Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Một lần suýt đáo tụng đình

08:00:00 16/06/2014

Thành công trong thể loại truyện ngắn, nhưng cũng chính truyện ngắn đã suýt đưa nhà văn Sương Nguyệt Minh "đáo tụng đình". Hiện Sương Nguyệt Minh sắp đến tuổi hưu và... sắp cho ra "lò" cuốn tiểu thuyết đầu tay. Nhân dịp này, phóng viên Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với nhà văn về cái thuở ban đầu cam go ấy.

Đang làm Trưởng ban văn xuôi của Tạp chí Văn nghệ Quân đội thì một ngày đẹp giời, Sương Nguyệt Minh đưa đơn... từ chức với lý do: Tuổi đã cao nhưng sức chưa yếu nên muốn dành thời gian để sáng tác văn chương. Và anh được thỏa nguyện. Sau một năm "từ chức" anh cho ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn "Dị hương". Với kết quả 9/9 phiếu (tuyệt đối), "Dị hương" đã được xướng tên đầu tiên trong buổi công bố kết quả Giải thưởng Văn học 2010 của Hội Nhà văn Việt Nam. Thành công trong thể loại truyện ngắn, nhưng cũng chính truyện ngắn đã suýt đưa nhà văn Sương Nguyệt Minh "đáo tụng đình". Hiện Sương Nguyệt Minh sắp đến tuổi hưu và... sắp cho ra "lò" cuốn tiểu thuyết đầu tay. Nhân dịp này, phóng viên Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với nhà văn về cái thuở ban đầu cam go ấy.

- Thưa nhà văn, tôi biết anh vào nghề văn khá muộn, nhưng ngay tác phẩm đầu tay - truyện ngắn "Nỗi đau dòng họ" in ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 8/1992 đã bị hai dòng họ ở quê viết đơn… kiện ra Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Khi đó cảm giác của anh thế nào? Anh có thấy nản không?

+ Lo lắng. Thậm chí còn sợ nữa. Nhưng, nản thì không! Cho đến tận lúc này, chưa bao giờ tôi nản viết văn.

Tôi viết truyện ngắn: "Nỗi đau dòng họ" năm 1991, gửi đến 3 báo, nhưng không báo nào in, một dòng hồi âm cũng không. Phải đến tháng 5-1992, bản thảo đến tay nhà văn Nguyễn Khắc Trường và tháng 8 mới được in. In và phát hành rồi tôi bị kiện sát sạt.

Dạo ấy, lần đầu tiên trong đời tôi bị… kiện, mà lại do chính người họ Nguyễn nhà tôi và người họ Ninh ở làng kiện thì càng sợ và lo lắng. Không phải sợ ra tòa án, mình viết truyện ngắn là hư cấu nghệ thuật, chứ không phải viết phóng sự người thật việc thật, nên nếu tòa gọi thì mình sẽ… cãi bay. Nhưng lại sợ những chuyện xảy ra ở ngoài vòng pháp luật. Anh trai tôi ở quê viết thư kể tình hình căng lắm, và bảo tôi hãy khoan về làng. Từ Hà Nội về quê tôi chỉ có hơn 100 cây số, nhưng cũng phải 3 năm sau tình hình dịu đi thì tôi mới dám về làng.

Tuy nhiên, càng ngẫm thì càng thấy câu chuyện kiện cáo xa xưa ấy có màu sắc bi hài! Có ai lại đi kiện tác giả viết truyện ngắn?!

- Vâng! Vậy mà nạn nhân của các vụ án kiện tác giả văn chương cũng không chỉ riêng mình anh đâu. Anh có thể nói qua về nguyên nhân họ đâm đơn kiện anh?

+ Tôi viết câu chuyện mối thù truyền kiếp giữa dòng họ Nguyễn và dòng họ Ninh ở làng Hạ. Gia tộc tương tàn, đỉnh cao là mộ tổ họ này táng vào mộ tổ họ kia, rồi xảy ra đào mộ và chặt xương chia cho mỗi đinh một mảnh… Thêm hai cái chết nữa của cặp tình nhân bị hai dòng họ ngăn cấm trong ngùn ngụt lửa cháy, để cuối cùng hóa giải được mối thù truyền đời, cho cặp trai gái mới lớn lên của hai dòng họ yêu nhau.

Dù làng tôi là làng Côi Trì, còn trong truyện ngắn là làng Hạ; tên nhân vật, địa danh cũng không trùng với người và địa danh ở làng; nhưng người ta đọc thấy câu chuyện giống dòng họ mình, giống làng quê mình nên kiện tôi bêu diếu dòng họ, quê hương; những gì tôi tưởng tượng rồi hư cấu thì bị kiện là xuyên tạc bóp méo sự thật.

- Vụ đó nghe nói là nhà văn Khuất Quang Thụy phải xuống tận Viện Quân y 103 - nơi anh công tác, để giúp anh giải trình?

+ Không phải ông Khuất Quang Thụy giúp tôi giải trình mà yêu cầu tôi viết giải trình và hẹn lịch để tôi đến tòa soạn làm việc, bàn để tìm hướng giải quyết êm nhất, tốt nhất.

Ông Nguyễn Khắc Trường biên tập để in truyện ngắn đầu tay của tôi khi đó đã chuyển công tác về Báo Văn Nghệ, ông Khuất Quang Thụy mới nhận chức Trưởng ban Văn xuôi Tạp chí Văn nghệ Quân đội phải đứng ra giải quyết. Ông Thụy còn cho tôi xem cả đơn kiện viết tay có chữ ký của ba vị đại diện cho hai họ ở làng, sau khi phân tích truyện ngắn, kết tội tác giả, các vị ấy còn yêu cầu tòa soạn cho biết: Sương Nguyệt Minh là ai? Ở đâu? Viết truyện ngắn "Nỗi đau dòng họ" với mục đích gì? Có phải viết truyện ngắn về hai dòng họ xung đột ở làng để khơi dậy và kích động thù hận?

Ông Khuất Quang Thụy cũng hỏi tôi, đại ý là: Lấy tư liệu ở đâu? Cốt truyện và có chi tiết, nhân vật, địa danh nào trùng hợp ngẫu nhiên ở làng không?… v.v… Lúc ấy, tôi còn trẻ nên ương lắm. Tôi bảo: "Ai kiện thì cứ mặc họ kiện. Em viết truyện ngắn hư cấu chứ có phải viết phóng sự người thật việc thật đâu". Ông Khuất Quang Thụy mắng tôi, bảo: "Ai chả biết thế. Bây giờ không có cãi, không có đấu lý với người đi kiện. Việc phải làm ngay là nhã nhặn và rút lửa…".

- Cuối cùng vụ kiện tác phẩm đầu tay của anh cũng được thu xếp ổn?

+ Vâng! Y hẹn, sáng hôm sau nhà văn Hồ Phương khi ấy là Phó Tổng biên tập và nhà văn Khuất Quang Thụy tiếp tôi ở phòng khách tòa soạn. Tôi lại phải trình bày lại những gì đã viết ra giấy giải trình.

Từ giải trình của tôi, cộng với quan điểm riêng của tòa soạn để soạn thảo văn bản gửi cho hai dòng họ ở quê tôi. Đại thể là truyện ngắn "Nỗi đau dòng họ" không phải một bài phóng sự mà là tác phẩm văn học hư cấu không hề ám chỉ địa phương nào, con người nào. Đó là câu chuyện mâu thuẫn dòng họ đã và đang xảy ra ở nhiều làng quê nông thôn Bắc Bộ... vv và vv...

Nhà văn Hồ Phương có một người bạn chiến đấu mang quân hàm trung tướng, họ là đồng đội từ hồi ở Sư đoàn 308 đánh Điện Biên Phủ. Ông trung tướng cũng là người họ tôi và tôi phải xưng cháu thưa ông. Chẳng biết hai ông bàn nhau thế nào, và bằng uy tín của ông trung tướng cộng với nội dung thư tòa soạn gửi hai dòng họ ở quê tôi, cuối cùng mọi chuyện cũng thu xếp ổn thỏa.

- Người ta nói cái tài của nhà văn là viết truyện bịa mà như thật. Nhưng thật đến nỗi bị kiện thì cũng quá rắc rối. Bây giờ nếu viết lại cái truyện ngắn đầu tay đó anh có còn viết như đã viết để đến nỗi bị kiện không?

+ Ngoài một số vị của hai dòng họ ở làng tôi ra, còn một số bạn văn, bạn cùng đơn vị cũng thấy truyện ngắn "Nỗi đau dòng họ" có những nét hao hao giống dòng họ mình, giống làng quê mình. Dù có bị kiện như vậy, chứ kiện nhiều hơn nữa, căng hơn nữa thì lúc ấy tôi vẫn viết như thế, bây giờ vẫn viết như thế. Không thể khác được.

- Sau này, truyện ngắn đầu tay "Nỗi đau dòng họ" cũng không được nhắc đến nữa?

+ Khi ấy, ông Khuất Quang Thụy có nói đại ý rằng: Sau 8 tháng cuộc thi, Ban Sơ khảo nhận định: Truyện ngắn "Nỗi đau dòng họ" có thể đã chạm đến giải Ba. Chả biết ông Thụy nói thật hay động viên người mới tập tễnh vào nghề là tôi. Nhưng, sau đó thì truyện ngắn này không được đưa vào Chung khảo, cũng không đưa vào tập "Truyện ngắn hay và đoạt giải", dù ông Khuất Quang Thụy đã tường trình rằng vụ kiện đã được giải quyết rất êm, không còn chuyện gì lấn cấn nữa. Sau này, tôi in tập truyện ngắn đầu tay "Đêm làng Trọng Nhân" thì tác phẩm "Nỗi đau dòng họ" cũng bị Nhà xuất bản Quân đội nhân dân bỏ ra. Lúc ấy, tôi mới hiểu cái truyện ngắn này làm phiền nhiều người quá!

- Và hình như không lâu sau đó, chùm truyện ngắn đầu tay của anh đã đoạt giải, mở màn cho hàng loạt giải thưởng văn chương sau này của anh. Khi mới viết đã đoạt giải có làm cho anh "ảo tưởng" là viết văn quá dễ không?

+ Phải đến cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội năm 1996 thì truyện ngắn thứ 4 được in của tôi là "Bản kháng án bằng văn" mới được giải thưởng. Dù lúc đang tập tễnh viết truyện ngắn đầu tay, hay khi đã được nhiều giải thưởng văn chương thì cũng chưa bao giờ tôi thấy viết văn dễ dàng, nhàn nhã. Tôi luôn cảm thấy sáng tác văn chương là công việc cô độc, quá nhọc nhằn, khổ ải.

- Là người nhiều năm làm công tác biên tập và giám khảo nhiều cuộc thi văn chương, giảng viên thỉnh giảng Trường viết văn Nguyễn Du, anh thấy ấn tượng tác giả nào với tác phẩm đầu tay của họ?

+ Quả thật chưa có tác phẩm đầu tay của tác giả nào gây ấn tượng với tôi.

- Tôi thấy hình như ngay từ tác phẩm đầu tay "Nỗi đau dòng họ" đã định hình phong cách văn Sương Nguyệt Minh. Không biết điều đó có đúng?

+ Vâng! Rất đúng! Dạo ấy, nhà văn Hồ Phương bảo truyện ngắn của tôi có mùi có vị, truyện đầu tay nhưng đã cảm thấy rõ hình hài, cốt cách của người viết trong đó. Cho đến bây giờ, ngẫm lại, dù tôi có viết bung phá, tung tẩy, rộng mở hơn thì cái chất hiện thực - lãng mạn - kỳ ảo cũng đã có ở truyện ngắn đầu tay rồi. Dù tôi viết chuyên nghiệp hơn, dù đã cố tìm tòi, "phá phách", tự thay đổi làm mới mình, nhưng cái hương vị, hồn cốt vẫn không thoát khỏi cái truyện ngắn đầu tay "Nỗi đau dòng họ" từ hơn 20 năm trước.

- Vâng! Xin cảm ơn anh với những lời tâm sự chân thành, thẳng thắn!


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1