Giải mã Haruki Murakami: 'Tôi như con thú bị lâm nguy'

10:53:00 08/05/2014

Haruki Murakami là hiện tượng độc đáo văn chương châu Á và thế giới. Rất nhiều thú vị, bất ngờ mở ra từ các tác phẩm ông khiến bạn đọc tò mò hơn về đời tư nhà văn. Nhưng càng cố tìm hiểu càng thấy kín kẽ. Lần đầu tiên, ông hé mở con người phản diện của mình...

Chân dung nhà văn Haruki Murakami

Được nghe những thổ lộ của một nhà văn nổi tiếng luôn luôn là một niềm vui đối với những người đọc sách, nhất là từ nhà văn mà họ mến mộ và nhất là nếu nhà văn ấy vốn có tiếng thích ẩn mình, hiếm khi xuất hiện trước đám đông. Như Haruki Murakami.

Nhưng, Murakami đã làm một ngoại lệ. Ông xuất hiện trước đám đông độc giả hâm mộ tại một sự kiện tổ chức ở Đại học Kyoto, Nhật Bản. Cử tọa có thể luôn luôn thấy nụ cười thoải mái của ông. Murakami kể nhiều chuyện đùa và khiến mọi người cười liên tục. Mặt khác, ông có vẻ tinh anh sắc sảo. Ông nổi tiếng là mỗi buổi chiều đều miệt mài luyện tập thể thao sau khi dành cả buổi sáng viết lách. Có cảm giác rằng ông tinh anh sắc sảo không chỉ nhờ chăm chỉ vận động cơ thể mà còn nhờ cả những nhà phê bình thường hay nghiêm khắc chỉ trích ông.

Giải thích lý do tại sao mình hiếm khi xuất hiện trước công chúng, Murakami nói:

Chào! Tôi là Murakami. Đây có thể là lần gặp đầu tiên giữa hầu hết các bạn và tôi, nên hãy cho tôi cho các bạn biết tại sao tôi ít ra trước công chúng. Là vì tôi sống cuộc sống bình thường. Tôi thích đi lùng sách và đĩa hát nhựa trong các hiệu băng sách cũ. Nếu ai đó hỏi tôi, “Ông là Murakami?”, tôi sẽ bối rối. Tôi sẽ rất cảm kích nếu các bạn đối xử với tôi như với một con thú đang bị lâm nguy. Hãy cẩn thận, nếu bạn đến gần tôi, nói gì với tôi hay chạm tới tôi là tôi cắn đó”.

Đoạn mào đầu này khiến cho không khí trong phòng thay đổi hẳn. Ban đầu, mọi người biểu lộ một sự gần như sùng kính đối với tiểu thuyết gia nổi tiếng nhất thế giới. Tuy nhiên, sau khi ông nói vậy, mọi người liền thoải mái hơn và thích thú nghe anh chàng thú vị này nói chuyện.

Về chiều sâu trong sáng tác của mình, Murakami nói:

“Một con người cũng giống như một căn nhà có hai tầng. Tầng dưới có cửa ra vào và phòng khách. Trên tầng hai là phòng riêng của từng người trong gia đình. Họ nghe nhạc và đọc sách. Nơi tầng hầm thứ nhất là tàn dư ký ức của mọi người. Căn phòng đầy bóng tối là tầng hầm thứ hai. Nó sâu bao nhiêu? Không ai biết. Đi xuống tầng hầm thứ nhất, người ta có thể viết tiểu thuyết và âm nhạc. Tuy nhiên, tôi tin rằng những tác phẩm như thế không thể làm rung động trái tim con người. F. Scott Fitzgerald nói: “Nếu bạn muốn kể một câu chuyện khác với những chuyện khác, hãy dùng những lời khác với những người khác".

Nhạc của Thelonius Monk độc đáo đến nỗi chúng ta không thể tin ông trình tấu nhạc của mình bằng thứ nhạc cụ phổ thông như piano. Chiều sâu của loại nghệ thuật này có thể làm rung động trái tim con người. Những nghệ sĩ này tìm được lối đi xuống tầng hầm dưới sâu. Phán xét những tiểu thuyết thuộc tầng hầm thứ nhất không khó, vì chúng dễ hiểu. Còn những tiểu thuyết thuộc tầng hầm thứ hai, chúng đi thẳng vào trái tim. Khác biệt giữa hai bên cũng như sự khác biệt giữa một trung tâm spa và một nhà tắm bình dân, giữa Mozart và Salieri. Tôi mong muốn đi xuống tầng hầm dưới sâu ấy mà không bị hóa điên”.
Cuộc chuyện trò cởi mờ hé lộ nhiều bí ẩn trong tâm hồn một nhà văn lớn

