Vị tướng và những đêm không ngủ
Tin tức về việc thiếu xăng ở các chiến trường và những tổn thất hy sinh để vận chuyển từng phuy xăng cho 559 hàng ngày bay về, làm cho những người chỉ huy trong Tổng hành dinh và Tổng cục Hậu cần vô cùng lo lắng. Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện, người chịu trách nhiệm trực tiếp trước Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng nhiều đêm mất ngủ. Ông đã chủ trì rất nhiều cuộc họp bàn về chiến thuật vận tải, kết hợp các phương thức vận chuyển bằng sức người, cơ giới, đường bộ, đường sông, về bảo vệ cho các đoàn xe chở xăng trên các tuyến đường. Mọi người đều cố gắng đưa ra sáng kiến. Các sáng kiến ấy đều được thực thi. Bản thân ông đã trực tiếp đi kiểm tra từng kho, từng bến phà, và cả những trọng điểm bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất. Có những nơi, để đảm bảo cho việc vận chuyển thông suốt, ông đã phải cách chức tại chỗ những cán bộ hèn nhát, vô trách nhiệm. Sự sâu sát, quyết đoán của ông đã được kể thành những giai thoại trên các cung đường. Chính những giai thoại ấy đã góp phần làm cho chỉ huy trên các tuyến vận tải không dám hời hợt. Họ kháo nhau rằng ông Thiện có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào, và có thể cách chức bất kỳ ai nếu vì vô trách nhiệm mà làm tổn thất cho tuyến vận tải. Hơn ai hết, Chủ nhiệm Đinh Đức Thiện hiểu được cái giá của mỗi phuy xăng giao cho 559. Những cán bộ của ông đi 559 về báo cáo thực trạng nghiêm trọng ở đó. Hầu hết mấy ngàn chiếc xe vận tải của Đoàn 559 không có xăng chạy. Nếu có việc khẩn cấp dùng đến xe thì phải có lệnh của Binh trạm trưởng hoặc Trung đoàn trưởng. Cũng như mọi nhiệm vụ trong công cuộc chống Mỹ cứu nước này, công tác vận chuyển và đảm bảo giao thông đâu chỉ có bộ đội. Hàng vạn Thanh niên Xung phong, Dân công hỏa tuyến có mặt trên mỗi cung đường. Biết bao người đã ngã xuống. Rồi dân dọc các tuyến đường, họ không chỉ chịu cảnh chết chóc, nhà tan cửa nát mà còn sẵn sàng dỡ nhà chống lầy cho xe qua với tinh thần “Xe chưa qua, nhà không tiếc”. Nhiều đêm ông đi đi lại lại trước tấm bản đồ cập nhật tình hình trên các tuyến vận tải chiến lược. Trọng điểm chi chít, phương tiện vận tải vợi đi rất nhanh. Tổn thất lớn quá, mà xăng chuyển lên phía trước không được bao nhiêu. Ông ước gì có trong tay một hệ thống đường ống hiện đại, có thể tháo lắp được, có thể luồn trong rừng rậm, vượt qua núi cao, thoát ly hẳn các trọng điểm đánh phá của địch.
Hiện thực hóa ước mơ
Thật may mắn. Trong một lần tham quan diễn tập của khối Vacsovi, ông đã tận mắt nhìn thấy quân đội Liên Xô triển khai tuyến đường ống dẫn dầu dã chiến. Họ triển khai trong điều kiện diễn tập hiện đại: trên trời các máy bay tiêm kích tuần tiễu bảo vệ, dưới đất là hệ thống tên lửa phòng không dày đặc, còn đường ống thì được rải bằng ô tô và cần cẩu. Với nhãn quan chiến lược và tư duy táo bạo, ông thầm reo lên: Đây rồi. Cái mình cần để đối phó với không lực Hoa Kỳ là đây rồi. Những ống này bộ đội ta vác được, chuyển từ cơ giới sang sức người được là có thể thực hiện nó theo kiểu chiến tranh nhân dân. Trở về, ông đã đề nghị Chính phủ xin Liên Xô viện trợ đường ống này. Bạn đã đồng ý viện trợ hai bộ. Mặc dù đã cảm thấy trong lòng như cất được gánh nặng, nhưng ông vẫn không khỏi băn khoăn: Điều kiện chiến tranh và phương thức tác chiến của ta khác hẳn của Liên Xô, sẽ có biết bao vấn đề chiến thuật và kỹ thuật mà mình chưa lường hết được. Nhưng ông tin ở khả năng sáng tạo của bộ đội ta. Ông đã cho thành lập ngay một đơn vị gọi là Công trường Ô100, do Đại úy Hồng làm Chỉ huy trưởng. Họ đã lên đường khảo sát tuyến ống theo Đường Hàm Nghi, vượt qua Cổng Trời, vào địa bàn hoạt động của Đoàn 559. Tuy nhiên, do địch ngăn chặn vùng Khu 4 quá ác liệt, nên ông đã báo cáo, và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đồng ý: đoạn đường ống đầu tiên sẽ giải quyết việc vận chuyển xăng tránh Tam giác lửa Vinh – Nam Đàn – Linh Cảm.
….
Gần trưa, Chủ nhiệm Tổng cục Đinh Đức Thiện xuống kiểm tra. Một cuộc họp được tổ chức ngay trong đình làng Thọ. Mặc dù Chánh Văn phòng Tổng cục báo cáo ông các thành phần mời họp đều đã đến đủ, ông vẫn hỏi lại:
- Xăng dầu, vận tải, phòng không, tác chiến đi đúng thành phần không?
- Báo cáo, họ đều là thủ trưởng cơ quan, riêng Xăng dầu có thêm đồng chí Trọng, Chỉ huy trưởng Công trường 81, đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai xây dựng đường ống.
Chủ nhiệm Tổng cục chỉ về phía những chiếc Sta đang nối nhau vào bãi dỡ hàng, mở đầu cuộc họp:
- Đây là bộ đường ống dẫn dầu dã chiến của quân đội Liên Xô. Mỗi bộ có chiều dài một trăm cây số, mười hai máy đẩy. Bộ đường ống này được Bạn dùng để bơm xăng từ hậu phương chiến dịch đến khu vực tác chiến. Mỗi lần sử dụng chỉ triển khai trong bảy đến mười ngày là tháo dỡ. Tôi đã chứng kiến Bạn triển khai hệ thống tuyến ống này trong một lần tham quan diễn tập của khối Vacsovi. Nay Bạn viện trợ cho ta, theo các đồng chí, ta nên sử dụng những bộ đường ống này sao cho hiệu quả?
Sau vài phút rì rầm trao đổi, một cánh tay giơ lên:
- Tôi đề nghị chúng ta sẽ dùng đường ống này để bơm xăng từ các toa P đến các kho xa
ga, nhất là các kho đặt trong hang, hoặc có thể bơm từ cảng biển vào các kho sâu trong đất liền.
Một ý kiến khác:
- Chúng ta đã từng làm mười cây số tuyến ống từ ga Bố Hạ đến kho MS, tuyến ống vòng tránh cầu Lai Phu và cầu Phú Lương khi hai cầu này bị đánh hỏng. Tuy tuyến có sử dụng được, nhưng kỹ thuật của ta kém nên hiệu quả không cao. Tôi cho rằng ta có thể dùng nó để chuyển tải xăng qua các trọng điểm.
Chủ nhiệm Đinh Đức Thiện hỏi lại:
- Vậy sao ta không dùng nó trên tuyến chi viện chiến lược, đặc biệt là tuyến Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh?
Người sĩ quan đáp lại một cách tự tin:
- Báo cáo Chủ nhiệm, có hai lý do khiến cho việc sử dụng đường ống trên Trường Sơn rất khó khả thi: Một là: Trong điều kiện của Bạn, hệ thống đường ống này được sử dụng dưới một ô phòng không chắc chắn. Còn tuyến chi viện chiến lược của ta, địch hoàn toàn làm chủ trên không. Hai là: Hệ thống đường ống dã chiến này dùng để tháo lắp cơ động, nếu dùng cho tuyến chi viện chiến lược lâu dài, liệu có bảo đảm kỹ thuật, nhất là khi gioăng cao su bị lão hóa?
Chủ nhiệm nhìn khắp lượt cử tọa:
- Ai có ý kiến gì khác?
Phòng họp im lặng.
- Cảm ơn các đồng chí – Chủ nhiệm chậm rãi – Trước tổn thất của chúng ta trong việc vận chuyển xăng cho tiền tuyến, tôi vẫn tâm niệm phải có tuyến đường ống như thế này. Tuy nhiên, sợ mình chưa nghĩ hết những khó khăn, hệ lụy khi sử dụng nó trong điều kiện cực kỳ ác liệt của tuyến lửa Khu 4 và đường Trường Sơn, nên tôi phải nghe cho hết ý kiến phản biện. Những khó khăn mà các đồng chí vừa nêu, tôi đều đã nghĩ tới. Giờ thì tôi đã yên tâm đưa ra chủ trương của mình: Chúng ta sẽ sử dụng bộ đường ống dã chiến này vào việc vận chuyển xăng dầu trên những vùng ác liệt nhất của tuyến chi viện chiến lược ở Khu 4 và đường Trường Sơn. Vì sao vậy? Vì đường ống dã chiến là phương thức vận chuyển hiện đại, có năng suất cao, đáp ứng được nhu cầu đánh lớn cho chiến trường. Chúng ta không có ô phòng không mạnh bảo vệ tuyến ống, nhưng mỗi ống chỉ nặng hơn 30kg, đủ cho lính ta có thể dùng sức mình lắp ống luồn lách trong rừng sâu che mắt địch. Và khi bị đánh thì với tính chất dã chiến của nó, ta có thể dễ dàng nối ống hoặc bắc tuyến vòng tránh mà địch không thể phát hiện ngay được. Đó là phần nghĩ của lãnh đạo. Còn các vấn đề cụ thể phát sinh thì các cán bộ kỹ thuật và chỉ huy đơn vị phải tìm cách khắc phục.
Tiếp đó, với thói quen khẩn trương, quyết đoán, ông giao nhiệm vụ cho từng cơ quan. Nhiệm vụ trước hết là phải tổ chức khảo sát ngay tuyến vượt qua Tam giác lửa Vinh – Nam Đàn – Linh Cảm. Triển khai huấn luyện cho các kỹ sư và thợ, nghiên cứu kỹ các vấn đề kỹ thuật cụ thể ở Việt Nam, chuẩn bị tổ chức hậu cần và các phương án hành quân.
...
Lê Trọng từng được nghe nhiều người nói về tính quyết đoán, táo bạo của Chủ nhiệm Đinh Đức Thiện, nhưng hôm nay, khi trực tiếp nghe ông nói, Lê Trọng hiểu thêm rằng ông chỉ quyết đoán khi đã phân tích mọi điều hơn thiệt. Đặc biệt, mặc dù bận trăm công ngàn việc mà ông vẫn dành thời gian đọc hết hai tập dày cộp cuốn tiểu thuyết Xa Mạc Tư Khoa để hiểu thật sâu về công tác xây dựng đường ống trong chiến tranh thì đủ biết ông không phải là một ông tướng võ biền hét ra lửa như nhiều người thường nghĩ. Một vị tướng như ông mới đủ bình tĩnh và tự tin trước sự đánh phá hủy diệt của không quân Mỹ trên mọi ngả đường chi viện cho tiền tuyến...