PV: Thưa nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, quyết định đưa trích đoạn tiểu thuyết mới có tên "Nhắm mắt nhìn trời” lên sân khấu để trình diễn, anh cảm thấy dễ hay khó? - Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Tôi đồng ý tham gia trình diễn cũng không nằm ngoài việc giới thiệu tác phẩm mới của mình đến với bạn đọc, một việc tôi nghĩ là nên làm trong thời điểm hiện nay. Tôi cùng đạo diễn Nguyễn Anh Vũ đã lên một kịch bản tái hiện lát cắt tinh thần tác phẩm. Chúng tôi chọn một số câu thoại trong tiểu thuyết nổi lên xung đột, số phận và màu sắc nhân vật để xây dựng kịch bản. Việc thể hiện chủ yếu do các diễn viên chuyên nghiệp, tác giả chỉ tham gia đọc đúng hai trích đoạn ngắn có vai trò gắn kết. Vì thế cũng không có gì phải quá lo lắng, và việc dễ hay khó lại không thuộc vấn đề của tôi. Chịu trách nhiệm chính trong việc trình diễn là đạo diễn Nguyễn Anh Vũ và 3 diễn viên Dũng Nam, Duy Anh, Minh Cúc đến từ Nhà hát Tuổi Trẻ và Nhà hát kịch Việt Nam. Độc giả đã kịp đọc "Nhắm mắt nhìn trời” sẽ được thấy 3 nhân vật Nguyễn, Thành và Hiền hiện hữu bằng xương bằng thịt trên sân khấu. Tôi hi vọng màn trình diễn sẽ như một cầu nối, như một lời mời hấp dẫn để họ tìm đến với tác phẩm. Trở lại với cuốn tiểu thuyết vừa ra mắt. Vì sao anh lại quyết định đặt tên là "Nhắm mắt nhìn trời”? - Ở cuối tiểu thuyết, nhân vật Nguyễn đã khép lại đôi mắt nhìn lên trời cao trong những bế tắc tuyệt vọng trước những thực tại đau buồn, trước những bi kịch của bản thân. Còn tôi, tôi nhắm mắt để tự vấn xem mình phải làm gì, mỗi người phải làm gì để cuộc sống này tốt đẹp hơn, nhân văn nhân ái hơn. Tôi nhắm mắt để mơ về một không gian sống lý tưởng cho tôi và cho bạn, như nhân vật Nguyễn trong tác phẩm từng mơ một giấc mơ rất đẹp, rất thư thái yên bình. Đôi mắt công dân của tôi nhắm lại cũng là lúc đôi mắt nhà văn mở ra cho một hành trình sáng tạo, hướng đến những khát vọng thiên lương. Bìa cuốn tiểu thuyết "Nhắm mắt nhìn trời” Nhưng đọc xong "Nhắm mắt nhìn trời”, như nhà phê bình Nguyễn Hòa nói, cần phải "mở mắt nhìn đời” để nhìn thấy mọi thứ cứ như đang "lộn tùng phèo” hết cả? - Đúng vậy. Cùng với những tự vấn, tôi mong chúng ta hãy cùng mở mắt để nhìn lại cuộc đời này, nhìn vào những cái xấu, cái ác đang hiện hữu khắp nơi này. Thực tại hôm nay dễ khiến con người ta mệt mỏi, kiệt sức. Trước thực tại ấy, đôi khi con người công dân trong tôi muốn nhắm mắt lại, để không phải thấy những gì đang diễn ra, để không bị mất niềm tin vào đời sống, nhưng con người nhà văn trong tôi lại nhắc tôi phải mở mắt, thậm chí mở căng mắt, giỏng căng tai để đối diện với thực tại, nhìn sâu vào thực tại, đi tìm căn nguyên của thực tại. Nhân vật của tôi thì nhắm mắt, còn tôi đã mở mắt để có cuốn sách. Bây giờ thì tôi mong muốn mỗi độc giả hãy mở mắt cùng tác giả để xem điều gì đang xảy ra đối với cuộc sống của chúng ta. Vì sao anh lại chọn một nhân vật vừa là nhà văn, vừa là nhà báo? Anh