Cụ thể, Bộ GDĐT đã có công văn đề nghị các trường tổ chức nhiều hoạt động nhằm xây dựng văn hóa đọc cho học sinh, sinh viên, để hướng tới xây dựng một xã hội học tập. Theo đó, các sở, trường đại học, học viện, cao đẳng trên cả nước sẽ triển khai kế hoạch tổ chức ngày hội theo từng chủ đề, các câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa về sách nhằm phát triển phong trào đọc sách trong giới trẻ.
Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Văn hóa Hà Nội, Học viện Ngoại giao, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức các hoạt động Ngày Sách Việt Nam theo các chủ đề như sách với tuổi trẻ lập thân, lập nghiệp; từ trang sách viết đến thực tiễn cuộc đời; sách- hạt giống cho tâm hồn; kỹ năng đọc sách cho trẻ...
Ngoài ra, Bộ yêu cầu các cơ sở giáo dục phát động phong trào thu gom, ủng hộ sách vở, hỗ trợ cho học sinh vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn.
Bộ TTTT cũng tuyên truyền, tổ chức các hoạt động để hưởng ứng Ngày sách Việt Nam (21.4) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bộ đã đưa ra kế hoạch tổ chuỗi hoạt động trong khuôn khổ "Ngày Sách Việt Nam" sẽ diễn ra từ ngày 19-23.4.
Mở đầu là lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam sẽ chính thức diễn ra vào tối 19.4 tại Quảng trường Lý Thái Tổ, Hà Nội.
Tiếp đó là chuỗi hoạt động với nhiều hình thức phong phú, tập trung tại ba địa điểm chính: Quảng trường Lý Thái Tổ, Văn Miếu-Quốc Tử Giám và Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Cụ thể, phố sách được tổ chức tại quảng trường trước cửa Ngân hàng Nhà nước và dọc theo theo tuyến phố Ngô Quyền - Đinh Lễ. Các loại sách được trưng bày tại đây sẽ tập trung vào bốn chủ đề: Chiến thắng Điện Biên Phủ, biển đảo quê hương, kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô và giới thiệu các di sản văn hóa của Việt Nam đã được thế giới công nhận.
Cùng với các hoạt động mua bán, trao đổi sách, tại phố sách cũng diễn ra các chương trình trình diễn nghệ thuật, các nghệ sĩ hát quan họ, ca trù và giới thiệu các di dản văn hóa phi vật thể của nhân loại.