>> Để một dân tộc không trở thành đám đông...
>> Sự đọc của tôi
|
Sinh viên cao học Handscombe phát hiện gần đây não cô chỉ “quét” qua các trang tiểu thuyết chứ không còn đọc! - Ảnh: Washington Post |
Giống nhiều người quen lướt web, cô click vào các link trên mạng xã hội, tìm từ khóa, đọc vài câu, sau đó tiếp tục lướt sang trang khác mà lúc đầu cô cũng chẳng định đọc... Cứ thế, cho đến một ngày cô phát hiện khi đọc tiểu thuyết cô cũng “quét” qua y như đọc trên mạng. “Tựa như mắt tôi chỉ lướt qua chữ mà không hiểu nó nói gì. Khi nhận ra điều đó, tôi phải trở lại, chú tâm đọc kỹ”.
Não luôn thích nghi
Với nhiều nhà sinh học thần kinh về nhận thức, trải nghiệm của Handscombe đã thêm một tiếng chuông báo động. Theo họ, con người đang phát triển “não kỹ thuật số” do cách đọc lướt nhanh qua các thông tin ngập tràn trên mạng, một cách đọc khác hẳn với kiểu đọc sâu, truyền thống với các kết cấu chắc của nhiều thiên niên kỷ trước đây.
Bộ não chúng ta không được thiết kế cho việc đọc, không có gen đọc như gen ngôn ngữ hay gen thị giác. Nhưng nhờ sự xuất hiện chữ tượng hình Ai Cập, rồi bảng mẫu tự Phoenicia, giấy từ Trung Quốc và cuối cùng là báo in của Gutenberg mà bộ não chúng ta thích nghi với việc đọc.
Trước khi Internet xuất hiện, não có thể đọc phần lớn là theo hàng, hết trang này đến trang sau... Có thể có tranh ảnh pha lẫn trong trang chữ, nhưng không có quá nhiều chi phối khác. Đọc văn bản in thậm chí còn cho chúng ta khả năng ghi nhớ những thông tin chủ chốt trong một quyển sách qua cách nó trình bày.
Nhưng Internet thì khác. Với quá nhiều thông tin, những đường link, video kèm theo text và tương tác ở khắp nơi, não của chúng ta phải làm việc với tất cả thứ đó - từ quét qua trang mạng, tìm từ then chốt, kéo lên lướt xuống thật nhanh. Không còn cách đọc theo dòng, cách đọc này chỉ còn trong các nghiên cứu học thuật.
Andrew Dillon, một giáo sư ở Texas chuyên nghiên cứu việc đọc, cảnh báo với việc lướt web, đọc link, rê chuột lên xuống mà ông gọi là “hành vi thông tin”, con người sẽ phải đối mặt với một số hậu quả trong thời gian tới.
Hậu quả đó là gì? Theo nhà phân tích Brandon Ambrose, câu lạc bộ sách của ông mới đây tổ chức đọc quyển sách best-seller của Meg Wolitzer - The Intersetings. Khi họp nhóm, ông mới biết đã bỏ qua nhiều điểm then chốt trong cốt truyện. Ông phát hiện não của ông chỉ quét qua để tìm một khía cạnh đặc biệt nào đó của quyển sách, cũng giống như ông đã lướt qua màn hình máy tính, trong khi với sách in, “dường như tôi không còn thói quen đọc như trước nữa”.
Bao nhiêu cú pháp đã mất đi...
Maryanne Wolf, nhà sinh học thần kinh nhận thức tại Đại học Tufts (Boston, Mỹ), cảnh báo trong quyển sách vừa xuất bản Proust and the squid: the story and science of the reading brain: não luôn thích nghi và trong môi trường đọc trên Internet hiện nay, não chúng ta đang quen với việc nhận thông tin bằng tốc độ nhanh nhất có thể.
Bà Wolf kể đã nhận được nhiều email từ các khoa tiếng Anh ở các đại học Mỹ cho biết sinh viên của họ gặp khó khăn trong việc đọc những tác phẩm kinh điển. Đặc biệt là những câu phức với cú pháp rối rắm kiểu của George Eliot (1819-1980, nhà tiểu thuyết Anh) hay Henry James (1843-1916, nhà phê bình văn học Mỹ).
Bà lo ngại với đà nhận gửi tin trên Twitter như hiện nay, với mỗi lần nhắn chỉ 140 từ thì “bao nhiêu cú pháp đã mất đi, khi cú pháp chính là phản ánh tư duy đan quyện của chúng ta”?
Bà cũng là một nạn nhân, khi một ngày nọ phát hiện chính mình gặp khó khăn khi đọc tiểu thuyết của Hermann Hesse (1877-1962, nhà thơ và nhà văn Đức, Nobel văn học 1946) - The Glass bead game. “Tôi không đùa đâu. Tôi đã đọc hết trang đầu như bị tra tấn vì không thể buộc mình đọc chậm. Tôi cứ lướt nhanh, chọn vài từ khóa, tổ chức mắt mình sao cho thu được nhiều thông tin nhất có thể trong một vận tốc nhanh nhất”.
Nhưng thật lòng bà lại đang muốn thưởng thức quyển sách, vì thế bà phải bắt mình trở lại, và khi bà có thể đọc từ tốn, thấu đáo từng nghĩa của Hermann Hess, “tôi cảm thấy như vừa hồi phục. Tôi mừng vì tìm lại được kỹ năng đọc chậm, nhấm nháp và suy nghĩ”.
Quyển sách kế tiếp của bà Wolf, một trong các chuyên gia hàng đầu thế giới hiện nay về việc đọc, là tìm xem thế giới số đang làm gì với bộ não con người. Những nghiên cứu trước đó của Israel cho thấy cần tìm ra được khác biệt trong việc đọc trên máy và đọc trên văn bản, giúp học sinh xử lý sự khác biệt đó một cách thông thạo ngay từ ghế nhà trường.
Tạm thời, trong khi chờ đợi các nghiên cứu sâu hơn, họ cho rằng tốt nhất cho trẻ em trong việc đọc hiểu là nên bắt đầu từ sách giấy. Việc cho chúng sử dụng các thiết bị điện tử quá sớm sẽ ngăn cản sự phát triển kỹ năng đọc sâu. Còn với người lớn, Wolf nói bà đang tìm cách huấn luyện bộ não mình thành bi-literate: đọc tốt sách in lẫn cả trên mạng!
MINH THƯ (lược dịch từ Washington Post*)
(*): http://www.washingtonpost.com/local/serious-reading-takes-a-hit-from-online-scanning-and-skimming-researchers-say/2014/04/06/088028d2-b5d2-11e3-b899-20667de76985_story.html