Sau Trại sáng tác Hạ Long 2013, đã có thêm 22 tác phẩm được hoàn thành tham gia cuộc thi. NXB Công an nhân dân đã kịp thời chọn in một số cuốn tiêu biểu như "Đơn tuyến" của Phạm Quang Đẩu, "Cuộc chiến đấu dưới chân núi Chứa Chan" của Trần Công Tấn, "Tam giác vàng" của Nguyễn Như Phong", "Thuốc phiện và lửa" của Hoàng Thế Sinh…
Trại viết lần thứ hai được tổ chức tại Đà Lạt, chính thức khai mạc vào ngày 24/3/2013, với sự tham gia của 27 tác giả. Nhìn vào đội ngũ tham gia trại sáng tác, ta có thể nhận thấy, cuộc thi và đề tài đã có sức lan tỏa lớn, thu hút được một đội ngũ cầm bút đa dạng cả về lứa tuổi lẫn khuynh hướng sáng tạo. Lớn tuổi nhất là nhà văn Nguyễn Thái Huyền (Lâm Đồng) đã ngoại bát tuần, trong khi ít tuổi nhất, cây bút Khánh Minh đến từ Đại Lộc - Quảng Nam chỉ mới vừa qua tuổi 22. Cả hai tiểu thuyết dự thi "Thám tử xứ anh đào" của Nguyễn Thái Huyền và "Tiếng gọi quay về" của Khánh Minh đều đã hoàn tất trước khi trại kết thúc.
Ngoài những tác giả tên tuổi đã quen thuộc với đề tài Công an như Văn Phan, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Từ Kế Tường, Nguyễn Quang Hà, Bùi Anh Tấn… lần này trại còn đón nhận sự tham gia tích cực của nhiều nhà văn nổi tiếng nhưng tưởng chừng như cảm hứng sáng tạo của họ sẽ xa lạ hoàn toàn với đề tài an ninh trật tự. Đó là các nhà văn Nguyễn Đông Thức, Đoàn Thạch Biền, hay tác giả trẻ Thúy Nga, người chỉ vừa kịp cho ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn đầu tay "Nước mưa của chàng câm" đúng… 1 ngày trước khi trại khai mạc!
Mới, song vẫn đầy hào hứng và tự tin, tác giả "Tôi thương mà em đâu có hay" Đoàn Thạch Biền khẳng định: "Tại sao không? Ngành Công an, mảng an ninh trật tự đâu chỉ là phá án với rượt đuổi. Tôi sẽ viết về tình yêu, mơ ước và cuộc sống thường nhật của các nữ sinh viên Học viện An ninh - những nữ sĩ quan Công an của tương lai".
Được biết, tiểu thuyết sắp hoàn thành của ông cũng mang một cái tựa rất gợi cảm, rất lãng đãng học trò: "Sắc như mắt phượng".
|
Các nhà văn thuộc nhiều thế hệ gặp nhau tại trại sáng tác. |
Sau 3 tuần hoạt động, ngoài việc tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà văn tập trung hoàn thành tác phẩm đã đăng ký, Ban tổ chức trại sáng tác (đặt tại nhà nghỉ Minh Tâm - Bộ Công an ở Tp Đà Lạt) còn năng động kiến tạo thêm nhiều hoạt động bổ ích, tạo cảm hứng cho các nhà văn. Chuyến tham quan và làm việc tại Lâm Hà, một vùng đất sắp vào tuổi 40 của những người con miền Bắc, chủ yếu là Hà Nội vào lập nghiệp và xây dựng trên vùng Nam Tây Nguyên đã để lại nhiều ấn tượng đối với những người cầm bút. Nhiều nhà văn, sau chuyến đi đã kịp "nạp" thêm đề tài và nguồn cảm hứng để sau này tiếp tục quay lại viết tiếp về nhịp điệu cuộc sống hấp dẫn trên vùng đất mới này.
