Văn hóa đọc xuống cấp hay công nghệ sách trì trệ ?

14:23:00 19/04/2014

(DĐDN) - Không phải ngẫu nhiên trong buổi hội thảo mới đây do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, lấy ý kiến về việc tổ chức Ngày sách VN (21/4), các đại biểu có mặt đều đặt ra vấn đề văn hóa đọc trong của người VN, đặc biệt của giới trẻ đang ở mức báo động, khi nhiều bạn trẻ thờ ơ với sách vở và đang bị văn hóa nghe - nhìn cuốn theo.

“Mỗi người 0,8 quyển sách/năm” - là con số Bộ Thông tin và Truyền thông công bố trong bản Đề án Ngày sách VN. Tuy nhiên, có quá chủ quan, một chiều nếu chỉ nhìn vào việc đọc sách (in) để đánh giá văn hóa đọc, nhất là trong thời đại công nghệ liên tục thay đổi ?

Mỗi người 0,8 quyển sách/năm

Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến năm 2013, mức hưởng thụ bình quân của người dân VN mới chỉ đạt 3,2 bản sách/người (kể cả sách giáo khoa ). Còn theo thống kê của Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi người VN chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm tại thư viện. Số sách phân bổ tại các thư viện bình quân là 0,35 bản sách/người. Khảo sát của Thư viện Quốc gia VN cho thấy, bạn đọc của Thư viện chỉ chiếm khoảng 8-10% dân số. Có khoảng 30 nghìn bạn đọc thường xuyên đăng ký đọc tại trụ sở, còn thư viện cấp tỉnh chỉ khoảng 1.000-2.000 bạn đọc, con số đó tại các thư viện cấp huyện, xã còn thấp hơn nhiều: 5-600 và 1-200. Ở nông thôn, miền núi, thậm chí còn thấp hơn.

Nếu so sánh với Malaysia - cách đây 10 năm, mỗi người dân đã đọc trung bình 2 cuốn sách/năm; vào năm 2012, con số này đã tăng lên từ 10 đến 20 đầu sách/năm; Tại các nước Châu Âu, con số này còn lớn hơn nhiều… - rõ ràng, văn hóa đọc của VN những năm gần đây đáng báo động. Nhưng xét ở khía cạnh ngược lại, những người làm sách, những nhà xuất bản sách đã làm gì để đáp ứng văn hóa đọc của con người thời đại – thời của công nghệ thông tin , thời của kỹ thuật số - thời đại mà ngay cả các tác giả của các cuốn sách (hầu hết) cũng đã chuyển từ viết tay sang… đánh máy ?

Trong khi đó, nhìn ra thế giới, Thư viện Quốc gia Na Uy mới đây vừa khởi động một dự án lớn: số hóa toàn bộ sách đã xuất bản trong nước trước đây cho người dân tha hồ truy cập, tra cứu, đọc miễn phí trên mạng. Theo đó, người dân Na Uy sẽ có hai hình thức hưởng thụ kho tàng sách này, dưới dạng tải miễn phí với những sách hết bản quyền và đọc trực tuyến với sách còn bản quyền đã được chính thư viện thương lượng ổn thỏa với phía giữ bản quyền.

Nhiều nước khác như Pháp, Hà Lan, Úc, Phần Lan… cũng đã số hóa toàn bộ các thư viện quốc gia của mình..

Lặng lẽ “số hóa sách”

Tại VN, hơn một năm trước, khi vừa về nắm công việc quản lý dự án sách số của Cty TNHH Sách điện tử Trẻ (Ybook), giám đốc Đồng Phước Vinh – một nhà báo, chuyên gia công nghệ – đứng trước một núi sách nhà xuất bản Trẻ đã in trong hơn 30 năm hoạt động, dưới dạng bản giấy, đa số đang xuống cấp. Đáng nói là còn rất nhiều đầu sách cũng do nhà xuất bản này in từ thời bao cấp đang lưu lạc khắp nơi.

Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách VN (21/4) được tổ chức vào tối 19/4, tại quảng trường Lý Thái Tổ, Hà Nội.

Và việc của Ybook lúc đó, không chỉ là xuất bản, bán những cuốn sách mới, mà song song, phải tìm kiếm, hệ thống, phục hồi lại những ấn bản cũ, chuyển sang số hóa, để tránh mai một nguồn tài nguyên. “30.000 tựa sách cũ cần được số hóa. Cứ hình dung, chúng ta sẽ phải làm lại các khâu từ rà soát, chọn lại những sách cần in rồi tổ chức đánh máy, trình bày, làm bìa, làm thủ tục tái bản... Sẽ tốn công sức, tiền bạc rất nhiều. Nhưng đó là công việc thuộc về “di sản”, không thể không làm” - ông Vinh chia sẻ.

Và thực tế, trong thời gian qua, song song với việc kinh doanh sách số, Ybook đã chạy nước rút trong việc số hóa sách cũ, cố gắng mỗi tháng tổ chức thực hiện 500 tựa. Cho đến nay, dự án đã hoàn thành 3.000 tựa và cố gắng năm 2014 sẽ số hóa thêm 7.000 tựa nữa. “Tốn kém thì dĩ nhiên rồi. Cứ tính trung bình mỗi tựa sách từ bản giấy cũ sang bản số sẽ tốn chừng 1 triệu đồng thôi, thì nhân lên 30.000 tựa, sẽ cho ra một con số khổng lồ. Nếu tính hiệu quả kinh doanh, thì thua chắc. Nhưng cái quan trọng trong việc số hóa đó là gìn giữ nguồn tài nguyên tri thức theo yêu cầu của thực tế công nghệ xuất bản hiện nay, và xa hơn, là chia sẻ tri thức với cộng đồng” - ông Đồng Phước Vinh cho biết.

Câu chuyện của riêng dự án Ybook đã cho thấy bài toán số hóa nhìn từ các đơn vị xuất bản không hề đơn giản và không phải đơn vị xuất bản nào cũng đủ tiềm lực kinh tế để thực hiện trong bối cảnh kinh doanh xuất bản ảm đạm hiện nay. Sự phối hợp vì một chiến lược chung giữa các đơn vị xuất bản và hệ thống thư viện, huy động những nguồn lực xã hội hóa là một cách để có thể tạo nên một chiến lược lớn, giúp người dân có điều kiện hưởng thụ nguồn tài nguyên tri thức qua những kho tàng sách được tốt hơn, thay cho việc chúng ta quanh năm hội thảo hô hào vận động người dân đọc sách hay ca thán về đời sống văn hóa đọc đang xuống cấp trầm trọng.

Và hy vọng, ngày sách VN sẽ không chỉ là… một ngày !

Bình Anh


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1