Việc "khó" nhất đã được khơi thông

08:00:00 16/05/2014

Để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 400 năm ngày sinh đại văn hào Miguel de Cervantes (1547-1616), tác giả bộ tiểu thuyết trứ danh "Don Quixote - nhà hiệp sĩ quý tộc tài ba xứ Mancha" (mà bạn đọc nước ta vẫn quen gọi là "Đông Ki Sốt"), ngày 28/4 vừa qua, chính quyền thành phố Mardid (Tây Ban Nha) đã đồng ý cho khởi động một kế hoạch tìm kiếm và khôi phục hài cốt của nhà văn vĩ đại này.

Chân dung tác giả bộ tiểu thuyết "Don Quixote - nhà hiệp sĩ quý tộc tài ba xứ Mancha".

Sở dĩ có quyết định nói trên là vì, sinh thời, Cervantes luôn sống trong cảnh nghèo khó, nợ nần, không mấy được người đời quan tâm. Trước khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 23/4/1616, ông yêu cầu được chôn cất trong khuôn viên tu viện Trinitarians - một tu viện nhỏ ở gần nhà (thuộc Barrio de Las Letras, Madrit), vốn dĩ là một tu viện từng hỗ trợ khoản tiền để chuộc ông khỏi cảnh tù đày khi ông bị bọn cướp biển Bắc Phi bắt giữ từ nhiều năm trước đó. Năm 1673, nhân tu viện Trinitarians được tu bổ và mở rộng, hài cốt của Cervantes được chuyển đến cất giữ tại một tu viện khác, rồi sau đó được đưa trở lại tu viện cũ. Tuy nhiên, đến giờ thì không ai biết hài cốt của nhà đại văn hào nằm ở đâu trong tu viện này…

Theo sử gia Fernando Prado, người được giao phụ trách chương trình tìm kiếm hài cốt của Cervantes thì cho đến thời điểm hiện tại, chỉ mới có 5 người từng được chôn cất tại tu viện Trinitarians. Mà theo qui định, các tu viện không được phép vứt bỏ hài cốt người quá cố cho nên sự thể dù thế nào thì hài cốt của Cervantes chắc chắn cũng vẫn nằm đâu đó trong khuôn viên tu viện này.

Dự kiến, chương trình tìm kiếm hài cốt Cervantes sẽ kéo dài từ đây tới cuối năm, bao gồm 3 công đoạn với tổng kinh phí ước tính vào khoảng 138.000 USD.

Công cuộc khai quật sẽ mở đầu bằng việc sử dụng công nghệ radar định vị để tìm kiếm các hốc ẩn trong các bức tường của tu viện cũng như quét xuống đến năm mét dưới lòng đất. Nếu hài cốt được tìm thấy, nó sẽ được chuyển tới cho các chuyên gia thực hiện việc giám định. Và khi xác định đó đúng là hài cốt của người cần tìm kiếm rồi, hài cốt của Cervantes sẽ được an táng lại tại tu viện trong một huyệt mộ, mới xứng đáng với tên tuổi và sự đóng góp lớn lao của ông.

Thoạt đầu, chương trình tìm kiếm hài cốt của Cervantes được xác định có mấy cái khó:

Cái khó thứ nhất: Kể từ năm 1921, tu viện Trinitarians được xếp hạng là di sản văn hóa của thành phố Madrid, vì vậy, kế hoạch đào xới nền đất tu viện để tìm kiếm hài cốt của Cervantes đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Phải tới gần đây, chính quyền thành phố Madrid mới đồng ý phê chuẩn việc tìm kiếm hài cốt của Cervantes trong khuôn viên tu viện Trinitarians và quyết định này đã giải tỏa một vướng mắc quan trọng nhất mà các chuyên gia đặt ra từ trước tới nay.

Cái khó thứ hai: Hiện không xác định được ai là hậu duệ của đại văn hào Miguel de Cervantes để thực hiện thao tác giám định gen.

Tuy nhiên, cũng vẫn theo nhận định của sử gia Fernando Prado, vì sinh thời, Cervantes từng bị thương ở ngực và cánh tay trái trong trận hải chiến chống quân Ottoman ở vịnh Patras (phía Tây Hy Lạp) năm 1571, ngoài ra, theo những dòng lưu bút mà Cervantes viết trước khi mất ít ngày, ông chỉ còn lại 6 chiếc răng. Tất cả những điều này sẽ giúp các chuyên gia rất nhiều trong việc xác định đâu là hài cốt của tác giả "Don Quixote…".

Không chỉ là việc tìm kiếm hài cốt Cervantes, nhân dịp này, các sử gia cũng muốn xác định đâu là nguyên nhân thực dẫn tới cái chết của ông (theo lời đồn, những năm cuối đời Cervantes là một con "sâu rượu" và ông đã chết vì bệnh xơ gan, trong khi, nghịch lý thay, đó lại là những năm tháng ông khá sung sức trong sáng tác). Các sử gia cũng muốn qua đợt khai quật này sẽ phục dựng được một bức chân dung "gần" với gương mặt thật của Cervantes hơn cả, bởi bức chân dung của ông mà chúng ta vẫn sử dụng hiện nay chỉ được một họa sĩ vẽ lại sau khi ông mất tới 20 năm


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1