Chuyến thăm Trại giam Đại Bình (Bảo Lâm - Lâm Đồng) cũng là một trải nghiệm thú vị. Nhiều nhà văn đã tỏ ra hết sức ngỡ ngàng, bởi cách xa Tp HCM chỉ hơn 150km vẫn có một vùng đất đầy huyền thoại, đầy những biến động lịch sử, đầy những thân phận con người… nguồn cảm hứng vô tận cho nghề viết, nhưng hầu như vẫn chưa được đội ngũ sáng tạo nghệ thuật biết đến và khai phá. Họ càng ngỡ ngàng, thú vị hơn sau buổi giao lưu với các văn nghệ sĩ thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng và được các đồng nghiệp địa phương hướng dẫn tham quan, tìm hiểu nhiều danh thắng, phong tục tập quán, nếp sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc dưới chân dãy núi mẹ Lang Biang. Ngược lại, anh em văn nghệ địa phương cũng tỏ ra rất cảm kích bởi có cơ hội đóng vai trò chủ nhà hiếu khách để giới thiệu, giao lưu với nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng đến từ các vùng miền khác.
Trong suốt thời gian dự trại, 2/3 trong số các nhà văn trại viên đã lần lượt thay nhau trở thành nhân vật chính cho những thước phim tài liệu, buổi phỏng vấn của Đài Truyền hình và Báo Lâm Đồng, rồi chương trình "Vì an ninh Tổ quốc" của địa phương.
Một trại viết thành công, ít nhất là về mặt tổ chức. Văn chương, nghệ thuật và hoạt động vừa sôi động, vừa thầm lặng của lực lượng Công an đã có một dịp tốt đế xích lại gần nhau hơn. Nhiều nhà văn chỉ mới khởi viết từ ngày đầu tiên dự trại nhưng chưa đến ngày kết thúc, đứa con tinh thần của họ đã kịp ra đời. Mang theo ý tưởng từ Đức Hòa, Long An, sau 3 tuần dự trại, dù chỉ viết tay, tác giả Vũ Quang Sơn cũng đã đặt dấu chấm cuối cùng cho tiểu thuyết "Đêm của một đời" ngót nghét 200 trang. Nhà văn Vũ Thanh Hương từ huyện vùng sâu Đạ Tẻh, Lâm Đồng cũng kịp nộp cho Ban tổ chức bản thảo tiểu thuyết "Vị ngọt của trái đắng" dày cộp để chuẩn bị chuyển sang một trại viết khác, một đề tài, một cuộc thi khác do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Vũng Tàu 2 ngày sau khi trại viết do Bộ Công an tổ chức bế mạc.
Sáng tạo nghệ thuật luôn là công việc mang đậm dấu ấn cá nhân. Nhưng dấu ấn đó sẽ được người nghệ sĩ phát huy, bộc lộ tối đa nếu có thêm sự hỗ trợ, khích lệ, sự giao lưu trao đổi. Trại viết Minh Tâm vừa qua đã làm rất tốt công việc này, giống như nhiều trại viết mà Bộ Công an và Hội nhà văn Việt Nam đã phối hợp tổ chức trong nhiều năm qua. Tham dự trại lần này, nhà văn Nguyễn Quang Hà, 75 tuổi, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương đã chính thức lập kỷ lục là nhà văn ngoài ngành tham dự nhiều trại viết của ngành Công an nhất. Ông đã 5 lần dự trại sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký của NXB Công an nhân dân, mỗi lần đều cho ra mắt một cuốn tiểu thuyết hoặc truyện ký dày dặn, chưa kể thêm 3 lần dự trại sáng tác truyện ngắn giải Cây bút vàng của Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an, cho ra đời 3 tập truyện ngắn khác. Nhà văn Vũ Thanh Hương nảy sinh cảm hứng từ cuộc thi cùng tên tổ chức giai đoạn 2008-2010, ông bắt đầu cầm bút ở tuổi 55. Hai lần tham gia trại viết, "nhà văn trẻ" ở tuổi… 61 đã có 4 tiểu thuyết được NXB Công an nhân dân xuất bản, hai lần được giải thưởng… Với họ, mỗi lần dự trại là có thêm một nguồn cảm hứng mới mẻ.
Niềm phấn khởi sáng tạo càng cao hơn khi vào ngày bế mạc 14/4/2014, trại đã được đồng chí Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cùng nhiều tướng lĩnh trong ngành đến tham dự giao lưu và trò chuyện với các nhà văn. Văn nghệ bay bổng và công tác giữ gìn an ninh Tổ quốc, bình yên cuộc sống tưởng chừng như khô khan, xơ cứng, nay đã thêm dịp sát lại bên nhau, đồng cảm và chia sẻ