Con trai nhà thơ Trần Dần với thành phố bị kết án biến mất

06:00:00 26/04/2014

Kỹ thuật viết của"Thành phố bị kết án biến mất" thực sự rất đáng nể và lạ lẫm so với lối viết trần xì thiếu hình ảnh, khả năng gợi mở và tính suy tưởng thường thấy trong lối viết hiện nay.



"Thành phố bị kết án biến mất" (ra mắt tháng 04/2014) của Trần Trọng Vũ - người con trai út của nhà thơ Trần Dần - là một trường hợp đặc biệt, rất đáng chú ý trên văn đàn Việt Nam nhiều năm trở lại đây. Không chỉ vì câu chuyện anh đã tạo ra, mà vì kĩ thuật viết đặc sắc và khác lạ khiến tác phẩm này sẽ khó có thể bị trộn lẫn với bất kì điều gì trước đó, gợi mở một lối viết mới cho văn học Việt.


Đó là một cuộc trình diễn đẹp kì ảo của ngôn ngữ và trí tưởng tượng, đi kèm với cách sắp đặt lớp lang bí ẩn và hấp dẫn. Cuốn sách dày gần 300 trang cuốn hút ngay trang đầu bằng lối viết giàu khả năng quan sát, họa hình, họa tưởng.
Mở ra bối cảnh cô độc của một chàng trai 28 tuổi mang tên X sống trong lòng thành phố đầy hơi nước, giữa khu chung cư số Không chật hẹp, Vũ nhanh chóng ném người đọc vào cảm giác kích thích, mơ hồ.
Một căn phòng đơn sơ, một người trẻ tuổi lạc lõng và mệt mỏi trong ngày Chủ nhật sẽ chẳng khác nào những cuốn tiểu thuyết thời đại khác, nhưng người đọc chợt nhận ra anh ta có khả năng hình tượng hóa những biểu hiện nhỏ nhất trong môi trường chật hẹp và buồn chán quanh mình.
Vũ đã trộn lẫn và đưa vào tâm thức X những hình ảnh và ý niệm bất đối xứng: Giấc mơ và hiện thực. Nghịch lý và hợp lý. Hình ảnh và ngôn từ. Bức tường và cửa sổ. Bầu trời và thành phố. Máu và hơi nước. Màu sắc và con số. Những vụ bắt bớ và tính đơn độc của con người.
Và ai có thể tưởng tượng rằng, có hai thêm phiên bản tên X nữa chỉ cách nhân vật chính một lằn ranh mỏng như sợi chỉ. Lằn ranh mỏng manh đó kẹp giữa tính nghịch lý và hợp lý của sự tồn tại, làm anh cứ mãi băn khoăn.
Nhưng có lẽ tất cả các phiên bản mang tên X chỉ là những thời khắc khác nhau của một người được Vũ lôi ra từ kí ức và ước vọng. Cũng như những cô gái màu hồng xoay quanh họ. Một cô là phiên bản búp bê tượng trưng cho khoái lạc và thị giác đầy giả dối - và cô gái màu hồng thật sự tượng trưng cho tình yêu khó nắm bắt, cảm giác bấu víu tinh thần và nhận thức muộn màng.
Phải đọc qua trang thứ 10 - trong khi cố gắng xâm nhập vào bối cảnh kì lạ với những câu lặp vừa gây tò mò vừa làm khó chịu mà Trần Trọng Vũ bày ra - tôi mới nhận ra rằng tác giả đã không hề dùng một dấu phẩy. Như thế, anh lại tiếp tục tạo thêm một thách thức nữa: ném người đọc vào một đám những từ ngữ không được sắp xếp theo một trật tự hàng lối sao cho dễ đọc. Nhưng bù lại, chúng có một vần điệu êm tai kỳ lạ.
Mỗi câu văn được viết lên đều chứa đựng tính nhạc, tính thơ, và trên hết là giàu hình ảnh trong sự sắp xếp đa tầng của cấu trúc. Nếu là tiểu thuyết dịch, sẽ vô cùng khó để có thể với bắt được ngôn ngữ một cách kì diệu và đẹp đến mơ hồ như vậy. Vì thế, đây cũng là cơ hội cho những người đọc tiếng Việt trong việc thưởng thức khả năng kiến tạo thế giới của ngôn từ.
Trần Trọng Vũ sinh năm 1964 tại Hà Nội, tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật năm 1987 sau đó nhận học bổng vào trường Mỹ thuật Quốc gia Pháp. Vũ có nhiều triển lãm tại Mỹ và Châu Âu, được xem là một trong những tên tuổi hàng đầu của hội họa đương đại Việt Nam ở nước ngoài, từng được trao giải Pollock-Krasner 2011-2012, bởi Quỹ nghệ thuật Jackson Pollock - Lee Krasner tại New York (Mỹ). Hiện gia đình anh đang sống tại Paris.
Là một họa sĩ có chất riêng, cái cách mà Vũ viết tiểu thuyết cũng khác thường so với một nhà văn truyền thống. Anh sử dụng ngôn ngữ như chiếc bút vẽ, bày ra tư duy trừu tượng, tính kì ảo và khó nắm bắt của hiện thực. Anh cung cấp hình ảnh cho trạng thái và cảm giác. Chỉ tiếc là càng về cuối những đặc điểm của hiện thực hiện ra càng rõ nét hơn, sát rạt hơn. Chúng bám đuổi và đe dọa X. Chúng cung cấp cho người đọc mối liên hệ đến các vấn đề xã hội và thời sự, nhưng cũng vì thế làm người đọc ưa kì ảo phiêu lưu phần nào tiếc nuối, khi họ buộc phải ra khỏi thế giới giàu tưởng tượng lúc đầu được tạo ra.
Tiểu thuyết đầu tay của Trần Trọng Vũ đã không hề được ra mắt một cách đình đám, nhưng chắc chắn sẽ gây ấn tượng mạnh cho những người đọc tiên phong. Tên tuổi của cha anh (nhà thơ Trần Dần) và vợ anh (nhà văn Thuận) vốn không hề xa lạ với bạn đọc Việt Nam, nhưng có thể nói lối viết của Trần Trọng Vũ - xét trong khía cạnh siêu thực và siêu tưởng - đã đi xa hơn so với hai người thân nổi tiếng trước của mình.
Và điểm lặp/ điểm hạn chế - hay nhìn dưới một khía cạnh nào đó có thể là điểm mạnh riêng trong tác phẩm của Trần Trọng Vũ - đó là anh bị ám ảnh bởi quá khứ rất nhiều.

Hồ Hương Giang
Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1