Về mạng lưới linh hồn con người

“Một số người hỏi tôi: tại sao tôi chuyển hướng từ loại tiểu thuyết “đứng ngoài (xã hội)” sang tiểu thuyết “dấn thân” khi tôi viết Biên niên ký Chim vặn dây cót? Câu trả lời: “Lúc đó tôi muốn xây dựng những mạng lưới linh hồn con người.” Không có chuyện kể, con người ta khó mà tự duy trì mình được. Trẻ con cần chuyện kể. Nếu bạn kể chuyện cho chúng, chúng bắt chước những chuyện ấy. Chúng hấp thu chuyện kể bằng cách đó. Tuy nhiên, đó có thể là một chuyện kể rất đơn giản. Người lớn cần chuyện kể phức tạp hơn. Họ có chuyện kể của riêng mình. Nhân vật chính là bản thân họ. Tuy nhiên, những chuyện ấy có chiều sâu không? Nếu muốn chúng có chiều sâu, bạn phải làm cho chuyện kể của mình có sự tương liên với thế giới. Tuy nhiên, tự bản thân mình làm cho chuyện kể của mình tương liên với thế giới là việc khó. Việc của nhà tiểu thuyết là cung cấp những hình mẫu cho thấy phải làm sao cho chuyện kể của mình có tính tương liên. Nếu bạn đọc tiểu thuyết của tôi mà cảm thấy “Mình cũng từng trải qua in hệt như trong truyện này”, hoặc “Mình cũng có ý tưởng giống như tiểu thuyết này”, thế nghĩa là truyện của bạn và của tôi đồng cảm với nhau, tương hợp và đồng vọng với nhau. Những chuyện đó làm sinh ra mạng lưới những linh hồn con người và làm cho những truyện kể càng sâu hơn, càng tương liên hơn. Tôi nghĩ rằng âm nhạc cũng thế, phải không? Nhạc tuyệt hay làm tim ta rung động. Tôi nghĩ truyện cũng có cái sức mạnh ấy. Vài độc giả hỏi tôi: “Sao ông hiểu tôi vậy?”. Nghe vậy tôi sung sướng lắm, vì nó có nghĩa là những độc giả đó và tôi có thể làm cho truyện kể của chúng tôi tương liên với nhau”.
Về những tiểu thuyết khác của mình, Murakami nói:

“Di chuyển xuyên qua tường” trong Biên niên ký chim vặn dây cót không phải là một ẩn dụ. Tôi đã trải qua chuyện đó. Mọi thứ trong tiểu thuyết của tôi đều có thật đối với tôi. Vài nhà phê bình phương Tây nói tiểu thuyết của Garcia Marquez là hiện thực huyền ảo. Nhưng tôi thì tin rằng Marquez ắt hẳn đã chính mình trải qua tất cả những gì xảy ra trong truyện của ông”.

Nhà văn nói tiếp:

“Tôi rất vui được biết rằng khi đọc tiểu thuyết của tôi các bạn không thể thôi cười, và tôi càng hạnh phúc hơn nếu biết rằng khi đọc tiểu thuyết của tôi các bạn không thể thôi khóc. Khóc là chuyện riêng tư. Mặt khác, cười thì có tính cộng đồng hơn. Cười khiến cõi lòng ta rộng mở hơn. Cái hay nhất trong tiểu thuyết của tôi là cái hài, tôi nghĩ vậy. Tôi muốn giữ cho nhiều tác phẩm của tôi có cái hài.

Tôi thì không bao giờ khóc khi đọc tác phẩm của chính mình. Tuy nhiên có một ngoại lệ là Ngầm. Khi viết cuốn ấy, tôi đã phỏng vấn một phụ nữ trong độ tuổi hai mươi, vợ của một nạn nhân vụ đầu độc khí sarin trên đường xe điện ngầm Tokyo năm 1995. Trong quá trình phỏng vấn suốt ba tiếng đồng hồ, không khí có vẻ sáng sủa. Tôi không cảm thấy tối tăm. Nhưng khi trên đường đáp tàu hỏa về nhà, tôi không kìm được mà khóc suốt một giờ. Cảm giác này thỉnh thoảng lại nổi lên trong khi tôi viết tiểu thuyết”.
Biên niến ký chim vặn dây cót - tiểu thuyết quan trọng của Haruki Murakami. Do dịch giả, nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng dịch. Sách được tặng thưởng của Hội Nhà Văn Hà Nội về dịch thuật năm 2007

Trong số 1.500 câu hỏi mà nhà tổ chức cuộc gặp này thu thập từ công chúng thông qua mạng, Murakami trả lời một số như sau:

Hỏi: Ông thích bia nào nhất?

