Nóng là đúng thôi. Ngần đó tiền làm được bao việc. Ngần ấy tiền xây được bao nhiêu cầu cho dân qua sông suối. Bao nhiêu trường cho trẻ con vùng cao. Ngần ấy tiền đủ để bớt đi bao nhiêu hình ảnh dân đu dây, chui túi bóng trong mùa nước lớn…
Lãnh đạo Bộ này đại ý rằng, ngần ấy tiền thì to thật, nhưng so với nhiều nước – cũng dành để đổi mới sách – chả bõ bèn gì. Cũng đúng thôi, nhất là khi chúng ta mới thoát nghèo được mấy năm, lại đang sờ sợ cái gọi là “bẫy thu nhập trung bình”. Bì thế nào được thiên hạ.
Nói vậy chứ đổi mới là động lực của sự phát triển. Thay sách, sửa chương trình học càng là dạng đổi mới chiến lược, vì giáo dục là căn cơ là gốc rễ. Nhưng, một cuốn sách mới, một chương trình học mới có phải là tất cả, có thay đổi được nền giáo dục bết bát bao lâu nay?
Nhìn lại lịch sử, GS Hoàng Tụy những năm 1950 được giao chủ trì việc cải cách giáo dục phổ thông, viết những cuốn sách toán đầu tiên, mà hàng chục năm sau, bao thế hệ vẫn học, vẫn nhờ đó mà thành danh. Khỏi phải nói cũng hiểu, chi phí cho việc viết sách, đổi sách ngày xưa “tốn” thế nào so với thời nay. Nhưng nhìn lại gần hơn, lần mới nhất là năm 2002 hầu như không đem lại thay đổi chiến lược nào đáng kể. Ấy là chưa tính mỗi lần thay đổi, dùng được vài năm, lại đổi, lại thay, lại kỳ vọng và lại tiền! Chẳng lẽ hiện tại thua quá khứ?
Ai cũng hiểu, hàng chục nghìn tỷ đồng ấy không chỉ để viết sách, mà là ti tỉ việc liên quan đến nâng cao chất lượng dạy-học. Nhưng ai cũng hiểu, cuốn sách chính là nội hàm lớn nhất, là mối bận tâm lớn nhất, vì một lẽ, tư duy sách vở đã hằn sâu vào trí óc của hàng chục triệu con người, cả giả lẫn trẻ. Nên, có lẽ, vấn đề không phải ở tiền, ở cuốn sách, mà ở những người viết sách, người làm giáo dục và tiêu tiền.
Mới đây thôi, hai ông giáo sư, một từ Đại học Boston (Hoa Kỳ), một từ Viện Hợp tác giáo dục Nhật Bản có chia sẻ kinh nghiệm với ngành giáo dục Việt Nam trước sự chứng kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Họ chẳng nói gì đến chuyện đổi sách, chỉ bảo, trong giáo dục phải tránh 3 thứ được ví như “tam giác quỷ Bermuda”, là sự trình bày, sự riêng tư, sự bảo thủ mà thầy trò ta hay “quan trọng hóa”. Chỉ bảo, trước đây cả trăm năm, người Nhật đã đào tạo kỹ năng hơn chữ nghĩa, nhờ đó mà họ vươn mình đứng dậy.
Việt Nguyễn