Cụ ở trong một căn hộ chung cư tại KĐT Trung Hòa - Nhân Chính, cùng với con dâu thứ và các cháu nội, bởi người con trai thứ ấy đã hi sinh. Chị giúp việc bảo rằng khi biết tin có khách đến, cụ mừng lắm cứ bồn chồn chờ đợi. Khi đó, dù đã 100 tuổi nhưng vẫn giữ thói quen từ hồi còn trẻ, ấy là chuẩn bị tề chỉnh khăn áo, đầu chải mượt mà, mặt mũi tỉnh táo khi người nhà đẩy xe ra tiếp khách. Trong cuộc trò chuyện, chị Nguyễn Thị Hồng Ngát bảo với cụ rằng, vẫn còn nhớ truyện ngắn "Gặp lại người xưa” của cụ in trên báo Văn Nghệ cách đó vài năm. Truyện viết về một cụ ông sau khi vợ mất, nhớ lại người tình cũ- người từng hoạt động với mình và muốn liên lạc lại. Dò hỏi mãi mới biết bà ấy sống với con trong Sài Gòn, chồng cũng đã mất. Cụ ông viết thư bày tỏ tình cảm và mời bà ra Hà Nội sống cùng mình những năm tháng cuối đời. Bà cụ nhận lời. Nhưng những ngày sau đó cụ thật khổ vì cụ bà nói nhiều quá, bắt bẻ đủ điều khiến ông cụ mất hết cả tự do. Tính nết khác hẳn ngày xưa... Chẳng biết làm cách nào mời cụ bà về lại Sài Gòn thì đùng cái có điện báo con dâu bị tai nạn giao thông cần mẹ về chăm sóc. Thế là thoát! Kể rồi chị Ngát quay ra hỏi cụ là chuyện có thật không? Cụ Học Phi không trả lời thẳng vào vấn đề, chỉ bảo: "Đoạn kết còn một chi tiết nữa cô quên, đó là khi bà ấy đi rồi thì cụ ông lại thấy nhớ vì không còn ai nói nhiều nên nhà cửa trở nên vắng vẻ, buồn thiu”. Nói rồi, cụ cười giòn tan… Cũng trong năm 2012, nhân Liên hoan Sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc, Nhà hát Chèo Việt Nam có dựng lại vở "Ni cô Đàm Vân” của cụ Học Phi, chúng tôi lại có cớ đến nhà trò chuyện cùng cụ. Vẫn là hình ảnh một cụ Học Phi cười tươi rói, để lộ hai hàm răng trắng bóng- điều ít thấy ở một cụ già trăm tuổi. Trong câu chuyện, chúng tôi đùa cụ: Cụ ơi, người ta bảo những nhân vật nữ trong các truyện ngắn hoặc các vở kịch của cụ, chính là hình bóng của những người phụ nữ từng si mê cụ phải không ạ? Cụ lại cười: "Các cô biết rồi, còn cứ hỏi…” Bữa đó, chúng tôi đến, cụ đang dở tay với những trang bản thảo kịch bản "Âm vang Bãi Sậy”. Đây là một kịch bản điện ảnh (được phỏng từ tiểu thuyết cùng tên của cụ phản ánh về cuộc Khởi nghĩa Bãi Sậy), âu cũng là một "món nợ” cuối đời của cụ với mảnh đất Hưng Yên- nơi chôn nhau cắt rốn. Sở dĩ cụ tha thiết với Bãi Sậy, bởi ngay từ khi còn rất trẻ cụ đã ngấm tinh thần khởi nghĩa Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật- "ông vua Bãi Sậy” rồi. Cũng từ đó chàng thanh niên quê nhãn giác ngộ cách mạng, năm 13 tuổi đã theo Đảng. Sau Cách mạng Tháng 8, cụ làm Chủ tịch UBND Cách mạng tỉnh Hưng Yên. Kể từ tiểu thuyết đầu tay "Hai làn sóng ngược” cho đến hết cuộc đời cầm bút, nhà văn- nhà biên kịch Học Phi có khoảng 30 kịch bản sân khấu, 10 tiểu thuyết và 3 tập truyện ngắn. Cụ được Đảng và Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt 1; Huân chương Độc lập hạng Nhất, và Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng. Nhà văn Chu Lai- con trai của cụ cho hay, trước khi qua đời, cụ vẫn đang thực hiện một kịch bản phim về thời kỳ cách mạng. Nếu sống chỉ là cõi tạm thì với cụ Học Phi, 102 năm trong cõi tạm cụ đã làm được nhiều việc như ý nguyện, đã để lại cho hậu thế một gia tài văn chương- nghệ thuật quý báu. Hẳn trước khi nhắm mắt xuôi tay, cụ đã mỉm cười hài lòng... HƯƠNG LÊ |