Hà Nội qua đôi mắt cô thợ giặt là
21:30:00 28/03/2014
Vừa qua, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã diễn ra buổi ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ ba mang tên “Cửa hiệu giặt là” của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Với cuốn sách mới này, Đỗ Bích Thúy đã có sự dịch chuyển về không gian, không còn là núi rừng Hà Giang dung dị, thuần khiết nữa mà là phố phường Hà Nội hiện đại, sang trọng nhưng cũng lắm vất vả, cực nhọc. Đỗ Bích Thúy quê gốc ở Nam Định, được sinh ra và lớn lên ở Hà Giang nên vốn trong chị cũng đã mang một chút “không khí” núi rừng, cộng thêm 4 năm làm báo ở Hà Giang, được đi và đắm mình trong không gian văn hóa của các dân tộc, lại thêm năng khiếu cảm nhận văn chương nên chuyện viết về đề tài miền núi không có gì lấy làm lạ với chị. Cũng bởi vậy mà đọc Đỗ Bích Thúy dễ lầm tưởng chị là nhà văn người Mông hoặc người Tày bởi đặc trưng văn hóa trong từng câu chuyện chị kể rất đặc sắc, tinh tế mà chỉ người con được rừng núi sinh ra mới viết được như thế. Đỗ Bích Thúy bén duyên văn chương từ cuộc thi truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1988 – 1989 với chùm truyện ngắn “Sau những mùa trăng” – “Ngải đắng ở trên núi” – “Đêm cá nổi”, tiếp sau đó, những tập truyện như “Sau những mùa trăng”, “Những buổi chiều ngang qua cuộc đời”, “Ký ức đôi guốc đỏ”, “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” càng khẳng định nét riêng độc đáo của chị khi viết về vùng cao. Đó là một Tây Bắc hiện đại tràn đầy sức sống mà vẫn huyền diệu, bí ẩn khác với vẻ hoang sơ mà Tô Hoài đã từng viết. Chị viết khác các nhà văn có xuất thân là người dân tộc, bởi họ viết về miền núi là viết về chính họ, về những cái đã tồn tại, ăn sâu vào văn hóa của họ bao đời nay. Còn chị là người miền xuôi nhưng sinh ra và sống giữa những người miền núi, thế nên chị viết về vùng cao trong tâm thế của một người đi xa vừa thấy nhớ, vừa thấy đặc sắc, thấy lạ… Những sáng tác trước đây của Đỗ Bích Thúy dù được viết bằng thể loại nào cũng đều đi theo mạch đề tài quen thuộc này. Theo năm tháng, thời gian và sự trải nghiệm, cách viết của chị ngày càng “tươi tắn hơn, đa dạng hơn và điêu luyện hơn” như nhận xét của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Vẫn dựa trên chất liệu cũ, giọng văn trong trẻo, buốt nhói nhưng chị cho rằng đó không phải là “giải pháp an toàn” cho tác phẩm cũng như chị không sợ mình cũ kỹ, lặp lại bản thân. Với chị, quan trọng nhất là tác phẩm có sống lâu trong lòng độc giả hay không, bởi lẽ, người đọc rất tinh, chỉ đọc vài trang, họ sẽ biết ngay là nhà văn viết với mục đích gì. Nhân vậttrong truyện của Đỗ Bích Thúy bao giờ cũng gây ấn tượng mạnh, có sức ám ảnh đối với độc giả. Từ một chi tiết nhỏ đã có thể hình dung về nhân vật rất sống động, cụ thể. Dường như trên trang sách hiện hình rõ nét cả đôi mắt, gò má, khuôn mặt của nhân vật, cả nơi họ đứng ngồi, cả chỗ đặt bếp, nơi treo ngô… Đã vài lần bắt gặp trong truyện ngắn của chị sự dịch chuyển không gian sống, chị đã viết về đời sống đô thị, không gian thị thành. Đó không phải là sự thử thách, cũng không phải một “thực đơn mới” chị muốn mang đến cho độc giả mà chị đang viết về nơi đã gắn bó với mình suốt 17 năm qua, đã mang đến cho chị mọi vui buồn, chứng kiến chị đổi thay. Hà Nội đang dần gắn bó với tâm hồn u buồn chầm chậm của chị như những thanh vọng sau bờ rào đá ngày nào. Và “Cửa hiệu giặt là” chính là bức tranh hoàn thiện nhất mà Đỗ Bích Thúy khắc họa về Hà Nội. Chị kể lại rằng những câu chuyện trong trang sách bắt đầu từ cuộc sống thường nhật diễn ra ở một góc phố Hà Nội, nơi vợ chồng chị có một cửa hiệu giặt là. Đã có những ngày chị đứng là quần áo phục vụ khách từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, từng phảo vận dụng hết vốn từ mình có để “cãi nhau” với khách và còn rất nhiều câu chuyện thú vị khác. “Từ lúc nào đó tôi đã là một tế bào của Hà Nội. Tôi muốn sục sạo vào Hà Nội bằng con mắt của một cô thợ giặt là”, Đỗ Bích Thúy tâm sự. Nhân vật trong “Cửa hiệu giặt là” đều rất đáng yêu, bởi theo tác giả, được