Tiểu thuyết “Anna Karenina” được cả điện ảnh lẫn truyền hình tôn vinh

07:30:00 14/05/2014

Tạp chí Time của Mỹ vừa tiến hành một cuộc khảo sát sâu rộng, được thực hiện với 125 nhà văn đương đại ở cả 5 châu lục, để bình chọn ra 10 tác phẩm văn chương vĩ đại nhất mọi thời. Kết quả: Cuốn tiểu thuyết "Anna Karenina" của đại văn hào Nga Lev Tolstoy (1828-1910) đã được xếp thứ nhất trong bảng danh sách Top 10, trên cả các kiệt tác của những cây bút huyền thoại khác như William Shakespeare, hay Mark Twain…

Bìa cuốn tiểu thuyết bất hủ ấn hành tại Moskva năm 1878.

Ngay từ khi được khởi đăng trích đoạn trên nguyệt san Russkiy vestnik (Người đưa tin) kể từ số mở đầu năm mới 1875, "Anna Karenina" đã tạo ra một cơn sốt trong giới độc giả yêu văn học. Mọi người đặc biệt lưu tâm tới số phận của các nhân vật trong tiểu thuyết, nóng lòng chờ đợi phần kế tiếp, thậm chí nhiều mệnh phụ phu nhân còn bắt chước sao cho giống đúc từ lối phục sức, đến kiểu tóc của nữ nhân vật chính Anna Karenina, được mô tả qua ngòi bút đặc sắc của vị văn hào lỗi lạc.

4 năm sau, quyển tiểu thuyết cuốn hút về thân phận của người phụ nữ Nga tài sắc và bạc mệnh "Anna Karenina" đã được bạn đọc ngoại quốc biết đến, trước hết qua bản dịch bằng tiếng Czech ở Trung Âu. Rồi các bản dịch tiếng Đức cũng như Pháp ngữ được hoàn thiện vào năm 1885. Trong 2 năm kế tiếp, lần lượt xuất hiện thêm các bản dịch cuốn "Anna Karenina" với các ngôn ngữ phổ biến còn lại ở lục địa cũ như tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đan Mạch, tiếng Na Uy, tiếng Phần Lan, tiếng Italia, tiếng Thụy Điển, tiếng Hà Lan…

Sang nửa đầu thế kỷ XX, kiệt tác bất hủ của đại văn hào Lev Tolstoy chính thức "chinh phục" châu Á bằng tiếng Nhật Bản (1906), tiếng Hoa (1913), tiếng Myanmar (1952), tiếng Ấn Độ (1955)… chưa kể hầu như năm nào cũng được các nhà xuất bản hàng đầu châu Á in tái bản thể theo yêu cầu của công chúng ngưỡng mộ.

Trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cốt truyện dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên đã được dùng trong một số vở nhạc kịch Opera trên sân khấu châu Âu. Tới đầu thập niên 1910 của thế kỷ trước, ngay từ thuở mới khai sinh bộ môn nghệ thuật thứ 7, giới điện ảnh chuyên nghiệp Nga đã để mắt tới "Anna Karenina".

Bộ phim đầu tiên khởi quay về chủ đề này tiến hành tại Moskva vào năm 1911 và chỉ kéo dài 12 phút. Gần 3 năm sau, xuất hiện cuốn phim thứ 2 dài hơn với 15 phút và đều thuộc thể phim câm. Trong những năm kế tiếp tới lượt các nhà làm phim Hoa Kỳ, Anh, Đức, Nhật Bản… đều chú tâm tới việc chuyển thể kịch bản từ tiểu thuyết cùng tên trứ danh của L. Tolstoy.

Đại diện tiêu biểu cho vai Anna Karenina trên màn bạc Mỹ trong những năm 1920 là nữ minh tinh người Thụy Điển Greta Garbo (1905-1990), còn vào thập niên 1940 là nữ diễn viên người Anh Vivien Leigh (1913-1967), cũng là diễn viên từng đóng cặp với nam tài tử Mỹ Clark Gable (1901-1960) trong tác phẩm điện ảnh kinh điển "Gone with the Wind" (Cuốn theo chiều gió) của Hollywood.

“Người phụ nữ giàu nhất kinh đô điện ảnh Hollywood” Elizabeth Taylor (1932-2011), lúc sinh thời từng lên tiếng trước đông đảo người hâm mộ: "Nguyện ước lớn nhất trong sự nghiệp đóng phim của tôi là được thủ vai Anna Karenina, nhằm lột tả cuộc đời bất hạnh của một người phụ nữ duyên dáng thông minh có tâm hồn cao đẹp".

Nữ diễn viên Xôviết T. Samoilova trong vai Anna Karenina.

Tại quê hương của mình, qua cuộc tuyển lựa gian nan giữa hàng nghìn ứng viên vào giữa thập niên 60, cuối cùng nữ diễn viên lừng danh của màn bạc Xôviết Tatiana Samoilova người Leningrad đã được chọn, qua nét quyến rũ đầy bí ẩn giống y nguyên tác từng "hớp hồn" bạn đọc. Riêng tại Mỹ có cả thảy hơn 30 bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết bất hủ "Anna Karenia" trong toàn bộ lịch sử của kinh đô điện ảnh Hollywood.

Cuốn phim mới nhất dài 130 phút đã ra mắt công chúng vào đầu tháng 9/2012, do nữ minh tinh 27 tuổi người Anh Keira Knightley vào vai Anna Karenina rất thành công.

Thiên truyền hình nhiều tập "Anna Karenina" được trình chiếu lần đầu tại Brazil, nơi được mệnh danh là "quê hương của thể loại phim tivi ăn khách nhất" do giới làm phim truyền hình địa phương dàn dựng, kéo dài suốt nửa cuối của năm 1966, đều đặn thu hút hàng triệu khán giả háo hức quây quanh màn ảnh nhỏ trong 5 buổi tối thường nhật của một tuần lễ.

Điều cần nói nữa là trong bảng xếp hạng nêu trên, Lev Tolstoy là văn hào duy nhất có 2 tác phẩm lọt vào "Top 10". Ngoài tiểu thuyết lãng mạn "Anna Karenina" xếp thứ nhất ra, là cuốn tiểu thuyết sử thi “Chiến tranh và Hòa bình” được xếp thứ 3


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1