Thế giới ảo đầy ma lực trong truyện ngôn tình
Ra đời vào những năm cuối của thập niên 90 ở thế kỷ trước, dòng tiểu thuyết ngôn tình xuất hiện trên mạng Internet đã làm thay đổi khuynh hướng đọc của giới trẻ Trung Quốc nói riêng và của độc giả châu Á nói chung. Những câu chuyện lãng mạn đến mức không thể lãng mạn hơn, những nhân vật hoàn hảo đến tuyệt đối, sự tưởng tượng siêu phàm đến ngỡ ngàng của các tác giả đã làm say mê hàng triệu, hàng triệu bạn trẻ thuộc thế hệ 8x, 9x và hiện nay là 10x.
|
Giới trẻ Việt Nam cũng rất thích những cuốn tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc. |
Bắt đầu chỉ là việc chia sẻ những trang viết, những câu chuyện "bất chợt nghĩ ra" một cách vô tư, miễn phí, thế nhưng, khi sức hút của các tác phẩm ngôn tình được đẩy lên cao thì người ta lại tìm cách kiếm tiền bằng mọi cách. Ngoài kênh online (đóng lệ phí để đọc), bán bản quyền cho các nhà làm phim là khoản thu khổng lồ của nhiều tác giả mạng như Tân Di Ổ, Cố Mạn, Tịch Quyên, Đồng Hoa, Phỉ Ngã Tư Tồn, Lý Hâm…
Không chỉ giới trẻ Trung Quốc, độc giả trẻ Việt Nam cũng rất say mê những cuốn tiểu thuyết ngôn tình này qua việc chuyển ngữ và được xuất bản hàng loạt dù giới phê bình đánh giá, đó là những "liều thuốc độc" mộng mơ, có thể khiến người ta chìm trong thế giới ảo, có những hiểu biết sai lệch về tình yêu, về cuộc sống. So với những câu chuyện của nữ văn sĩ Đài Loan Quỳnh Dao ngày xưa, nội dung tiểu thuyết ngôn tình sướt mướt, bi lụy hơn gấp nhiều lần.
Tiểu thuyết ngôn tình đua nhau lên phim
Vốn đã được yêu thích trên mạng, sau đó xuất bản thành sách nên khi chuyển thể thành phim, nhiều tác phẩm thuộc dòng tiểu thuyết ngôn tình cũng dễ dàng tạo được sự chú ý. Sự phong phú về thể loại của tiểu thuyết ngôn tình, như xuyên không (nhân vật vượt giới hạn thời gian - không gian), cung đấu (đấu đá, tranh đoạt trong cung đình), huyền huyễn (truyện có yếu tố phép thuật, kỳ ảo), võng du (truyện miêu tả song song cuộc sống ảo trên mạng và ngoài đời thực của nhân vật)… là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư hứng thú với việc đưa chúng lên phim.
Chưa có một con số thống kê chính thức nhưng ước tính, có đến 2/5 tác phẩm tiểu thuyết ngôn tình đã đưa lên màn ảnh nhỏ. Nội dung vốn đã hấp dẫn, lại được quay rất lung linh, cùng dàn diễn viên trẻ nên những bộ phim này tạo một sức hút khó cưỡng.
|
Phim Đấu ngư (Những ngã rẻ cuộc đời). |
|
Phim Bong bóng mùa hè. |
|
Phim Thiên sơn mộ tuyết. |
Với những mối tình sến sẩm, trắc trở, người xem có thể nhắc đến Đấu ngư (Những ngã rẽ cuộc đời), chuyển thể từ Bông cúc nhỏ của Lạc Tâm; Bong bóng mùa hè; Sẽ có thiên thần thay em yêu anh của Minh Hiểu Khê; Bông hồng đêm của Thái Trí Hằng; Thất tình 33 ngày của Bào Kình Kình; Bí mật bị thời gian vùi lấp của Đồng Hoa; Không kịp nói yêu em và Thiên sơn mộ tuyết cùng của Phỉ Ngã Tư Tồn…
|
Phim Khuynh thế hoàng phi. |
|
Phim Bộ bộ kinh tâm. |
|
Phim Mỹ nhân tâm kế. |
Đặc biệt, thể loại xuyên không (vượt thời gian) và cung đấu (tranh quyền đoạt lợi chốn hậu cung) rất được các nhà làm phim yêu thích vì phim nào cũng hấp dẫn khán giả. Đó là Bộ bộ kinh tâm của tác giả Đồng Hoa; Khuynh thế hoàng phi của Mộ Dung Yên Nhi; Mỹ nhân tâm kế của Vị Ương - Trầm Phù; Đông cung của Phỉ Ngã Tư Tồn; Tú lệ giang sơn của Lý Hâm; Đại Mạc dao và Vân trung ca cùng của Đồng Hoa; Thanh cung tuyệt luyến của Thương Ly; Đế cẩm của Mộc Phi…
|
Phim điện ảnh Cô gái năm xưa chúng ta từng theo đuổi. |
|
Phim Anh có thích nước Mỹ không? |
Ngoài phim truyền hình, tiểu thuyết ngôn tình cũng được đưa lên màn ảnh rộng mà thành công nhất là Cô gái năm xưa chúng ta từng theo đuổi của tác giả người Đài Loan Cửu Bả Đao và Anh có thích nước Mỹ không? của Tân Di Ổ. Nếu như tác phẩm trước đã lăng xê thành công nhiều gương mặt mới, trong đó có nàng Tiểu Long Nữ 2014 Trần Nghiên Hy, thì với bộ phim sau, Tiểu Yến Tử - Triệu Vy đã ghi tên mình vào danh sách những đạo diễn nữ có phim đạt doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Hoa ngữ.