Nhắm mắt để mở ra khát vọng thiện lương

06:46:00 21/04/2014

ANTĐ - Lần đầu tiên tôi “quen” Nguyễn Xuân Thủy qua “bà mối”- “Sát thủ online”, cuốn tiểu thuyết thứ 2 của anh. Thú thực, lúc đó tôi tìm đọc phần nhiều là bởi tò mò, cái anh lính đảo Trường Sa ấy, vừa chân ướt chân ráo về đất liền, biết gì về thế giới của game thủ mà viết. Thế rồi, tôi thích hay nói chính xác hơn, tôi bị ám ảnh bởi nhân vật Tí chuột của anh, một cậu bé có tuổi thơ đầy đau đớn.

“Nhắm mắt nhìn trời”- Cuốn tiểu thuyết thứ 3 của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy vừa phát hành

Lính đảo viết văn

Có lẽ, nghề viết văn là nghề duy nhất không thể cố mà thành được. Nghề đó, buộc người ta vừa phải hội tụ đủ thứ: “duyên” và “nghiệp”, nửa “giời đày”, nửa lại xênh xang phong lưu. Con đường đến với văn chương của Nguyễn Xuân Thủy cũng không nằm ngoài quy luật rất không… quy luật đó. “Nguyên gốc” Nguyễn Xuân Thủy là lính thuộc binh chủng Phòng không- Không quân. Tất nhiên, thủa học trò anh yêu thơ, lén lút làm thơ rồi dăm lần, những bài thơ của anh được đăng báo tỉnh. Đến khi vào môi trường quân đội, cả một quãng thời gian dài cái duyên văn đó lặn không sủi tăm. Tưởng thế là hết, chia tay, đường ai nấy đi, thì bỗng một ngày trời cũng chỉ đẹp… bình thường, duyên văn đó lại mỉm cười, lại gật đầu đồng ý sóng đôi cùng Nguyễn Xuân Thủy. Lạ cái, truyện ngắn đầu tiên anh viết, “Hoa biển” là về Trường Sa, khi đó, anh chưa từng ra đảo, không biết màu trời, màu mây, màu nước và nụ cười của những người lính đảo ra sao. Tất cả chỉ là vì anh công tác tại Ban Chính trị, thôi thì ai ra đảo, ai hoàn thành nghĩa vụ với biển đảo tổ quốc khi trở về đều phải qua đây. Họ hồ hởi kể lại những chuyện buồn vui của người lính. Anh lặng nghe, rồi viết, rồi mơ ước một ngày được đặt chân đến nơi này.

Và rồi, năm 2000, Nguyễn Xuân Thủy chính thức trở thành lính đảo Trường Sa lớn. Không cần Nguyễn Xuân Thủy phải kể, chỉ cần đọc tác phẩm của anh từ tiểu thuyết đầu tay “Biển xanh mầu lá” cho tới “Tôi kể em nghe truyện Trường Sa” thì đã đủ cảm nhận, hai từ Trường Sa ấy trong anh thiêng liêng biết chừng nào. Trường Sa đã cho người lính đảo - nhà văn ấy nhiều ký ức ngọt ngào, những ngày tháng được sống, được trải nghiệm. Nắng gió Trường Sa của 14 năm về trước, giờ tôi vẫn thấy phảng phất trên khuôn mặt anh.
“Biển xanh mầu lá” là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về cuộc sống của những người lính nơi đầu sóng ngọn gió. Nhà thơ Trần Đăng Khoa khi đọc đã nhận định rằng, tiểu thuyết chẳng khác gì trang nhật ký của cuộc đời Nguyễn Xuân Thủy. Dù viết về số phận của cán bộ, chiến sĩ, quân dân đang sinh sống, làm việc và bảo vệ vùng đất thiêng liêng đó, nhưng Nguyễn Xuân Thủy không hề dùng đến bất cứ một mẹo mực, kỹ xảo nào của nghệ thuật tiểu thuyết. Câu chuyện không có gì éo le, gay cấn, trái lại rất thật. Thật như chuyện bẫy chuột, chuyện tập luyện rồi tập bơi, chuyện “khó nói” của các chàng lính đảo, vừa đến tuổi trưởng thành, lại sống ở nơi chỉ có trời với nước. Tất cả đều thật và cảm động!

