|
Minh họa của họa sĩ Đỗ Dũng. |
Tên thật: Phạm Thị Xuân Ban
Sinh năm 1961 tại Nam Định.
Tốt nghiệp Khoa Sinh, Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1982. Tốt nghiệp Khóa 4 Trường Viết văn Nguyễn Du. Từng là giảng viên trường Cao đẳng Y tế Nam Định, giảng viên Đại học Y Thái Bình. Hiện là Trưởng ban biên tập báo cuối tuần, Báo Giáo dục và Thời đại.
Đã in 15 đầu sách.
Dân tộc tôi rất thích thơ ca. Đó là một thứ văn hóa quý giá không phải dân tộc nào cũng có. Chính vì vậy nền thơ ca của dân tộc tôi rất phát triển. Tôi có một người bạn tên là XXY. Anh đã có một nghề nghiệp rất tốt để có thể nuôi sống cả gia đình mình. Anh còn được mời ra nước ngoài làm chuyên gia. Vậy mà trong câu chuyện của anh vẫn có một niềm nuối tiếc. Ấy là anh không biết làm thơ. Vì anh không biết làm thơ nên anh coi những nhà thơ như thần thánh. Và tất nhiên đại thi hào dân tộc Nguyễn Du là thần tượng của anh. Anh không thuộc hết tất cả những câu thơ trong “Truyện Kiều”. Anh chỉ thuộc ít thôi nhưng những câu thơ anh lảy đều rất phù hợp với cuộc sống anh đang trải qua.
Một hôm anh đến gặp tôi, mặt hớn hở. Anh bảo:
- Tôi đã biết làm thơ rồi.
- Thế à? Vậy anh đọc đi.
- Tôi đọc nhé. Bài thơ của tôi có tựa đề là: Nhỏ và To.
Một đất nước nhỏ có cái thủ đô to.
Trong thủ đô to có con đường nhỏ.
Trên con đường nhỏ có những biệt thự to.
Trong biệt thự to có cô vợ nhỏ.
Cô vợ nhỏ dành cho ông quan to.
Ông quan to xách cái cặp nhỏ.
Trong cái cặp nhỏ có dự án to.
Dự án to nhưng hiệu quả rất nhỏ.
Hiệu quả nhỏ vì thất thoát to.
Thất thoát to nhưng chỉ là lỗi nhỏ.
Lỗi rất nhỏ nhưng mất lòng tin to.
Tôi vỗ đùi đét một cái rồi khoái trá kêu to:
- Hay, hay quá! Thơ cậu đúng là tuyệt thật!
XXY cảm động lắm. Sau rồi mới thủng thẳng kể cho tôi nghe:
- Tôi hay lên mạng đọc báo mạng. Tôi đọc được ý kiến của một người thấy hay quá. Tôi mới ứng khẩu thành thơ luôn.
Tôi bảo với XXY rằng:
- Để tôi đưa lên mạng cho anh. Tôi cũng sẽ nói rõ xuất xứ bài thơ của anh. Cũng giống như “Truyện Kiều” của Nguyễn Du vậy thôi, từ văn xuôi ông chuyển qua thơ vậy. Xét về mặt bản quyền thì chả ai lấy của ai cái gì đúng không?
- Vâng, vậy thì nhờ anh.
Tôi chép lại bài thơ của XXY và viết lại xuất xứ bài thơ như sau: Lang thang trên mạng tôi thấy ý kiến của một bạn đọc hay quá, tôi bèn sắp xếp câu chữ lại thành bài thơ này. Vậy tôi, XXY và tác giả ý kiến kia sẽ là đồng tác giả bài thơ “Nhỏ và To”. Rồi tôi gửi cho một trang báo mạng. Chỉ nửa tiếng sau thì bài thơ của XXY được đưa lên. XXY ngồi đọc lại bài thơ của mình mà nước mắt tràn mi vì cảm động. Còn tôi, một nhà báo cáo già kỳ cựu thì cũng bồi hồi xúc động. Quả tình bài thơ kia, xét về mặt cấu tứ, chữ nghĩa thì chả có gì đáng nói cả. Rất xoàng. Nhưng nó hay về mặt thực tế. Nó đúc kết quá hay cái thời anh sống tôi sống chúng ta đang sống. Bài thơ vừa làm xong mà đã thành di sản. Di sản văn hóa phi vật thể, một thứ rất đặc trưng của dân tộc tôi.
Ngày hôm sau XXY gọi điện cho tôi:
- Ông bác ơi, không thấy cái bài thơ của em đâu nữa.
Tôi vào ngay trang báo mạng đó. Quả tình là bài thơ đã bị gỡ xuống. Tôi có quen tổng biên tập của tờ báo mạng này. Tôi nhấc máy điện thoại cho vị tổng biên tập hỏi:
- Sao vậy, bài thơ có vấn đề gì mà phải gỡ xuống vậy?
- Cư dân mạng họ phản đối dữ quá. Họ bảo không thể đồng tác giả như cậu viết được.
- Có nghĩa là không thể lấy ý kiến bạn đọc để làm thơ, hay là không thể bắt chước Nguyễn Du, từ văn xuôi viết thành thơ được?
- Cậu hỏi khó quá làm sao tôi trả lời cậu được. Cậu dư biết hơn ai hết là cái vạ vịt của văn chương, chết đấy mà có bao giờ biết được mình chết bởi cái gì đâu. Vấn đề nhậy cảm lắm cậu ạ! Cậu phải thông cảm với chúng tớ chứ. Các cậu viết được bài báo hay, các cậu sướng, độc giả sướng còn chúng tớ thì lo sốt vó. Khổ lắm!
- Thôi ông không phải nói nữa. Tôi biết rồi. May tôi cũng nhanh tay save được rồi. Để còn lấy làm bằng chứng cho XXY. Tôi đố ai dám nhận là tác giả của bài thơ đó đấy ngoài XXY.
- Vâng, thì có ai tranh quyền tác giả với ông XXY ấy đâu. Có điều là bảo phải gỡ xuống thì gỡ xuống thôi.
Tôi không nói với XXY câu chuyện tôi trao đổi với tổng biên tập. Nói rồi anh ấy sợ quá mà hết hứng làm thơ.
Tò he
Bao giờ hội làng cũng có tò he. Tò he được làm bằng bột gạo nhuộm xanh đỏ tím vàng. Người nặn tò he vô cùng khéo tay hoặc là do quen tay cũng được. Chỉ mấy động tác mà vài phút sau đã có một ông Quan Công hoặc là Ngộ Không với cái gậy thiết bảng nhảy nhót đi lấy kinh cùng Đường Tăng. Hoặc là một bông hồng hồng hàm tiếu. Ngày ăn uống còn thiếu trẻ con mua tò he chơi xong còn ăn luôn. Cái trò tò he này trẻ con mê lắm nhưng bà tôi lại hay bĩu môi khi nói: Như cái tò he.
Năm nay thành phố mở lễ hội hoa trên một đoạn phố quanh Bờ Hồ. Trẻ con mà được chứng kiến cảnh chuẩn bị lễ hội chắc sẽ sung sướng vô cùng. Những gian hàng be bé. Những con đê xanh xanh be bé. Những cái lu nước be bé trên con đường vốn be bé được ngăn ra một chỗ be bé. Trên cái không gian be bé đó người ta để hai con rồng bằng hoa hồng môn to tướng và chiếc quạt nan to tướng. Hai sản phẩm này đăng ký để ghi vào sách kỷ lục nước nhà về độ to tướng. Ngoài hai sản phẩm to tướng đó còn một cái sân khấu và cơ man nào là hoa từ tứ phương đổ về. Đường đi lối lại giữa những chậu hoa cây cảnh be bé như chỉ để cho bướm bay rập rờn.
