"Những câu chuyện đi cùng năm tháng", "Ánh nắng và màu trăng" tập hợp 176 bài tản văn vào loại nổi tiếng nhất Trung Quốc, tác giả đều là những nhà văn nổi tiếng bậc nhất của Trung Quốc thời cận đại và hiện đại, trong đó có những người rất gần gũi, thân thiết với độc giả Việt Nam như Lỗ Tấn, Trương Khải Siêu, Úc Đạt Phu, Ba Kim, Mao Thuẫn, Lão Xá, Mạc Ngôn, Vương Mông, Trương Ái Linh, Giả Bình Ao, Trương Gia Tường...; những nhà bình luận văn học nổi tiếng như Trịnh Tấn Đạc, Vu Đan; những cây bút của thế hệ 8x như Lưu Diễm Tử (sinh 1984), Thư Sướng (sinh 1987), Thái Chân Ni (sinh 1989).
Đặc biệt, trong những tác phẩm này có nhiều bài viết về Việt Nam, về Hà Nội, về Bác Hồ với tình cảm thân thiết yêu thương đến xúc động lòng người như Trương Gia Tường với "Ấn tượng Hà Nội", "Cảm xúc về màu xanh Hà Nội", Vương Phong với "Những kỷ niệm ấu thơ tại Hà Nội"... Tất cả các bài đều mượt mà sâu lắng, dường như có thể đi qua các thế hệ mà vẫn sống mãi cùng năm tháng, càng đọc càng hay, càng ngẫm càng thấy chí lý, không thể phai mờ!
Tác phẩm "Những bài văn đạt điểm tối đa của thí sinh thi đại học Trung Quốc" lại là sự hấp dẫn đặc biệt, có thể coi như tài liệu tham khảo quý cho những người làm công tác nghiên cứu giáo dục. Những năm gần đây, trong các đề thi môn văn vào đại học ở Trung Quốc, dạng đề mở đã trở nên quen thuộc, gây hứng thú cho các thí sinh khi làm những bài văn theo dạng tự luận. Đặc điểm của dạng đề này là mở, yêu cầu thí sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp đưa ra suy nghĩ, cảm nhận về một vấn đề nhân sinh. Các vấn đề nghị luận đặt ra đều rất sát với thực tế cuộc sống hằng ngày, giúp các thí sinh tự do trình bày quan điểm cá nhân, không bị gò bó trong khuôn mẫu của những bài học trên lớp, thả sức cho các em phát huy tính sáng tạo, nhưng yêu cầu bài làm phải ngắn gọn, súc tích đến mức thường không được vượt quá 800 chữ. Những bài văn này được độc giả Trung Quốc coi như những bài tản văn xuất sắc của thế hệ 9x, xứng đáng là "những bài văn đạt điểm tối đa"!
Điều thú vị là cả ba cuốn sách đã được anh Lục Tiểu Linh Đồng - nhân vật nổi tiếng kế nghiệp cha là cụ Lục Linh Đồng, người đóng vai Tôn Ngộ Không trong bộ phim Tây du ký - giới thiệu. Lục Tiểu Linh Đồng hiện đang là diễn viên cấp 1 nhà nước của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc - người rất có tình cảm với nhân dân Việt Nam - trong lúc rất bận rộn công việc đồng thời còn phải chăm sóc người cha lâm bệnh nặng, anh vẫn dành thời gian để viết lời giới thiệu tâm huyết với độc giả Việt Nam bằng tình cảm sâu sắc, chân thành:
"Thưa các bạn độc giả Việt Nam yêu quý! Người Trung Quốc chúng tôi có câu: "Trong hạt cát thấy cả thế giới, trên nửa cánh hoa kể chuyện đời". Tản văn Trung Quốc là một thể loại văn học nhẹ nhàng, linh hoạt và tự do, tập trung những vẻ đẹp mượt mà, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nước tôi và của nhân loại, là nhịp cầu nối liền tình cảm giữa mọi người, không phân biệt cảnh ngộ, quốc gia cũng như bối cảnh văn hóa.
