Nghiên cứu người thưởng thức

17:33:00 12/06/2014

QĐND - Trong giới văn nghệ nước ta, không hiếm tình trạng, sản phẩm nghệ thuật được giới thiệu trước công chúng nhưng không gây được sự chú ý của dư luận thì tác giả trả lời rằng, công chúng chưa (hoặc không) hiểu cái hay, cái đẹp tác phẩm của mình. Có khi, các nghệ sĩ trả lời là chỉ sáng tạo cho bản thân chứ không có ý định được nhiều người hiểu và chia sẻ những ý tưởng nghệ thuật trong tác phẩm.

Trường hợp đầu tiên là khi tác phẩm có tính tiên phong đi trước thời đại nên cũng có thể xảy ra trường hợp người thưởng thức cùng thời chưa lĩnh hội hết ý nghĩa và hình thức tác phẩm. Đôi khi phải trải qua vài thế hệ, giá trị tác phẩm mới được tiếp nhận sâu rộng. Ví dụ như những tranh trường phái Dã thú (Fauvism) ở Tây và một số tiểu thuyết có nhiều yếu tố tình dục của Vũ Trọng Phụng ở ta chẳng hạn. Nhưng số lượng các tác phẩm có giá trị vượt thời đại bao giờ cũng hiếm; cho nên các nghệ sĩ không nên lấy cớ người thưởng thức chưa đủ tầm để hiểu làm cái “phao” bao biện. Thay vào đó nên tự xem lại phải chăng, tác phẩm của mình còn chưa vươn đến trình độ nghệ thuật trước khi “đá quả bóng” về phía người thưởng thức?

Ở trường hợp thứ hai, lời tuyên bố "chỉ sáng tạo cho mình" rõ ràng là không thể chấp nhận được. Đành rằng, nghệ sĩ sáng tạo trước hết vì đam mê cá nhân, muốn chinh phục đỉnh cao nghệ thuật, trình bày những suy tư độc đáo của mình về thế giới và con người. Nhưng để tác phẩm được chấp nhận là đỉnh cao nghệ thuật, chứa đựng những suy tư sâu sắc phải có người thưởng thức (bao gồm nhà chuyên môn trình độ hiểu biết sâu lẫn những người dân bình thường) công nhận.

Đến đây, có người sẽ có ý kiến: Đồng ý là tác phẩm nghệ thuật cần phải có người thưởng thức nhưng nếu chạy theo thị hiếu phổ thông quá thì liệu tác phẩm có bị tầm thường hóa như mấy bài ca sến, văn chương diễm tình rẻ tiền? Vấn đề này giải quyết không khó, điều quan trọng là nằm ở ý thức của người nghệ sĩ trong sáng tạo. Nếu ngay từ khi mới khởi sinh ý tưởng về tác phẩm nghệ thuật mà anh đã nghĩ đến việc tự giải quyết một cách hài hòa giữa việc sáng tạo tác phẩm mang đậm cá tính cá nhân, có những tìm tòi nghệ thuật riêng và như vậy, vô hình trung sẽ không sa vào việc chạy theo thị hiếu tầm thường.

Ngày nay, bất cứ một sản phẩm nghệ thuật hay giải trí nào đều phải thừa nhận thực tế là không thể làm chiều lòng tất cả mọi người vì sở thích của người thưởng thức quá đa dạng. Vì vậy khi sáng tác, họ thường hướng đến một nhóm người thưởng thức nhất định, hay còn gọi là người thưởng thức lý tưởng. Như khi viết cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh điển “Tên của đóa hồng” (1980), nhà văn I-ta-li-a Um-béc-tô Ê-cô muốn viết một câu chuyện ly kỳ đằng sau những cái chết bất ngờ của các vị tu sĩ để thỏa mãn sự tò mò của độc giả muốn tìm ra thủ phạm; nhưng đồng thời, Um-béc-tô Ê-cô cài vào nhiều dữ kiện tri thức về tôn giáo, lịch sử để lựa chọn những người đọc tích cực, đọc tiểu thuyết là để thêm hiểu biết chứ không phải giải trí đơn thuần. Hiển nhiên, Um-béc-tô Ê-cô được rất nhiều khi ông có một nhóm bạn đọc không phải là nhỏ say mê cuốn tiểu thuyết hơn là nhiều người đọc nhưng lại chóng quên.

Kinh nghiệm của Um-béc-tô Ê-cô là bài học thực ra có thể áp dụng cho mọi ngành nghệ thuật chứ không riêng gì văn chương. Nghệ sĩ cần phải thực tâm sáng tạo tác phẩm để cho người thưởng thức hiểu được những gì mình gửi gắm chứ không phải là sáng tạo những thứ trên trời để một mình mình hiểu. Đồng thời, nghệ sĩ cũng cần phải nghiên cứu thị hiếu người thưởng thức, mà tin chắc rằng sẽ có thể hiểu và chia sẻ cảm nhận về tác phẩm một cách gần gũi nhất với những tâm tư của mình.

Đó là hai thái độ đúng đắn của một người nghệ sĩ vị nhân sinh!

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1