Cuốn sách “ăn khách” của nhà văn nổi tiếng Dan Brown – “Hỏa ngục” vừa mới ra mắt ở Việt Nam. này được nhiều độc giả đón chờ bởi “Hỏa ngục” là một trong những cuốn tiểu thuyết dòng trinh thám mật mã đang bán chạy nhất của Dan Brown. Dịch giả Xuân Hồng đã chia sẻ những điều thú vị trong quá trình dịch tác phẩm.
- Được coi là cuốn sách được chờ đợi nhất năm 2013, “Hỏa ngục” luôn là tâm điểm chú ý của bạn đọc trên toàn thế giới nói chung và độc giả Việt Nam nói riêng. Cảm giác đầu tiên của anh khi hoàn thành tác phẩm “Hỏa ngục”?
Cảm giác chính là rất vui và… thở phào. Vui vì tôi đã hoàn thành bản dịch kịp tiến độ để sách ra mắt độc giả đúng dịp Hội chợ sách TP.HCM. Còn thở phào vì hoàn thành xong một nhiệm vụ khá nặng nề và áp lực.
- Khi nhận lời đồng ý dịch cuốn sách này, anh đã gặp phải những áp lực như thế nào? Anh đã khắc phục ra sao?
Thực tế thì dịch tác phẩm nào của Dan Brown cũng áp lực vì ông là tác giả mà mỗi tác phẩm mới ra đời luôn được rất đông đảo bạn đọc trên toàn thế giới đón chờ. Ở Việt Nam, ngoài nội dung thì độc giả còn trông đợi xem bản dịch có đạt không, chuẩn không, nhất là trong bối cảnh gần đây liên tiếp có những sự cố dịch thuật.
Dịch giả nói chung và dịch giả tác phẩm của Dan Brown sẽ luôn chịu áp lực phải cho ra được một bản dịch không bị “ném đá” hay nói cách khác là được độc giả chấp nhận.
Dịch giả Xuân Hồng
- Những khó khăn anh đã gặp phải trong quá trình dịch cuốn sách này?
Dịch cuốn sách nào cũng có những khó khăn giống nhau do sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa. Việc dịch cho đạt, cho hay những thành ngữ, những chỗ chơi chữ… luôn là thử thách đối với người làm công tác dịch thuật.
Đối với tiểu thuyết “Hỏa ngục” và các tác phẩm trước đó của Dan Brown nói chung, còn có vô số những thuật ngữ, khái niệm, tác phẩm khoa học, tôn giáo, nghệ thuật… cũng như tên gọi các địa danh, công trình mà việc dịch sang tiếng Việt cũng là thách thức lớn.
Với cá nhân tôi, khi dịch tôi luôn phải tra cứu rất kỹ để hiểu rồi mới lựa chọn cách dịch. Cũng có rất nhiều trường hợp phải chia sẻ, bàn luận với bạn bè, người than để nghe ý kiến hoặc gợi ý cách dịch cho phù hợp.
- Ngay sau khi cuốn sách “Hỏa ngục - Inferno” được phát hành chính thức 2013, có 2 luồng dư luận trái chiều nói về cuốn sách này. Bên cạnh sự ủng hộ của nhiều người thì cũng có không ít nhà phê bình đã thẳng thắn nói lên sự thất vọng của mình. Theo một số nhà phê bình, “Hỏa ngục - Inferno” vẫn không thoát khỏi cái bóng của “Mật mã Da Vinci - The Da Vinci Code” và tài kể chuyện của Dan cũng bị nhận xét đã bị “chùng xuống” vì sức nặng của những chi tiết lịch sử. Ý kiến của anh về nhận xét này?
Phải nói thật là với những độc giả thích thể loại trinh thám và kỳ vọng sẽ được đọc một tác phẩm trinh thám gay cấn, căng thẳng đến nín thở thì “Hỏa ngục” ít nhiều sẽ làm họ thất vọng. Tôi nói vậy vì yếu tố trinh thám, hình sự trong “Hỏa ngục” đã giảm đi rất nhiều. Điều này đã được một số nhà phê bình và độc giả nêu ra khi đọc bản gốc tiếng Anh và họ nói rằng tác phẩm không vượt ra khỏi cái bóng “Mật mã Da Vinci”.
Tôi đánh giá rằng, sau khi đã viết ra được “Mật mã Da Vinci”, Dan Brown vẫn tiếp tục cho ra đời “Biểu tượng thất truyền”, “Hỏa ngục” là bút lực rất ghê gớm và thực tế sẽ ít tác giả làm nổi được.
Xét về nội dung, “Hỏa ngục” “đuối” so với các tác phẩm trước trong việc tạo ra tính “trinh thám” gay cấn nhưng trong đó Dan Brown lại có một thử nghiệm mới. Nếu các cuốn trước, Dan tập trung sử dụng những kiến thức phong phú về nghệ thuật, biểu tượng, tôn giáo, văn hóa của mình để tạo ra những câu truyện trinh thám đơn thuần thì lần này, “Hỏa ngục” lại gắn với một vấn đề có tính toàn cầu: Tình trạng quá tải dân số.
Cuốn sách “ăn khách” của nhà văn nổi tiếng Dan Brown – “Hỏa ngục” vừa mới ra mắt ở Việt Nam.
Tác phẩm của ông không còn là câu chuyện hư cấu phục vụ nhu cầu giải trí đơn thuần nữa mà đã gắn với một vấn đề thiết thực của cuộc sống, khiến độc giả phải suy nghĩ. Tôi cho rằng, đó là một bước đột phá rất mới của Dan nhằm thoát ra khỏi lối mòn trong sự nghiệp của mình.
- Khi dịch “Hỏa ngục”, anh có mất nhiều thời gian để tìm hiểu về văn hóa, về những địa danh được nhắc tới trong tác phẩm?
Khi dịch một tác phẩm, tôi luôn cố gắng hiểu được tác phẩm gốc nhiều nhất để chọn cách chuyển ngữ phù hợp. Tôi luôn phải tìm hiểu thêm về những khái niệm khoa học, nét văn hóa hay những địa danh được đề cập trong tác phẩm để có thể dịch đạt nhất. Trong rất nhiều trường hợp, tôi bổ sung luôn những thông tin mà mình tìm hiểu được vào trong tác phẩm dịch dưới dạng các chú thích để giúp độc giả có thêm thông tin. Có một số người cho rằng như vậy làm “rối rắm” và sai lệch bố cục tác phẩm gốc nhưng tôi quan niệm rằng: Dịch giả là người có thể nói hiểu tác phẩm gốc nhất mà còn phải tra cứu thì độc giả sẽ khó khăn đến đâu trong việc hiểu tác phẩm.
- Thông điệp chính mà tác giả muốn gửi gắm qua tác phẩm “Hỏa ngục” mà anh cảm nhận được là gì?
Cá nhân tôi nhận định rằng thông điệp chính mà tác giả muốn gửi gắm qua tác phẩm “Hỏa ngục” là: Loài người chúng ta là sinh vật duy nhất trên Trái Đất có được trí tuệ siêu việt, giúp chúng ta đạt đến trình độ phát triển như ngày nay và chắc chắn còn tiến xa nữa.
Trong tương lai, con người sẽ có những phát minh làm thay đổi cả quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, chúng ta cần tỉnh táo để những phát minh của chúng ta không trở thành tác nhân tiêu diệt chính giống loài chúng ta.
- Xin cảm ơn anh về những chia sẻ!
Nguyễn Vũ
Video Cao Thái Sơn chia sẻ về scandal quy y: