Cư xử như một công dân rất quan trọng trong xu thế toàn cầu hóa

21:26:00 09/05/2014

Trong khuôn khổ chuyến đi đến Việt Nam theo lời mời của Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 9/5, Thomas L.Friedman đã có buổi giao lưu với báo giới tại Nhà xuất bản Trẻ nhân dịp tái bản lần thứ 15 cuốn sách "Thế giới phẳng" - tác phẩm thuộc hàng sách bán chạy nhất và đạt giải thưởng cuốn sách hay nhất trong năm do Financial Times và Gold Sachs Business bình chọn.

Bằng kinh nghiệm và kiến thức của nhà báo từng 3 lần đoạt giải Pulitzer cho mảng phóng sự quốc tế, bình luận và tác giả của rất nhiều cuốn sách về toàn cầu hóa: "Chiếc Lexus và cây ô liu", "Thế giới phẳng", "Nóng, phẳng, chật", "Từng là bá chủ"..., Thomas L.Friedman đã chia sẻ cởi mở, thẳng thắn về khá nhiều vấn đề quanh cuốn sách cũng như vấn đề toàn cầu hóa, kể cả những vấn đề thời sự được quan tâm nhất hiện nay tại Việt Nam.

Thomas L.Friedman cho biết, "Thế giới phẳng" được ông xuất bản lần đầu vào năm 2005 nhưng từ đó đến nay, quan niệm thế giới phẳng vẫn luôn luôn thay đổi. Sau một thời gian thấy "có những vấn đề mới và xung động mới", ông quyết định viết tiếp 2 chương bổ sung cho cuốn sách, trong đó chương thứ nhất lý giải các cá nhân trên thế giới được trao thêm quyền như thế nào, chương hai là kỷ nguyên của sự riêng tư đã chấm dứt. Bởi lẽ, một sự kiện xảy ra ở Tp.HCM, gần như ngay lập tức, người dân bên Mỹ và các quốc gia khác đều biết thông tin và có thể đưa ra chính kiến, bình luận khi thông tin được chia sẻ trên mạng. Một cá nhân cũng khó có thể bắt người khác "đừng chụp ảnh tôi vì như vậy là vi phạm sự riêng tư". Điều này, bản thân ông rất thấu hiểu. Một lần Friedman mua 4 cuốn tạp chí để đọc trong khi chờ đợi đến giờ lên máy bay, cứ nghĩ rằng không có ai xếp hàng trước mình, ông tiến lên quầy thanh toán. Bất ngờ, một phụ nữ nhảy ngay đến trước mặt, nói rằng bà đã đến trước ông. Hơn thế, bà còn khẳng định đã biết ông là Friedman và chụp ảnh. Suy nghĩ đầu tiên của ông lúc ấy là mình phải chấp nhận xin lỗi thôi, thậm chí trả tiền mua tạp chí của bà khách và năn nỉ bà đừng chụp hình để ông để đỡ phải giải quyết rắc rối không đáng có nếu lỡ bà khách kia tung hình ông lên mạng thật...

Thomas L.Friedman giao lưu với báo chí tại Tp.HCM ngày 9/5.

Khẳng định toàn cầu hóa đang mang lại rất nhiều những lợi ích tích cực nhưng Friedman cũng chia sẻ rằng, toàn cầu hóa cũng có những mặt trái, có thể mang lại những kết quả tiêu cực. Kết quả tiêu cực hay tích cực của toàn cầu hóa phụ thuộc rất nhiều vào cách ứng xử của từng người. Ông lý giải, trong xu thế toàn cầu hóa, thế giới phẳng, chỉ riêng google đã là phương tiện có thể bảo tồn văn hóa, văn chương hữu ích hơn bất cứ phương tiện nào. Công cụ google giúp người Việt ở bất cứ đâu cũng có thể tìm hiểu về Việt Nam, nghe nhạc Việt, đọc các tác phẩm văn chương Việt hàng ngày chỉ với chiếc điện thoại hoặc máy tính. Nhưng, trong thế giới phẳng và xu thế toàn cầu hóa bùng nổ, nếu bản thân bạn không mạnh thì nền văn hóa bản địa có thể bị bóp chết bởi các nền văn hóa khác một cách nhanh chóng. Mà, một đất nước không có bản sắc văn hóa sẽ bị tiêu diệt, tuyệt chủng. Hơn thế, toàn cầu hóa, thế giới phẳng đang trao quyền cho cá nhân nhiều hơn bao giờ hết. Ví dụ gần đây nhất là vụ Edward Snowden vạch trần chương trình theo dõi, nghe lén điện thoại của Mỹ...Thế giới phẳng trao quyền cho mỗi cá nhân nhiều hơn nhưng cũng được các chính phủ độc tài sử dụng để can thiệp khiến bạn cảm thấy bất an. Kết quả tác động của thế giới phẳng tích cực hay tiêu cực phụ thuộc rất lớn vào cách ứng xử, cư xử của chính mỗi người còn thể hiện ở chỗ, hiện nay, khi chúng ta đưa một nội dung nào đó lên mạng xã hội, có thể không phải qua một mạng lưới kiểm duyệt thông tin nào nhưng chúng ta cũng không có một luật sư nào bên cạnh để bảo vệ. Cách đối xử của chúng ta cũng có thể không phân biệt giữa người có vị trí cao hay thấp. Tuy nhiên, dù là trong thế giới phẳng, việc cư xử như một công dân vẫn rất quan trọng. Friedman khẳng định.

Trước câu hỏi bên ngoài nội dung chính của buổi giao lưu: ý kiến cá nhân của Thomas L.Friedman trước sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam? Friedman trả lời, ví von một cách hài hước rằng Việt Nam bên cạnh Trung Quốc như đang sống gần một con hổ lớn. Hành động của Trung Quốc cũng giống như là việc bảo rằng: Anh rất thích uống sữa nên anh sẽ uống phần sữa của anh và uống cả phần sữa của em...

Về dự định trong thời gian tới, Thomas L.Friedman cho biết, ông không chỉ viết sách về vấn đề toàn cầu hóa, về thế giới phẳng mà còn viết sách chia sẻ về cách viết bình luận - những kiến thức rất cần thiết trong xu thế bất kỳ người dân nào cũng có thể bày tỏ chính kiến, trở thành một bình luận viên, nhiếp ảnh gia không chuyên khi có thể đưa thông tin, hình ảnh, chính kiến về bất kỳ sự kiện nào đó đang xảy ra chỉ với một chiếc điện thoại thông minh như hiện nay


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1