Người về cõi "trăm năm cô đơn"

10:03:00 25/04/2014

(HQ Online)- Nhà văn Marquez đã qua đời ở tuổi 87 vào ngày 17 tháng 4 năm 2014 tại thành phố Mexico City. Ông sinh ngày 6-3-1927 tại Aracataca, một thị trấn bên bờ biển Caribe, miền Bắc Colombia.

Nhà văn Marquez. Ảnh S.T

Năm 1947, sau khi tốt nghiệp trung học, Marquez đến thủ đô Bogota, theo học khoa Luật tại Đại học Quốc gia Colombia. Một thời gian sau đó ông nghỉ học và chuyển sang viết báo, viết văn và cộng tác với nhiều tờ báo ở thành phố Cartagena và thủ đô Bogota. Ông García Marquez còn là nhà báo và một người hoạt động chính trị, theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Ông có nhiều năm làm phóng viên tại châu Âu. Ông được trao giải Nobel Văn học năm 1982.

Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos tuyên bố tổ chức ba ngày quốc tang dành cho nhà văn Marquez: “Cái chết của người Colombia vĩ đại nhất trong lịch sử gây ra nỗi cô đơn và sầu muộn suốt 1.000 năm”.

Năm 2002, mặc dù sức khỏe yếu, Marquez đã hoàn thành cuốn hồi ký đầu tiên “Sống để kể lại” về 30 năm đầu của đời mình. Tháng 10 năm 2004, Márquez xuất bản cuốn “Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi”.

Marquez được cho là một trong những nhà văn viết tiếng Tây Ban Nha xuất sắc nhất, và tác phẩm được biết đến nhiều nhất của ông là tiểu thuyết hiện thực thần bí “Trăm năm Cô đơn” viết năm 1967, đã bán hơn 30 triệu cuốn trên toàn thế giới. Ngoài ra, còn có nhiều cuốn quen thuộc với độc giả Việt Nam như “Tình yêu thời thổ tả”, “Mùa thu của vị trưởng lão”, “Tướng quân giữa mê hồn trận”, “Ngài đại tá chờ thư”… Marquez cho rằng, ông chẳng làm gì khác việc biến ngôi làng bé nhỏ của mình và dân làng thành một chốn huyền thoại, mà bây giờ cả thế giới biết đến với cái tên Macondo. Macondo ở khắp chốn mà cũng chẳng ở đâu hết!

“Trăm năm cô đơn” là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Marquez. Tác phẩm có nhiều bình diện, phản ánh một cách độc đáo cuộc sống của các dân tộc Mỹ Latinh, cả những sự kiện quan trọng trong lịch sử khu vực này. Sự pha trộn giữa các yếu tố hiện thực và hoang đường trong tiểu thuyết đã tạo ra một hệ thẩm mỹ đặc biệt gọi là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Về mặt ý nghĩa, cái đuôi lợn của đứa bé dòng họ Buendia là sự vật chất hóa tính ích kỷ của loài người, đến mức đánh mất bản chất người. Những con người trong dòng họ Buendia có đầy đủ trí lực và thể lực, nhưng thiếu trái tim yêu thương sôi nổi, trong khi đó, tình yêu mới là yếu tố cần thiết để thoát khỏi cảnh cô đơn.


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1