Ngã rẽ mới…

Nguyễn Xuân Thủy giờ đã khẳng định được chỗ đứng của mình trên diễn đàn văn học. Mấy hôm nay, truyền thông, bạn văn của anh nhắc nhiều đến cuốn tiểu thuyết thứ 3, mới vừa được NXB Trẻ ấn hành “Nhắm mắt nhìn trời”, cuốn tiểu thuyết với góc nhìn hiện thực xã hội, đầy ắp những bất ổn của đời sống nhưng lạ cái, người đọc lại không hề thấy u ám.

Nhiều người đánh giá, “Nhắm mắt nhìn trời” thực sự là một ngã rẽ mới của Nguyễn Xuân Thủy trên hành trình văn chương vốn dĩ gian nan nhưng cũng đầy hào quang khiến bao người mê hoặc. Tất nhiên, tôi tin anh còn thừa thời gian, đủ sung sức để tiếp tục hành trình này. Riêng về bầu nhiệt huyết, có lẽ Nguyễn Xuân Thủy có thừa. Mấy năm trước, tình cờ gặp anh ở chợ tình Khau Vai - Hà Giang. Mặt anh khi đó tái nhợt nhưng vẫn hung hăng dạo chợ. Vừa thấy tôi anh đã hỏi: “Cô thế nào, mấy túi?” (ý là tôi có bị say ô tô không). Thấy tôi tỉnh bơ bảo không, anh ngậm ngùi: “Anh 7 túi, cô ạ!”. Sau này tôi mới biết, Nguyễn Xuân Thủy bị say xe, say tàu. Mấy lần lắc lư cùng sóng gió ra Trường Sa cũng là ngần ấy lần say sóng thừa sống thiếu chết. Lần chuyển quân từ Hà Nội vào đến Quảng Trị cũng gần như là… sắp chết. Ấy thế mà vẫn cứ dọc ngang, lên xe, lên tàu là “ngất”, xe dừng là lại nguây nguẩy đi. Mà đi hăng là đằng khác. Nghe đâu, cái thuật ngữ “dưỡng cháo” ra đời từ lần Nguyễn Xuân Thủy say sóng Trường Sa năm 2008. Hỏi anh đúng sai, anh tủm tỉm cười, chẳng bình luận. Thôi thì đúng hay sai cũng đã thành giai thoại. Phàm là giai thoại, có thể thật, hoặc cũng có khi do mấy tay nhà văn hoạt khẩu “chế” thêm. Lính Trường Sa mà say sóng, kể cũng… rất hay!

Lan man về “nỗi sợ hãi” của Nguyễn Xuân Thủy tôi tự ngộ ra rằng, hóa ra anh chẳng ngán cái gì. Say sóng, say xe à? Cứ đi miết rồi khắc quen. Đề tài lạ lẫm à? Cứ tìm hiểu, cứ dấn thân, cứ thâm nhập khắc sẽ thành thân thuộc. Ở cuốn tiểu thuyết thứ 3 của anh “Nhắm mắt nhìn trời” nhiều người cứ hỏi, có phải nhân vật Nguyễn cùng hành trình tìm kiếm “tấc đất cắm dùi” trở thành công dân đô thị kia chính là Nguyễn Xuân Thủy hay không? Tôi mạo muội đoán là không! Bởi đơn giản, cái cuộc sống vùng ven đô đang ngổn ngang đô thị hóa kia chính là mảnh đất béo bở với một người viết như anh. Nơi đó, người nông dân đang chao đảo bởi những bọc tiền đền bù đất nông nghiệp hàng tỷ đồng. Nơi văn hóa làng đang bị xâm thực, phân tách, rạn vỡ, chới với giữa dòng chảy… Nguyễn Xuân Thủy chỉ việc lặng lẽ nhìn ngắm, chiêm nghiệm và dựng nên một “Nhắm mắt nhìn trời”. Từng con chữ trong tiểu thuyết là câu trả lời cho người đọc những thắc mắc về tựa sách. Hãy cứ nhắm mắt để tự vấn xem mình phải làm gì, mỗi người phải làm gì để cuộc sống này tốt đẹp hơn. Nhắm mắt để mơ về một không gian sống lý tưởng. Đôi mắt công dân của Nguyễn Xuân Thủy nhắm lại cũng là lúc đôi mắt nhà văn mở ra cho một hành trình sáng tạo hướng đến những khát vọng thiện lương.

Quỳnh Vân


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1