Đáp: Dĩ nhiên là bia mình uống khi mình đang chết khát! Đùa thôi, chứ bia tôi thích dạo gần đây là Maui Brewing của hang Big Swell ở Hawaii. Tôi thích bia chai hơn bia lon, nhưng bia ấy thì chả bao giờ đóng chai. Trên mấy lon bia ấy, nhà sản xuất in một giải thích chi tiết cho chính sách này: Bia lon ngon hơn bia chai. Bia ấy ngon lắm.

Hỏi: Ông thích những nhà văn nào nhất?

Đáp: Natsume Soseki và Junichiro Tanizaki, kỹ năng viết của họ kiệt xuất. Tôi cũng thích Shotaro Yasuoka. Những tác gia tôi không thích là Yasunari Kawabata và Yukio Mishima. Tôi không thể chấp nhận tác phẩm của họ từ trong bản năng. Hồi tôi đọc Coin Locker Babies của (1980), tôi liền nghĩ mình muốn viết một tiểu thuyết như thế. Nghĩ là làm, tôi đóng cửa quán bar để tập trung viết tiểu thuyết.

Khi được hỏi về âm nhạc, Murakami có vẻ vui hẳn lên.

“Tôi luôn luôn dậy sớm ngồi viết mỗi sáng. Trong khi làm việc, tôi thường nghe nhạc cổ điển. Trước khi đi ngủ, tôi bày ra sẵn một dãy đĩa mà tôi đã quyết định sáng mai sẽ nghe. Tôi cảm thấy âm thanh của CD không đủ vang, nên tôi thích đĩa nhựa hơn. Hồi đang tuổi hai mươi, tôi nghe nhạc jazz từ sáng đến đêm.”

“Viết văn cũng như chơi nhạc,”, Murakami nói thêm. “Khi viết một câu, tôi dùng cũng một nhịp điệu người ta dùng khi trình tấu nhạc. Khi tôi trao đổi với nhạc trưởng (nổi tiếng thế giới) Seiji Ozawa và nói với ông ấy chuyện này, ông ngạc nhiên đến nỗi phải hỏi tôi: “Trong viết văn cũng có nhịp điệu hay sao?”

Được hỏi về bản dịch tiểu thuyết của mình ra tiếng nước ngoài, Murakami cho biết:

“Tôi đã đọc tất cả tiểu thuyết của mình được dịch ra tiếng Anh. Đọc tiểu thuyết của mình được dịch ra tiếng khác là rất thú vì tôi đã gần như quên hết nội dung của chúng rồi.

Loại tiểu thuyết nào có thể dễ dịch? Đó là những tiểu thuyết hàm chứa sức mạnh lớn trong dòng tự sự, khiến tâm trí người đọc càng lúc càng tiến tới. Mặt khác, tôi cảm thấy khó mà dịch được những tiểu thuyết có sự mô tả tinh tế. Chẳng hạn, Đại gia Gatsby.

Tôi hết sức vui rằng tiểu thuyết của mình được dịch ra những thứ tiếng mà chỉ một số ít người đọc được. Chẳng hạn, Phần Lan và Iceland đều có dân số ít, đã vậy giới trẻ ở đấy thường rất giỏi tiếng Anh, thế nhưng tiểu thuyết của tôi được dịch ra tiếng mẹ đẻ của các nước ấy.”

Cuối buổi gặp, Murakami thổ lộ với công chúng:

“Điều cuối cùng tôi muốn nói là: Tôi thực sự vui vì mọi người chờ mua cuốn sách mới của tôi. Họ quý giá hơn bất cứ nhà phê bình nào, hơn bất cứ doanh số bán nào. Đôi khi có những độc giả nói: “Cuốn sách mới của ông nhạt ơi là nhạt, tôi thất vọng quá, nhưng cuốn mới của ông tôi vẫn sẽ mua.” Tôi yêu những người đó. Tôi không bao giờ muốn các bạn thích tất cả sách của tôi. Các bạn có không thích sách của tôi cũng không sao cả.

Tôi viết một cách riêng tư, không kỳ vọng, hết mình. Khi viết tiểu thuyết, tôi chỉ nghĩ đến tiểu thuyết của mình, và không bao giờ làm việc gì khác. Nếu bạn đánh giá cao chuyện Murakami làm việc của mình một cách nhiệt tâm, tôi hàm ơn bạn. Tôi ít tự tin ở mình, nhưng tôi nghiêm túc với công việc của mình.”

Thụ Nhân (tổng hợp)


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1