không ngại người ta dễ liên tưởng Nguyễn chính là hình bóng của tác giả? - Tôi nghĩ nhân vật làm gì không quan trọng. Quan trọng là nhân vật ấy có đủ sức kéo độc giả của tôi từ trang sách này sang trang sách khác, cho đến trang cuối cùng hay không. Mọi người có thể liên tưởng Nguyễn là tôi hay là ai khác, không sao cả. Những nhân vật khác cũng vậy. Miễn là khi khép trang sách lại, nhân vật của tôi vẫn ở lại trong người đọc. Đó là điều tôi mong muốn. Không ngại dựng nhân vật chính có nhiều điểm giống mình, giễu nhại nhiều chuyện tế nhị, trong đó có cả chi tiết vào Hội Nông dân còn khó hơn vào Hội Nhà văn. Rồi xếp nhà văn ngang hàng với tầng lớp dưới đáy của xã hội. Anh không ngại sẽ gặp phải sự phản biện sao? - Tôi đã để nhân vật nhà văn, nhà báo, trí thức ngang hàng với tầng lớp dưới đáy xã hội. Thực tế thì họ cũng chẳng hơn gì những tầng lớp cần lao, thậm chí họ còn khổ hơn vì ít nhiều họ có tri thức, nhận biết, ngộ giác được thân phận mình. Anh nông dân mất đất, cô cave, bà đồng nát gặp bi kịch cuộc đời cái phần khổ của họ nhiều hơn, còn anh trí thức gặp phải bi kịch tương tự, ngoài phần khổ còn là phần đau, đau đời, đau cho mình, đau cho cộng đồng, đau cho xã hội. Bởi đơn giản anh ta được học tập, được đào tạo, có tri thức để ngộ giác sự đau đời đó, ý thức về thân phận đó. Tôi mong muốn được tiếp nhận những ý kiến khen chê trên tinh thần đọc tác phẩm văn học chứ không phải bằng những "phản biện”, quy kết ngoài văn chương. "Nhắm mắt nhìn trời” được bạn văn đánh giá là bước chuyển mới, thậm chí là cú "lột xác” của tác giả khi tính báo chí đã được tiết chế để dành "đất” cho văn chương. Vì sao anh lại quyết chọn đề tài Hà Nội trong quá trình đô thị hóa để dấn sâu, hình thành một giọng văn riêng? - Tôi nhìn nhận những đánh giá ban đầu đó dành cho sáng tác mới của mình theo hướng tích cực. Sẽ rất buồn nếu như những lời nhận xét dành cho "Nhắm mắt nhìn trời” là không bằng các tiểu thuyết trước, rất may điều ấy không xảy ra. Thời gian làm bạn với chữ nghĩa dài thêm theo năm tháng cũng có nghĩa mỗi người viết mong muốn sự trưởng thành hơn, được ghi nhận hơn, tôi cũng vậy thôi. Tôi chọn viết về quá trình đô thị hóa – như nhìn nhận của anh – cũng như trước đây tôi chọn viết về những hệ lụy từ internet trong "Sát thủ Online” hay trước nữa tôi đã chọn viết về những người lính Trường Sa trong "Biển xanh màu lá” vậy. Khi một điều gì đó đủ sức ám ảnh dài và sâu thì người cầm bút tất yếu sẽ viết về nó không sớm thì muộn, không bằng cách này thì bằng cách khác. Tôi sẽ viết về bất cứ điều gì mà tôi cảm thấy hứng thú và đủ khiến tôi vật vã suốt mấy trăm trang sách. Xin cảm ơn anh! Hoàng Thu (thực hiện) Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy sinh năm 1977, hiện là Thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh đã giành nhiều giải thưởng văn học của Bộ Công an-Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Tạp chí Nhà văn, Giải vàng Sách hay… | |