sinh ra trên thế gian đã là hạnh phúc rồi! Dù ai đó có khó khăn đến đâu, bất hạnh đến đâu, thì cũng vẫn sẽ tìm thấy tình yêu ở cuộc sống này. Đó là cô Viên đã quá lứa lỡ thì, 35 tuổi mà vẫn chưa lấy chồng khiến bà mẹ già không khỏi lo lắng; ba đứa nhân viên ngoại tỉnh ở tuổi mới lớn với những va đập về tình bạn, tình yêu; cô bé Trinh đầy cá tính nhưng cũng rất “sầu đời” đang mấp mé trở thành công dân Hà Nội; vợ chồng Oanh – Phương, chủ cửa hiệu giặt là tốt tính, dễ mến... Từng ấy con người cứ sống và va chạm với nhau, yêu thương, dối lừa và chia sẻ cùng nhau... Mỗi người tạo thành một mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh cuộc sống Hà thành hôm nay. “Cửa hiệu giặt là” được nhận xét như những trang nhật ký chụp lại vài lát cắt trong cuộc sống của những người dân nơi góc phố nhỏ, và ẩn trong đó là thông điệp về cái đẹp bình dị, giản đơn của cuộc sống. “Cảm xúc khi đọc cuốn sách là vừa lạ vừa quen. Lạ không gian phố xá, giọng văn hoạt kê, rất đời. Còn cái quen là vẫn gặp những thân phận đàn bà trong văn Đỗ Bích Thúy, những thân phận đau khổ, buồn phiền, già nua, cáu bẳn…, vẫn là cái tình của người viết, của nhà văn, của tấm lòng bao dung nhân hậu và thảo thơm, là sự rưng rưng xúc cảm…”, nhà văn Hoàng Đăng Khoa chia sẻ sau khi đọc cuốn tiểu thuyết mới của Đỗ Bích Thúy. Bức tranh cuộc sống đô thị muôn hình vạn trạng, những câu chuyện giản đơn đầy tính nhân văn và rất có thể, khi đang đọc những trang viết của Đỗ Bích Thúy trong “Cửa hiệu giặt là”, độc giả sẽ phải dừng lại một vài phút giây để suy ngẫm trước những xúc cảm giản dị rất đỗi chân thật của chị
|
hà nội, truyện ngắn, người mông, cuộc sống, độc giả, nhà văn, sinh ra, tiểu thuyết, tô hoài, miền núi, bảo tàng phụ nữ việt nam, giặt là, nam Định, hà giang, giọng văn, bờ rào
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
|
- Robot sẽ thay con người viết sách?
Sáng tác sẽ sớm không còn là lĩnh vực riêng của con người. Trong tương lai, robot có thể thực hiện tốt công việc này, nhất là khi khả năng tưởng tượng của chúng là vô hạn.
- Trung Quốc "săn" CEO từ thung lũng Silicon
Các công ty ở Silicon Valley có lẽ sẽ phải có những quyết sách hay ho để giữ được CEO của mình trước cám dỗ từ Trung Quốc.
- Những cuốn truyện gia đình đi cùng năm tháng
"Không gia đình", "Hoàng tử bé", "Tâm hồn cao thượng"... là những cuốn sách về chủ đề gia đình nổi tiếng thế giới.
- 'Lưới điện tử thần' của Jeffery Deaver đến Việt Nam
Lưới điện tử thần là cuốn thứ 9 trong sê-ri tiểu thuyết trinh thám ly kỳ của Jeffery Deaver, khắc họa nhân vật Lincoln Rhyme – nhà hình sự học bị liệt tứ chi, trước đó là sĩ quan Sở Cảnh sát New York.
- Sách hay nên đọc: Trên đường băng
Tony buổi sáng mang đến cho độc giả những bài viết hài ước, tinh tế, sinh động và đầy thiết thực.
- 'Đừng bao giờ xa em', ái tình át vía đạn bom
Tiểu thuyết Đừng bao giờ xa em (NXB Thời đại, 8/2015) của Margaret Pemberton không lụy tình hoặc tràn ngập những cảnh nóng.
- Thiếu Lâm tự và sự thật bí kíp tuyệt học Dịch cân kinh
Trong các tiểu thuyết võ hiệp, Dịch cân kinh và Tẩy tủy kinh là những bí kíp mà cả võ lâm đều sẵn sàng đổ máu, tốn mưu tranh đoạt. Nếu như Dịch cân kinh được mô tả có thể giúp hoán chuyển kinh mạch, phát dương nội công, thì Tẩy…
- Tác giả 'Totem Sói' đoạt giải của Mông Cổ: Xóa tan quan điểm tiểu thuyết là sự 'lừa gạt văn hóa'
Nhà văn Trung Quốc Khương Nhung, tác giả tiểu thuyết ăn khách Totem Sói (Wolf Totem), đã được trao giải Bichgiin Mergen của Hiệp hội các nhà văn Mông Cổ Thế giới, ở thủ đô Ulan Bator.
- Hậu vận nặng nề của một “thiên tài lười”
SKĐS - Nhà văn cổ điển Pháp Guy de Maupassant (1850-1893) được coi là một trong những tác giả lãng mạn nhất trong lịch sử văn học thế giới.
- Sao Việt bị soi mói chuyện tình: Khổ vì truyền thông ưu ái
Tuần qua, câu chuyện tình yêu của hoa hậu Đặng Thu Thảo được đăng tải trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội khiến công chúng ngỡ như đọc tiểu thuyết ngôn tình. Được dư luận quan tâm là điều may mắn của sao, nhưng đến…
|
Hôm nay: |
1 |
Tháng : |
1 |
Năm : |
1 |
|