Diễn đàn Vì một chữ nhậu mở hai tháng, bao nhiêu nỗi oán thán của các chị em, cả anh em cũng có, đổ tràn lai láng, mà dường như tâm tình ấy vẫn chưa vơi. Đáng chú ý là không có ai “vì một chữ nhậu” mà lên đời, mà thành người bản lĩnh cả, chỉ có “vì một chữ nhậu” mà gây họa cho vợ con, mà trở thành ác quỷ, mà tan cửa nát nhà. Vì một chữ nhậu, bao nhiêu cuộc đời đã đắm thuyền, lạc hướng. Người uống đắm mình trong men rượu đã đành, người lỡ kết mối dây đời mình vào đó cũng đắm theo. Từ những bài học trên diễn đàn, có thể rút ra mấy điều chia sẻ.
Ở khía cạnh thứ nhất, nhậu là câu chuyện xã hội, là câu chuyện nhận thức và chuẩn mực hành vi. Nhậu là gì? Bia rượu là gì? Tai họa thế nào? Khổ đau ai gánh chịu?... vẫn là những câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Vậy nhưng hàng trăm nhà hàng quán nhậu đầy ắp người vẫn ồn ào sáng đèn thâu đêm, hàng trăm vụ tai nạn giao thông xảy ra khi người cầm lái say xỉn, hàng trăm gia đình chịu bạo hành khi những con ma men chân nam đá chân chiêu rời quán về nhà. Tệ nạn xã hội, sự xuống cấp của nhân phẩm, chất lượng sức khỏe của giống nòi… hàng loạt vấn đề phải được giải quyết từ nhiều tầng quản lý. Không thể đổ trách nhiệm lên đầu những người vợ vì họ đã “không biết quản chồng”, “không giữ chồng ở nhà”; trong khi hàng loạt nhà máy bia được xây dựng mới, quán nhậu được cấp phép mở tràn lan, vỉa hè cũng thành quán nhậu mà các cơ quan chức năng hầu như không can thiệp.
Không phải tự nhiên mà trong lịch sử nhân loại đã có những quốc gia, những thời kỳ “cấm rượu” tuyệt đối, những tôn giáo cấm rượu, coi rượu như thứ nước uống của quỷ dữ, có quốc gia đánh thuế cao ngất đối với các loại thức uống chứa cồn… Chính sách và việc thực thi chính sách cần áp tới những quán nhậu đang mở tràn lan, những tay lái nồng nặc mùi rượu bia lảo đảo trên đường. Có như vậy thì sự phối hợp từ trong mỗi gia đình mới có hiệu lực. Pháp luật có cấm, có chế tài chặt chẽ thì các bà vợ mới có thể mạnh miệng ngăn chồng đừng đi nhậu, đừng bê tha trà đình tửu quán… Trước đây, đã có một thời gian dài khói thuốc lá trở thành một vấn nạn tưởng như không lối thoát, thế rồi luật pháp, chính sách, từ vận động, tuyên truyền, cảnh tỉnh, cho tới việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng… đã bắt đầu phát huy tác dụng. Điếu thuốc lá hôm nay đã không còn là biểu tượng của sự lãng mạn nam tính, mà trở thành một ấn tượng đáng sợ, đáng tránh xa. Xin hãy bắt đầu cuộc chiến với rượu bia theo cách như vậy.
Ở khía cạnh thứ hai, nhậu là câu chuyện của mỗi cá nhân, của mỗi gia đình. Nếu chưa lập gia đình, xin hãy cân nhắc cẩn thận và tránh xa những con ma men. Những hy vọng kiểu như lấy nhau rồi thì người ta sẽ thay đổi, sẽ bớt rượu chè, ăn nhậu… là những hy vọng rất khó trở thành sự thực. Rượu bia có thể làm biến dạng nhân cách, làm mất khả năng kiềm chế bản thân, làm giảm chất lượng sống, làm thế hệ sau trở nên trì độn… Tình yêu có nồng nàn mãnh liệt đến đâu cũng khó có thể tồn tại bền vững trong một trái tim ngập ngụa rượu bia. Hãy xem như đây là một chọn lựa đường dài, đảm bảo cho cả cuộc đời mình, cả con cái của mình. Đừng chấp nhận cho qua như một sự bình thường, hậu họa sẽ khó lường.
Có thể phát triển khái niệm “hút thuốc bị động” trong cuộc vận động chống hút thuốc lá thành khái niệm “uống rượu bia bị động” trong lĩnh vực nhậu nhẹt. Người uống rượu khổ một, người liên quan phải chịu đựng hậu quả của việc uống rượu đó khổ đến mười. Kết hôn tức là đã trao cho nhau cuộc đời, cuộc đời của em, cũng là cuộc đời của anh và ngược lại. Nếu đã lỡ có một “hũ hèm” trong nhà, hãy kiên quyết coi như gia đình đang mắc một căn bệnh cần phải chữa trị ngay. Đừng cố gắng chịu đựng, càng kéo dài càng nguy hiểm mà thôi.
Phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó, thường hay nhận lấy phần thua thiệt về mình, nên có thể kể câu chuyện khổ tâm xong rồi thấy lòng nhẹ đi một chút để rồi lại… tiếp tục chịu đựng. Chẳng biết Diễn đàn Vì một chữ nhậu của Báo Phụ Nữ TP.HCM có đủ thức tỉnh những con sâu trong cơn say sưa tai họa, hay thức tỉnh những người phụ nữ trong sự chịu đựng triền miên không lối thoát của mình?
Lập Phương