Rồi nhiều bạn trẻ cho rằng ngày nay đọc sách là lạc hậu. Với sự bùng nổ thông tin, nếu ai thích đọc thì lên mạng, đọc vừa nhanh, vừa dễ, vừa đỡ tốn kém. Nhưng một số người khác cũng cho rằng, mặc dù Internet chứa đựng khối lượng kiến thức khổng lồ, nhưng bạn có thể “gặm nhấm”, “nhâm nhi” từng câu chữ mà tác giả gửi gắm vào đó không?

Nhiều bạn trẻ cũng chia sẻ là thường đọc sách theo phong trào, khi thấy bạn bè kháo nhau, hay báo chí thông tin có quyển sách hay, đang gây sốt thì cũng đi tìm mua để đọc thử, chứ ít bạn giữ được thói quen đọc sách hằng ngày. Theo Ngọc Lan – sinh viên ĐH KHXH&NV – thì phần lớn bạn bè của bạn thường đọc sách theo phong trào. “Có một thời gian những cuốn sách như “Mãi mãi tuổi 20”, “Lê Vân yêu và sống”, “Thế giới phẳng”… làm mưa, làm gió trên thị trường. Cả nhóm đã lùng sục tìm mua để đọc. Còn giờ nếu đọc, tôi và nhiều bạn thường chọn sách văn học hoặc những quyển tiểu thuyết tình yêu lãng mạn” – Ngọc Lan chia sẻ.

Theo nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình thì “văn hóa đọc chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta với tri thức, sách vở. Phải biết đọc sách sao cho hợp lý và bổ ích. Đọc sao cho hợp với quy luật tiếp cận tri thức. Có nhiều bạn trẻ ngày nay thường đọc sách theo sở thích, mà chưa có văn hóa đọc sách”.

Nhiều người lại có thói quen săn tìm những quyển sách được coi là “sách đen” để đọc. Dường như những quyển sách càng bị cấm thì lại càng được quan tâm, với sự tiếp tay của nạn sách lậu, các bạn trẻ vẫn truyền tay nhau đọc hăng say.

Mới đây trong đêm chung kết cuộc thi hùng biện BNW 2014, bạn trẻ Lê Khánh Linh (Trường ĐH Ngoại thương) đã thẳng thắn nhìn nhận về văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay: “...quan trọng không phải bạn đã đọc được bao nhiêu, mà bạn đã đọc được những gì, đọc như thế nào và đọc để làm gì. Có những người đã đọc tới 10 lần cuốn "Những người khốn khổ", nhưng vẫn ngoảnh mặt làm ngơ trước những em bé bơ vơ ngoài kia... Văn hóa đọc với tôi là gấp cuốn sách lại và mở cuộc đời ra…”.
Không phải ngẫu nhiên mà trong buổi hội thảo mới đây do Bộ TTTT tổ chức, lấy ý kiến về việc tổ chức Ngày sách Việt Nam (21.4), các đại biểu có mặt đều đặt ra vấn đề văn hóa đọc trong giới trẻ đang ở mức báo động, khi nhiều bạn trẻ thờ ơ với sách vở và đang bị văn hóa nghe – nhìn cuốn theo.
Theo ông Nguyễn Kiểm - Phó Chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam – thì đối tượng đầu tiên cần hướng tới trong ngày hội đọc sách chính là giới trẻ, cần phải kéo các bạn trẻ quay về nền văn minh đọc-nghĩ. Phương tiện nghe nhìn kéo chúng ta theo văn hóa bầy đàn và giới trẻ hiện nay thiếu những kỹ năng sống, lệch lạc trong lối sống là do việc thờ ơ với văn minh đọc-nghĩ, thờ ơ với nguồn tri thức lớn lao mà sách vở đem lại.

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1