|
Một buổi đọc sách báo ở đồn BP. |
Vào những ngày đầu tháng 5, chúng tôi có dịp trở lại thăm một số đồn BP ở cả 2 tuyến biên giới, bờ biển của tỉnh Hà Tĩnh. Tại Đồn BP Thiên Cầm, tôi được chứng kiến một buổi học tập nghiên cứu, đọc sách báo thường ngày của cán bộ, chiến sỹ và bà con ở khu vực lân cận tại phòng đọc Hồ Chí Minh. Bà Đinh Thị Cấn là người dân vùng biển ở thôn Tân Long, thị trấn Thiên Cầm, đang chăm chú đọc, tham khảo tài liệu, cho biết: Tôi đến đây để đọc sách báo, nghiên cứu các tài liệu, tiếp thu các kiến thức trong lao động sản xuất, đánh bắt và chế biến thủy hải sản... từ đó, vận dụng vào thực tiễn và truyền đạt, hướng dẫn cho bà con trong vùng phát triển kinh tế nâng cao đời sống. 2 năm trước đây, tôi là bí thư chi bộ của thôn Tân Long, hằng tuần, tôi thường đến đây đọc sách báo, để nâng cao hiểu biết cho bản thân, đồng thời tuyên tuyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho bà con trong thôn nắm và thực hiện...
Trong quá trình xây dựng văn hóa đọc cho bà con, nhân dân biên giới, Thư viện tỉnh và Phòng Chính trị, BĐBP Hà Tĩnh còn triển khai nhiều chương trình phối hợp, giao lưu có hiệu quả, lồng ghép các nội dung trao tặng sách, luân chuyển sách, báo, tạp chí để phục vụ cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên 2 tuyến biên giới, biển đảo sau những giờ lao động và công tác. Không chỉ ở phòng đọc của Đồn BP Thiên Cầm, mà tại các đồn BP trên 2 tuyến biên giới, bờ biển, ta có thể bắt gặp nhiều người say mê đọc sách với một thái độ đáng trân trọng. Đọc sách giờ đây đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của cán bộ, chiến sỹ và người dân nơi đây. Nhiều em học sinh đã trở thành người bạn thân quen với phòng đọc của đồn BP.
Thượng tá Phan Duy Vy, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh cho biết: Hiện nay, các thư viện, tủ sách ở các đồn BP trên 2 tuyến biên giới, biển đảo đã được xây dựng quy mô, có giá tủ để sách, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp; có phòng đọc riêng, bàn ghế đầy đủ, đáp ứng nhu cầu đọc sách của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên địa bàn. Hằng tuần, các đồn BP mở cửa 2 ngày cuối tuần để tạo điều kiện cho bà con và các em học sinh đến đọc, nghiên cứu tài liệu...
Thực hiện chương trình phối hợp giữa hai đơn vị, trong những năm gần đây, Thư viện tỉnh luôn tăng cường luân chuyển sách, báo tới các đồn BP nhằm phục vụ đồng bào và chiến sỹ vùng biên giới. Điều dễ nhận thấy, chương trình phối hợp đưa sách báo tới các đồn BP đã đem lại hiệu quả thiết thực, tăng cường mối đoàn kết quân dân bền chặt hơn, góp phần nâng cao văn hóa đọc cho nhân dân trên địa bàn. Thời gian qua, Thư viện tỉnh và Phòng Chính trị, BĐBP Hà Tĩnh đã xây dựng 15 thư viện, tủ sách từ Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đến các đồn BP. Mỗi thư viện, tủ sách có khoảng 1.500 đầu sách, báo, tạp chí các loại... thuộc nhiều nhóm sách và tài liệu nghiên cứu. Do đó, đã thu hút được lượng người đông đảo đến đọc sách. Việc xây dựng mô hình, hoạt động của thư viện, tủ sách ở đồn BP đã trở thành điểm sáng văn hóa, phục vụ sách báo cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, tạo thói quen đọc sách, báo cho đồng bào vùng biên giới.
Thông qua đọc sách, báo, cán bộ, chiến sỹ Biên phòng được gắn thêm một trọng trách mới "những chiến sỹ trên mặt trận văn hóa", xây dựng đồn BP trở thành "điểm sáng văn hóa vùng biên", góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ dân trí ở địa bàn biên giới. Giờ đây, bà con dân tộc thiểu số ngày càng hiểu rõ hơn các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo... từ đó, đẩy lùi các tệ nạn xã hội trên địa bàn biên giới.
"Để tiếp tục phát huy hiệu quả chương trình phối hợp, đẩy mạnh và nâng cao nhận thức cho nhân dân khu vực biên giới về văn hóa đọc, Thư viện tỉnh sẽ tiếp tục trang cấp, bổ sung các đầu sách báo mới, phân bổ sách, tài liệu phù hợp với từng tủ sách của từng vùng, từng địa bàn biên giới. Thư viện ở các đồn BP, chủ yếu tập trung vào các sách, tài liệu về kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế, giúp bà con có thêm kiến thức để áp dụng vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình..." - Bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Thư viện tỉnh Hà Tĩnh cho biết.
Có thể nói, văn hóa đọc ở các đồn BP tỉnh Hà Tĩnh đang có chiều hướng phát triển tốt và thực sự trở thành điểm sáng văn hóa, từng bước xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.