Kho tàng tản văn là một bộ phận của văn học Trung Quốc, nhiều vô kể, mênh mông như biển cả, luôn luôn là thắng cảnh tươi đẹp tô điểm thêm cho lịch sử văn học thế giới. Thế nhưng, đối với Việt Nam - một quốc gia láng giềng, núi sông liền một dải với Trung Quốc, từ lâu đã có sự giao thoa, ảnh hưởng sâu xa giữa hai nền văn hóa Trung - Việt, hình như tản văn hiện đại Trung Quốc lại không mấy quen thuộc lắm, có lẽ một phần là do rào cản ngôn ngữ.
Chị Ngọc Ánh công tác tại Ban Tiếng Việt Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI) - người bạn lâu năm của tôi - bắt tay vào việc biên dịch một số bài tản văn Trung Quốc sang tiếng Việt; nay những bài tản văn Trung Quốc đó đã được in thành sách để giới thiệu tới các độc giả tại Việt Nam, chúng tôi rất phấn khởi. Tôi là người có tình cảm sâu sắc với Việt Nam. Trong thập niên 50 thế kỷ 20, tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc, cha tôi là Lục Linh Đồng từng có dịp biểu diễn vai Tôn Ngộ Không trong vở Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh xem, và được Người rất khen ngợi. Ngày 17-6-1998, tôi và cha tôi cùng các diễn viên đóng vai thầy trò Đường Tăng trong phim Tây du ký nhận lời mời của Bộ Văn hóa Việt Nam, đã sang thăm và biểu diễn tại thành phố Hồ Chí Minh, được đông đảo khán giả Việt Nam hoan nghênh nồng nhiệt...
Ngày nay, qua tập tản văn Trung Quốc do chị Ngọc Ánh chuyển ngữ sang tiếng Việt này, tôi đã cảm nhận được sự cố gắng và tâm huyết của chị dành cho công tác biên dịch, trong lòng trào dâng một niềm cảm động và kính trọng, bởi vì tôi biết rằng, đây là giấc mơ lâu năm của chị Ngọc Ánh. Trong rừng tản văn Trung Quốc từ nay đã có thêm bản Việt ngữ này, đó như một đóa hoa độc đáo, cũng như trong kho tàng các tác phẩm văn học Việt Nam sẽ có thêm hương sắc của tản văn Trung Quốc hiện đại...".
Và, như trên đã đề cập, người dịch bộ sách này ra tiếng Việt là chị "Ngọc Ánh", người Trung Quốc. Chị tên thật là Lý Tuệ Doanh, quê ở Khu tự trị Choang, Quảng Tây, Trung Quốc, hiện đang là phát thanh viên, biên tập viên phụ trách chương trình Việt ngữ của Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc.
Bảy, tám năm qua, chị Ngọc Ánh đã dịch gần ba trăm bài tản văn Trung Quốc, không những có tản văn của các nhà văn nổi tiếng, cũng có những bài viết của các nhân sĩ nổi tiếng thuộc các lĩnh vực khác nhau của Trung Quốc, như: Lý An, Dư Mẫn Hồng, Trần Khôn, Bạch Nham Tùng..., có cả tản văn hay của một số học sinh trung học hoặc cư dân mạng. Đông đảo các bạn độc giả Việt Nam, đặc biệt là các bạn đọc trẻ tuổi, không những có thể cảm nhận được những dòng chữ mượt mà, khung cảnh êm đẹp của tản văn, mà còn thu hoạch tư tưởng phong phú và gợi ý của trí tuệ...".
Trong đoạn cuối của bài "Hậu ký", anh Lục Tiểu Linh Đồng có viết: ... "Thưởng thức tản văn Trung Quốc... đã rút ngắn khoảng cách giữa độc giả Việt Nam với nền văn hóa Trung Quốc, để các bạn trẻ Việt Nam hiểu biết về Trung Quốc hơn nữa, và để tiếp thêm sức sống mới cho truyền thống hữu nghị "vừa là đồng chí vừa là anh em" do các nhà lãnh đạo tiền bối của hai nước Trung - Việt chúng ta đã dày công vun đắp".