Sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh – một vùng quê địa linh nhân kiệt, nhưng Nguyễn Quốc Trung lại gắn bó và lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh. Đất và người phương Nam dường như ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp mà ông chọn. Trong văn ông có giọng điệu ngôn ngữ mang sắc thái Nam Bộ. Tác phẩm đầu tay là truyện ngắn “Những tia chớp phía chân trời”, viết về những người lính ở biên giới Tây Nam. Truyện được giải Báo Sài Gòn Giải phóng. Trong thời kì làm nghĩa vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, ông có hai tác phẩm “Đất không đổi màu” và “Người đàn bà khát nước”, đưa ông tới đỉnh cao là Giải thưởng Văn học sông Mê Kông.
Nhà văn Nguyễn Quốc Trung.
Trở về sống ở Sài Gòn, ông viết về đề tài đô thị. Truyện ngắn “Dời nhà lên phố” viết về những người nông dân bị mất ruộng đất do đô thị hóa. Người nông dân khi mất ruộng đất dẫn tới tha hóa, đó là tư tưởng của truyện. Truyện này đoạt giải truyện hay Báo Văn nghệ và được đông đảo bạn đọc khen ngợi, đã dựng thành phim. Viết về sự suy thoái, bản chất của người lính cách mạng như tập truyện ngắn “Người đàn bà hồn nhiên”. Trong đó, có những truyện hay như “Nơi tận cùng của cõi người”; “Đêm Tháp Mười”. Tập truyện “Trong tiết thanh minh” gồm các truyện “Cú điện thoại lúc nửa đêm”; “Cơn giông trái mùa”; “Chuyện tình cuối mùa”.
Sự chuyển động của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam mấy thập kỉ qua được nhà văn Nguyễn Quốc Trung nghiên cứu kĩ để phản ảnh qua các tiểu thuyết “Người trong cõi người”, “Dòng kênh bên chùa”. Nhân vật trong các tác phẩm tiêu biểu cho tính cách Nam Bộ, dám nghĩ dám làm, cho dù đối mặt với thất bại họ vẫn không nản chí. Những con người vượt qua tầm người thông thường. Và chính họ góp phần thành công cho công cuộc xây dựng đất nước hôm nay. Lịch sử được tái hiện qua tác phẩm “Dòng kênh bên chùa” chính là viết những số phận người dân bên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, những năm chiến tranh họ dạt từ các miền quê lên bám bíu bên con kênh này. Họ phải sống vạ vật, kiếm sống bằng các nghề không ra nghề, đói khổ, thất học, nhiều người tha hóa. Sau giải phóng, cuộc đời họ thay đổi, một số trở về quê cũ, người được lên sống các khu tái định cư, con cái được học hành trở thành trí thức… Đây là tác phẩm mang tính sử thi của TP Hồ Chí Minh trong nửa sau thế kỉ hai mươi và hôm nay.
Từ tiểu thuyết đến truyện ngắn của Nguyễn Quốc Trung, các nhân vật đều có cuộc sống riêng, nhiều lúc dị biệt, như làm nghề đạo tì, chôn người chết, lượm ve chai, nhưng trong mỗi người đều có mảng sáng nhân hậu, muốn vươn lên để vượt qua đói nghèo, sự tầm thường của kiếp nhân sinh. Đặc biệt là tiểu thuyết, ông thành công với nhiều nhân vật độc đáo, tiêu biểu cho nhiều hạng người.
“Con người đó qua chiến tranh nhưng ám ảnh về chiến tranh vẫn còn và cũng như đất nước ta dù là qua chiến tranh nhưng mà những hiểm họa của một cuộc chiến tranh xâm lược vẫn còn. Bài học của chiến tranh không bao giờ cũ, bây giờ tình hình Biển Đông như thế thì biên giới phức tạp nên những nhà văn vẫn đề cập tới chiến tranh. Cái bài học của chiến tranh để bảo vệ đất nước, nâng cao tinh thần cảnh giác của người Việt Nam” – ông chia sẻ.
Vừa qua, Nguyễn Quốc Trung trở lại Phước Long, nơi diễn ra chiến dịch khởi đầu mùa Xuân năm 1975. Ông hoàn thành tiểu thuyết “Hội ngộ Phước Long”. Sau gần bốn mươi năm kể từ khi đất nước thống nhất, những người từ hai phía đã hội tụ về vùng đất trước đây trong một đám giỗ họ tộc. Tuy buổi đầu họ còn có xa cách, mặc cảm nhưng tình máu mủ, tình dân trong một nước đang đứng trước sự đe dọa của ngoại bang, họ có chung tiếng nói. Tiểu thuyết này là lời nhắn gửi sự hòa hợp, sự bao dung để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nguyễn Quốc Trung là nhà văn làm việc không ngừng. Sống giữa đô thị náo nhiệt nhưng ông đã tách mình ra để làm việc, để sáng tác. Chính điều đó là phẩm chất của nhà văn và ông đã thành công
Bài và ảnh Nguyễn Tình