Lễ hội khai mở người đổ đến như lũ quét. Quét một trận bầm giập hết những cánh hoa. Trốc lở hết cả vẩy rồng. Người ta còn a la xô như cái thời cướp kho thóc của Nhật. Hoa đẹp nhưng không ăn được nên khi ra khỏi hội hoa họ vứt ngay những bông hoa họ vừa hái trộm được. Có kẻ mạnh tay còn dám bê nguyên cả chậu hoa. Ra khỏi đám đông bê chậu hoa lên cao ngang mặt rồi buông tay. Chậu vỡ tan tành, đất bắn tung tóe, cây hoa gãy thành mấy khúc.
Sau lễ hội hoa người ta kinh hoàng. Kinh hoàng vì nỗi lòng người hôm nay. Bao nhiêu khẩu hiệu hay ho như vậy mà sao lòng người vẫn xấu xa thế. Người ta mới đi tìm hiểu nguyên nhân. Rồi người ta đau lòng cho văn hóa xuống cấp của người thủ đô nức tiếng xưa nay. “Không thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.
Một hôm tôi ngồi lê la nghe chuyện vỉa hè. Tôi nghe được hai ông vừa đánh cờ tướng với nhau vừa nói chuyện:
- Ông ạ! Theo tôi có hai nguyên nhân sau đây. Một là: Ông có còn nhớ cái thời chiến tranh Liên Xô người ta viện trợ hàng hóa cho mình, trên thùng hàng có ghi chữ CCCP. Ông có biết dân ta học dịch thế nào không. Họ dịch là các cô cứ phá, các chú cứ phá, các cháu cứ phá. Cái phá đấy nó ăn vào máu dân ta rồi. Hai là: Đất này đâu phải là của người Hà Nội nữa mà dân tứ xứ rồi. Ông có nhớ cái thời xưa trẻ con nó đọc. Ma cà bông ma cà cúi lúi húi vườn hoa, ông cẩm bắt được hỏi nhà mày đâu, nhà tao ở gốc cây dâu, ở trên cây khế biết đâu là tìm.
- Ông nói chí đúng. Nhưng theo tôi còn hai nguyên nhân nữa ông ạ! Một là, cái trò tò he thì chỉ đến vậy được thôi. Hai là, trên bất chính thì hạ tắc loạn ông nhỉ!
Bấy giờ thì tôi mới hiểu cái cách bà tôi bĩu môi khi nói về cái trò tò he. Bà tôi mất rồi nên bà tôi không thể biết được rằng cái trò tò he này người ta đã tiêu tốn của dân những 3 tỉ đồng. Ba tỉ đồng bà ạ! Cuộc đời một người nông dân như bà không thể biết được sự dài rộng của ba tỉ đồng lớn đến thế nào đâu.
Khi lòng tốt không được đặt đúng chỗ
Mùng 2 Tết Dương Xuân đưa con gái vào đền thờ Chu Văn An để xin chữ. Năm nay con gái thị thi tốt nghiệp lớp 12. Đền thờ đông người. Đất này dân sính chữ. Bởi chữ bây giờ cũng làm ra tiền. Chữ còn làm sang cho con người nữa. Hai mẹ con Dương Xuân chen vào bàn đặt lễ. Bỗng nhiên tim Dương thị như ngừng đập. Tai thị ù lên. Đầu thị bốc khói mù mịt. Mồm thị khô khốc. Trên cái bàn đặt lễ trống trơn. Vì sao cái bàn đặt lễ lại trống trơn? Đây là sự khác biệt lớn với các chùa chiền ở nơi đây. Các chùa chiền thì trong những ngày đầu năm đầy ắp lễ vật, không còn một chỗ trống để mà đặt lễ vật. Lễ vật của người nọ đặt chồng lên của người kia. Vì thế mà đã có những vụ đánh chửi nhau. Người bị người kia đặt lễ vật lên trên lễ vật của mình chửi rằng: Lễ vật tầm thường của mày mà dám đặt lên trên lẽ vật của tao à? Để các ngài lại nhầm tưởng rằng lễ vật của tao tầm thường như của mày à? Người kia cãi rằng: Sao mày dám bảo lễ vật của tao là tầm thường. Chính lễ vật của mày mới tầm thường không đáng được dâng lên cho các quan ngài. Thế rồi thành đám chửi nhau to. Có khi còn đánh nhau nữa. Ở đền thờ này người ta không dâng lễ vật. Khi còn sống ông đã từ quan về ở ẩn nên khi chết ông đâu cần lễ vật. Vì thế người ta không dâng lễ vật chỉ để một chút tiền vào hòm công đức để thủ từ nhang khói quanh năm.
