Riêng với trường hợp của nhà bác học, nhà văn I-ta-li-a Um-béc-tô Ê-cô (sinh năm 1932) khá đặc biệt khi ông xuất thân là một nhà nghiên cứu thời Trung cổ với luận án tiến sĩ về mỹ học của Thánh Tô-ma A-quy-nô - người được "thế giới" người Công giáo suy tôn là “Tiến sĩ Thiên thần” và là một trong 35 vị được Giáo hội Công giáo phong làm Tiến sĩ Hội Thánh trong khoảng thời gian hơn 2000 năm qua. Sau đó, U.Ê-cô mở rộng nghiên cứu về lý thuyết người đọc (reader theory) với công trình nổi tiếng “Tác phẩm mở” (1962) và Ký hiệu học (semiotics) với hai công trình tiêu biểu là “Lý thuyết ký hiệu học” (1976), “Ký hiệu học và triết học ngôn ngữ” (1984).
Được xem là một trong số ít học giả còn sống gây ảnh hưởng nhất ở tầm thế giới nhưng U.Ê-cô không thực sự nổi tiếng vì lĩnh vực nghiên cứu của ông khá hẹp, mang tính tiên phong nên không có nhiều người đọc. Chỉ mãi đến khi U.Ê-cô viết tiểu thuyết, ông mới trở nên nổi tiếng, ngay từ tác phẩm đầu tay là “Tên của đóa hồng” (1980). 5 tiểu thuyết sau đó của ông về cơ bản vẫn đi theo lối viết của “Tên của đóa hồng”, đó là kết hợp những yếu tố giải trí với khoa học, đa tầng nghĩa...
“Tên của đóa hồng” đã có bản dịch tiếng Việt từ rất sớm do Đặng Thu Hương dịch (NXB Trẻ, 1989) và mới nhất là bản dịch của Lê Chu Cầu (NXB Văn học, 2013). Tuy nhiên, ở Việt Nam và nhiều nơi khác, không phải người đọc nào từng đọc “Tên của đóa hồng” cũng thích tác phẩm này. Ngoài chuyện khác biệt về văn hóa, không gian và thời gian, tiểu thuyết này không phải là một cuốn tiểu thuyết dễ đọc dù cho nội dung bề mặt là một câu chuyện trinh thám ly kỳ giàu chất giải trí.
Nội dung của cuốn tiểu thuyết rất đơn giản, câu chuyện do linh mục A-sô xứ Melk hồi tưởng về 7 ngày sống trong một tu viện trên núi tại I-ta-li-a với sư huynh Uy-li-am xứ Baskerville cuối tháng 11-1327. Uy-li-am xứ Baskerville với kiến thức uyên bác và trí thông minh tuyệt đỉnh là một linh mục từng làm nhiệm vụ điều tra những kẻ dị giáo. Trước khi hai thầy trò đến tu viện thì vừa xảy ra một vụ linh mục tự tử. Và, trong một tuần lễ hai thầy trò ở trong tu viện, hàng loạt cái chết bí ẩn của các linh mục lại tiếp diễn mà nguyên nhân được cho là bị đầu độc liên quan đến thư viện đồ sộ, bí ẩn mà tu viện sở hữu. Sau hơn 500 trang sách, người đọc biết được linh mục mù từng làm thủ thư là Hóc-hê xứ Burgos là người gián tiếp gây ra cái chết cho các huynh đệ. Hóc-hê xứ Burgos là một người ngoan đạo, ông quyết liệt bảo vệ sự thiêng liêng của Thiên Chúa giáo. Là một thủ thư, ông biết trong thư viện có nhiều cuốn sách bị cho là sách của bọn dị giáo; trong đó, nguy hiểm nhất là bản sao duy nhất trên đời cuốn “Hài kịch” của triết gia Hy Lạp cổ đại A-rít-xtốt (384-322 TCN). Hóc-hê xứ Burgos cho rằng, cái hài, tiếng cười, sự châm biếm được chứng minh qua ngòi bút của một triết gia siêu việt như A-rít-xtốt sẽ khiến dân chúng không còn tin vào sự thiêng liêng và tôn nghiêm của Thiên Chúa giáo nữa; do vậy, Hóc-hê xứ Burgos đã tìm cách cất giữ cuốn sách và đề phòng những kẻ xem trộm bằng cách tẩm thuốc độc lên trên các trang giấy. Do nhiều nguyên nhân mà các tu sĩ đã chết do đọc và sao chép cuốn sách này. Kết thúc truyện, trong quá trình truy đuổi Hóc-hê xứ Burgos, Uy-li-am xứ Baskerville đã gây ra vụ cháy thiêu rụi toàn bộ tu viện!
Trở lại với vấn đề vì sao một cốt truyện trinh thám hấp dẫn kể trên lại không lôi cuốn bất cứ ai từng đọc? Lý do là U.Ê-cô cố tình viết tiểu thuyết trinh thám theo lý thuyết Ký hiệu học. Hiểu một cách chung nhất, Ký hiệu học là khoa học nghiên cứu chung của quá trình liên kết các dấu hiệu, biểu tượng... có trên đời, tạo ra một điều gì đó có ý nghĩa. Hơn 100 trang đầu, U.Ê-cô hoàn toàn là miêu tả cuộc sống khép kín của tu viện, giới thiệu một số dấu hiệu mang tính “chìa khóa” của tội ác nên thực sự không hấp dẫn lắm với những người đọc vốn quen truyện trinh thám phải có nhịp điệu nhanh, đầy cảnh máu me...
Nhưng mặt được của việc đưa lý thuyết Ký hiệu học để xây dựng tiểu thuyết của U.Ê-cô thành công mỹ mãn trên nhiều phương diện. Với “Tên của đóa hồng”, U.Ê-cô đã sáng tạo một tiểu thuyết đa nghĩa bậc nhất thời hiện đại! Không chỉ gián tiếp bàn luận các vấn đề triết lý siêu hình, phục dựng lại một góc xã hội Trung cổ sinh động, mà U.Ê-cô còn sáng tạo mô hình thư viện như là biểu tượng về thế giới khép kín thời Trung Cổ...
Như vậy, để có thể yêu thích cuốn tiểu thuyết độc đáo này cần đọc với tâm thế vừa đóng vai một người đồng thời đi phá án, vừa phải có hứng thú tìm hiểu tri thức ngồn ngộn trong cuốn sách. Đó cũng là mục tiêu của U.Ê-cô khi viết “Tên của đóa hồng” là mong muốn xây dựng những độc giả lý tưởng đọc tiểu thuyết của mình, chứ không phải chỉ đơn thuần đọc để biết ai là chủ mưu giết người.
TRẦN HOÀNG HOÀNG