1. Nhiều người cho rằng, mãi đến tận năm 2014, Trung tâm Dịch văn học mới ra đời là quá muộn. Nhận xét trên hoàn toàn chính xác, bởi lẽ gần 10 năm qua, văn học dịch ở Việt Nam bùng nổ từ những đỉnh cao văn học thế giới cho đến loại sách văn học diễm tình, kiếm hiệp... đến nỗi độc giả chăm chỉ nhất cũng không đọc kịp. Điều đáng nói là việc giới thiệu văn học nước ngoài vào Việt Nam phần lớn là do sự năng động của các công ty làm sách tư nhân; còn bản thân Hội Nhà văn Việt Nam lại không có mấy đóng góp.
Lý giải cho sự chậm trễ, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: “Sau Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ II tổ chức tại Hà Nội năm 2010, Hội Nhà văn Việt Nam đã tiến hành thử nghiệm một số công việc liên quan đến dịch văn học. Vì là công việc mới mẻ, chưa có kinh nghiệm nên Hội Nhà văn Việt Nam phải thận trọng xin ý kiến các cơ quan chức năng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Dù là trong thời gian thử nghiệm vẫn thu được một kết quả cụ thể như: Ra mắt tuyển tập văn học Thái Lan và Việt Nam có nhan đề “Bông sen nở trong dòng suối văn học” do NXB Văn học Nghệ thuật đương đại (Thái Lan) ấn hành, “Tuyển tập 175 bài thơ về độc lập và tự do của Việt Nam để an ủi hương hồn những người mất vì chiến tranh” xuất bản với ba ngôn ngữ Việt Nam, Nhật Bản, Anh... Từ đây, Hội Nhà văn Việt Nam mới đủ tự tin để Trung tâm Dịch văn học chính thức hoạt động”.
Tuy ra đời muộn, nhưng nếu biết phát huy tâm huyết và trí tuệ của những dịch giả tài năng, nhiều kinh nghiệm là các hội viên và phương pháp làm việc khoa học, lựa chọn những tác phẩm hay và tiêu biểu, nhiều người tin tưởng Trung tâm Dịch văn học sẽ có nhiều thành tựu, đặc biệt ở mảng công việc giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới mà các đơn vị làm sách tư nhân không có điều kiện để thực hiện.
|
Các nhà văn, dịch giả tặng hoa chúc mừng Trung tâm Dịch văn học ra đời. |
2. Như đã đề cập ở trên, việc xuất bản các tác phẩm lớn của văn học nước ngoài tại Việt Nam đã được các đơn vị xuất bản thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, một số tác phẩm văn học chất lượng dịch chưa cao, Hội Nhà văn Việt Nam thông qua Trung tâm Dịch văn học cần chủ động tham gia thẩm định, góp ý kiến mang tính chuyên môn để phê bình dịch thuật, nhằm nâng cao các bản dịch những tác phẩm quan trọng.
Một mảng công việc giới thiệu văn học nước ngoài mà Trung tâm Dịch văn học cần sớm bắt tay chính là dịch các tác phẩm nghiên cứu văn học. Đây là những tác phẩm kén người đọc mà các đơn vị làm sách tư nhân không mấy quan tâm do việc thu hồi vốn rất khó. Hiện nay, chỉ có NXB Tri thức và một số cá nhân, tổ chức nghiên cứu thuộc các Viện nghiên cứu hoặc trường đại học thỉnh thoảng giới thiệu nhưng không có tính hệ thống. Tầm quan trọng của các công trình nghiên cứu văn học không chỉ giúp các nhà lý luận-phê bình Việt Nam áp dụng để nghiên cứu văn học một cách sâu sắc hơn, mà còn giúp các nhà văn thử nghiệm những quan điểm tư tưởng và lối viết mới để cho ra đời các tác phẩm có giá trị nghệ thuật.
Mục tiêu chính mà Trung tâm Dịch văn học hướng tới trong thời gian tới là đẩy mạnh số lượng các tác phẩm văn học Việt Nam được giới thiệu ra thế giới. Văn học Việt Nam từ thời trung đại cho tới đương đại không thiếu những tác phẩm hay, có thể sánh với văn học khu vực và thế giới, nhưng công việc “dịch ngược” ra các ngôn ngữ quốc tế như tiếng Anh, Pháp, Trung, Tây Ban Nha, Ả Rập... rất kém, thiếu một “nhạc trưởng” chỉ huy, thay vào đó là các nhà văn hay các dịch giả “tự thân vận động” thông qua các mối quan hệ cá nhân.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm Dịch văn học cho biết một số việc cần làm ngay, đó là: “Phát triển đội ngũ dịch giả Việt Nam qua các chương trình hợp tác đào tạo với hội nhà văn các nước trên thế giới; kết nối với các tổ chức, cá nhân trên thế giới để xuất bản văn học Việt Nam ra nước ngoài; giới thiệu tác phẩm văn học Việt Nam trên các báo, tạp chí của các trường đại học, các tổ chức văn hóa ở các nước như Mỹ, Nga, Ai-len, Hàn Quốc… và đặc biệt trên Tạp chí “Hoa sen” của Hội Nhà văn Á - Phi”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết: “Về lâu về dài, Trung tâm Dịch văn học sẽ lập các dự án dịch văn học để các cơ quan chức năng thẩm định và cấp kinh phí để hỗ trợ công việc dịch và xuất bản các tác phẩm văn học Việt Nam ngay tại nước ngoài”.
Ai cũng hiểu không thể một sớm một chiều hy vọng Trung tâm Dịch văn học sẽ sớm để lại dấu ấn trong việc quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. Nhưng nếu bền bỉ làm việc với sự hỗ trợ tối đa của các cơ quan chức năng hy vọng văn học Việt Nam sẽ có một con đường đi ra thế giới một cách tươi sáng, rộng mở để bạn bè hiểu biết sâu sắc hơn văn hoc Việt Nam; qua đó, hiểu hơn vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam hôm qua và hôm nay.
Bài và ảnh: HÀM ĐAN