Cái bàn lễ vật trống trơn lễ vật nhưng lại lù lù một cái ví. Dương Xuân định kêu to: Cái ví của ai để quên. Nhưng mồm thị không mở ra được. Thị nhìn những người xung quanh. Không ai để mắt tới cái bàn đặt lễ cả. Họ đang hướng cả vào ngai của Ngài để cầu khấn. Dương thị áp sát vào cái bàn đặt lễ. Thị rút trong túi một tờ tiền để lên bàn. Rồi như tiện tay cầm luôn chiếc ví của mình để cạnh đấy. Dương Xuân không còn lòng dạ nào để mà khấn vái nữa. Thị lủi ra ngoài định bụng tìm ban tổ chức. Bỗng có một kẻ xông đến bên Dương thị chỏ tay vào cái ví thị đang cầm trên tay nói gằn giọng nhưng không quát to: Mụ kia sao dám móc ví của ta. Dương Xuân đờ người nhưng lại không lạc vía. Thị nhìn vào mặt cái người đang chỉ tay. Cái mặt người đàn ông đó trông chẳng tử tế gì. Dương Xuân hỏi: Ví nào của anh, anh đi với tôi ra ban tổ chức phân rõ phải trái. Người đàn ông nghe nói đến ban tổ chức bèn lủi mất.
Con gái Dương Xuân chứng kiến câu chuyện bèn cự mẹ: Mẹ lấy ví của người ta à? Dương Xuân hỏi lại con gái: Con thấy mẹ giống kẻ trộm lắm à? Con gái không trả lời hỏi lại: Mẹ lấy ví của người ta à? Dương Xuân bảo con gái: Mẹ con mình sẽ ra ban tổ chức để giao lại cái ví này. Bây giờ con cầm lấy cái ví mở nó ra đi. Mẹ tin chắc là trong ví không còn tiền nữa đâu nhưng sẽ còn giấy tờ của người mất ví. Ta sẽ đến ban tổ chức để giao cho họ, họ sẽ trả lại người mất. Giấy tờ quan trọng hơn tiền bạc nhiều con ạ. Con gái Dương Xuân mở ví ra theo lời mẹ. Trong ví chỉ có 7.000 đồng tiền lẻ, không có giấy tờ nào. Dương Xuân bảo con gái: Con cầm tiền bỏ vào hòm công đức đi, rồi vứt cái ví đi. Bọn trộm nó ranh ma rồi, nó lấy luôn cả giấy tờ để kiếm tiền chuộc. Con gái Dương Xuân lẩm bẩm: Mẹ chỉ hay làm những chuyện dại dột. Nếu lúc nãy là người mất ví thật người ta cứ đổ cho mẹ ăn cắp thì sao. Dương Xuân nghĩ ngợi thấy con mình nói đúng quá. Không biết Ngài có chứng giám cho tấm lòng của Dương Xuân hay không. Chứ quả là Dương Xuân không có lòng tham. Chỉ sợ người khác có lòng tham. Nhiều bận Dương Xuân nhặt được ví tiền của người khác, có nguyên cả giấy tờ với mấy triệu đồng. Dương Xuân gọi đến trả, được mấy lời cám ơn. Dương Xuân vui lắm!