Cái tên sách đã nói lên hai vấn đề được Cổ Long viết nhiều, viết hay: rượu và tình bạn. Đó cũng là hai điều được ông rất coi trọng trong cuộc sống của chính mình, thông qua đó mà lĩnh hội được biết bao nỗi hoan lạc và bi ai.
Được coi là nhà tiểu thuyết võ hiệp ưu tú nhất sau Kim Dung và Lương Vũ Sinh, Cổ Long thật sự đã tạo ra được một phong cách đặc biệt trong quá trình cách tân thể loại tiểu thuyết võ hiệp cổ điển. Thế giới giang hồ đặc sắc của ông được tô điểm một cách mới lạ nhờ phương pháp xây dựng tình huống chịu ảnh hưởng của văn học trinh thám phương Tây và mang đậm chất điện ảnh.
"Nếu muốn làm chuyện gì, tốt hơn hết đừng hỏi kết cục của nó, chỉ nên hỏi chuyện đó có nên làm hay không, có đáng làm hay không, khi làm việc đó có thể khiến người khác vui vẻ, bản thân phấn chấn hay không? Bởi sinh mệnh chẳng qua chỉ là một quá trình mà thôi" |
Đặc biệt, ông “đem trọng điểm sáng tác đặt hoàn toàn lên con người”, không chú trọng miêu tả chi tiết về “võ” mà mong được như các nhà văn lớn của phương Tây “khắc họa nhân tính một cách hùng hồn... khiến cho độc giả không chỉ cảm động bi hoan về nhân vật trong sách mà còn có thể có cái nhìn thâm sâu hơn, đi xa hơn về chuyện và người trên thế giới”.
Một trong những thành công của Cổ Long là dung hòa được hình tượng hiệp sĩ Trung Hoa với phương Tây, tạo nên những nhân vật có tính cách hiện đại, tư duy khác lạ nhưng vẫn thấm đẫm chất phương Đông, đặc biệt ông rất thường xuyên trực tiếp hoặc qua phát biểu của các nhân vật mà triết lý về mọi vấn đề trong cuộc đời.
Những câu triết lý ngắn như vậy đã trở thành đặc trưng cho phong cách của ông và được tập hợp trong phần cuối sách Cổ Long diệu luận tinh tuyển. Đó là cách ông nhìn đời, nhìn người và cả những mong ước trong cuộc sống nhiều thăng trầm ông đã trải qua.
Ai cùng tôi cạn chén gồm 40 bài tạp văn, nội dung phong phú, có rượu, ái tình, hạnh phúc, có ly biệt, có bằng hữu, võ công... - những nhân tố chính tạo nên thế giới tiểu thuyết của Cổ Long. Mỗi bài viết cũng đều thể hiện lòng say mê sáng tác của ông. Ông có tham vọng văn chương nghiêm túc với tiểu thuyết võ hiệp, tha thiết muốn biến đổi cách nhìn định kiến của nhiều người về thể loại này.
Trong đời thực, ông đã trải qua nhiều khổ ải, đã phấn đấu, đạt được thành công nhưng cũng mắc nhiều sai lầm làm suy giảm những thành tựu đó. Bởi vậy ông gửi gắm những hi vọng mỹ lệ nhất của mình vào tác phẩm, trong đó mọi thứ đều được đẩy đến mức cực đoan, cũng vì cực đoan mà trở nên mỹ lệ. Các nhân vật của ông làm gì cũng đến cùng, quyết liệt để lại dấu ấn riêng cũng như chính bản thân Cổ Long.
Bỏ qua những thất vọng trong đời thực, ông sáng tạo nên một thế giới bí hiểm, đầy nguy cơ nhưng cũng rất đẹp và tràn trề hi vọng. “Tôi cười, tại vì tôi vui vẻ, tôi vui vẻ là vì bằng hữu của tôi ai cũng biết tiểu thuyết võ hiệp đâu phải viết về máu tanh và bạo lực, mà là về dung tha, tình yêu và sự hi sinh”.
“Nếu muốn làm chuyện gì, tốt hơn hết đừng hỏi kết cục của nó, chỉ nên hỏi chuyện đó có nên làm hay không, có đáng làm hay không, khi làm việc đó có thể khiến người khác vui vẻ, bản thân phấn chấn hay không? Bởi sinh mệnh chẳng qua chỉ là một quá trình mà thôi”.
Tạp văn của Cổ Long giống truyện kiếm hiệp của ông, nếu từng đọc qua người đọc sẽ ngay lập tức nhận ra. Ở đó hiển hiện những sự phong phú, sắc bén, hài hước, sâu cay, cũng có lúc sa đà, lặp lại hoặc thiên lệch. Nhưng luôn luôn có nhiệt tình.
“Một người nhiệt tình với nhân loại tuyệt đối sẽ không hư hỏng” là một nhận định thể hiện sự lạc quan của Cổ Long, cũng đáng dùng để nói về cái tâm của ông. Trong mỗi trang người đọc đều có thể tìm được một vài câu nói khiến mình hứng thú như vậy.
MINH PHƯỚC
Cổ Long (1937-1985) tên thật là Hùng Diệu Hoa, là tiểu thuyết gia người Đài Loan, được xưng tụng là ông tổ của tiểu thuyết võ hiệp tân phái. Cổ Long đã để lại hơn 70 bộ tiểu thuyết, gây ảnh hưởng rất lớn đến nhiều tác giả trẻ về sau này, tiêu biểu trong đó là Tuyệt đại song kiêu; Sở Lưu Hương hệ liệt; Đa tình kiếm khách vô tình kiếm; Lưu tinh, hồ điệp, kiếm; Thất chủng võ khí; Lục Tiểu Phụng hệ liệt... |
(*) Tạp văn Cổ Long - Tây Phong dịch, NXB Văn Học và Công ty Nhã Nam, 2014.