Về mặt định dạng, văn học luôn được xem như một phiên bản lịch sử của một đất nước. Việt Nam đi lên từ văn minh nông nghiệp, vì vậy để hiểu Việt Nam thật thấu đáo thì không thể không soi rọi vào những trang văn về đề tài nông thôn. Quá trình đô thị hóa gay gắt chừng nào, thì phẩm chất nông dân hiện rõ ra chừng ấy, giúp cảm hứng văn học được dịp thăng hoa!
Không phải bây giờ chúng ta mới bàn đến mối quan hệ giữa văn học và nông thôn, mà chính nông thôn Việt Nam đã là nơi phát tích văn học Việt Nam. Từ những sáng tác truyền miệng trong dân gian, chúng ta đã có những bản ca dao độc đáo. Kinh nghiệm thiên văn được lồng ghép tình cảm đôi lứa: “Sao Tua chín cái nằm kề. Thương em từ thuở mẹ về với cha. Sao Vua sáu cái nằm xa. Thương em từ thuở người ra người vào” hay tâm tư cẩn thận được nâng lên thành lễ nghi ứng xử: “Đố ai đếm lúa mấy cây. Đếm sông mấy khúc, đếm mây mấy tầng. Đố ai quét sạch lá rừng. Để tôi khuyên gió, gió đừng rung cây”. Nói không ngoa, nếu dịch sang những ngôn ngữ quốc tế, thì các bản ca dao kể trên không hề thua kém bất kỳ bài thơ lừng lẫy nào ở phương Đông lẫn phương Tây!
Ngoài ca dao, nông thôn mang đến cho văn học cả một kho tàng tục ngữ, thành ngữ, điển tích, truyện cổ… có thể khai thác lâu dài. Hơn thế nữa, những chuyển động từng ngày, từng giờ của nông thôn còn mang đến cho văn học nhiều câu chuyện kỳ thú, nhiều số phận lấp lánh, nhiều mảnh đời phi thường. Nhờ vẻ đẹp nông thôn, Bàng Bá Lân có “Hỡi cô tát nước bên đàng. Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”, Á Nam Trần Tuấn Khải có “Anh đi anh nhớ quê nhà. Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”, còn Nguyễn Bính có “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông. Một người chín nhớ mười mong một người”.
Thành tựu thơ viết về nông thôn không bao giờ vơi cạn, đó là điều chắc chắn. Vậy những thể loại văn chương khác như truyện ngắn, như tiểu thuyết thì sao? Những tác giả xuất thân từ nông thôn và biết cách yêu lấy nơi chôn nhau cắt rốn của mình thì đều có thành công nhất định. Những tác giả không được sinh ra nơi bờ xôi ruộng mật, nhưng trân trọng lũy tre gốc rạ cũng có được những tác phẩm trứ danh. Thế kỷ 20, vẻ đẹp nông thôn cộng hưởng vẻ đẹp cách mạng, đã sản sinh một loạt văn tài. Miền Bắc có Ngô Tất Tố, Nam Cao, Kim Lân… Miền Trung và Tây Nguyên có Võ Hồng, Phan Tứ, Nguyên Ngọc… Miền Nam có Nguyễn Thi, Hoàng Văn Bổn, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng…
Chỉ tính riêng thể loại tiểu thuyết, trong vòng 30 năm, từ 1945 đến 1975 đã có hàng loạt tiểu thuyết viết về nông thôn Việt Nam giữa bối cảnh lao động và chiến đấu như: “Bếp lửa đỏ” của Nguyễn Văn Bổng, “Đất chuyển” của Nguyễn Khắc Thứ, “Cái sân gạch” và “Vụ lúa chiêm” của Đào Vũ, “Những người cùng làng” của Vũ Cao, “Bám đất” của Vân An, “Mở đất” của Khái Hùng, “Quê mới” của Dân Hồng, “Cửa sông” của Nguyễn Minh Châu, “Thôn ven đường” của Xuân Thiều, “Vùng cao” của Đỗ Quang Tiến, “Không chịu sống quỳ” của Nguyễn Hải Trừng, “Vùng quê yên tĩnh” của Nguyễn Kiên, “Đất trong làng” của Đinh Quang Nhã, “Đất mặn” của Chu Văn… Thậm chí có những tiểu thuyết không chỉ phản ánh không gian nông thôn một cách chung chung mà còn có những cái nhìn cận cảnh vào từng lĩnh vực, từng ngành nghề. Ví dụ “Ao làng” của Ngô Ngọc Bội viết về mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình hợp tác hóa nông nghiệp, còn “Bạch đàn” của Lê Phương viết về những người tiên phong trong công cuộc phủ xanh đồi trọc ở một lâm trường.
Ở đây, xin phân tích kỹ hơn một chút về văn học lấy bối cảnh vùng nông thôn Nam bộ vừa khai phá mấy trăm năm. Sự dị biệt giữa miền đất đỏ Đông Nam bộ và miền sông nước Tây Nam bộ đã xuất hiện những nét đặc sắc riêng trong văn học. Cảnh vật và con người Tây Nam bộ trong “Đất rừng phương Nam” và “Cá bống mú” của Đoàn Giỏi hoặc “Chim quyên xuống đất” và “Xóm Bầu Láng” của Sơn Nam hoàn toàn có cái duyên khác hẳn cảnh vật và con người Đông Nam bộ trong “Cỏ mọn hoa hèn” và “Nắng bên kia làng” của Lý Văn Sâm hoặc “Rừng mắm” và “Đò dọc” của Bình Nguyên Lộc! Đây là một ưu điểm của sáng tạo văn học, giúp phân định và gìn giữ sự đa dạng của nền văn hóa Việt Nam!
Trong thế kỷ 20, hầu như không có nhà văn nổi tiếng nào không viết về nông thôn. Có thể cũng do bối cảnh xã hội lúc ấy đô thị bị tạm chiếm hoặc đô thị còn nhỏ hẹp. Thế nhưng, quan trọng là các nhà văn đã bám chặt thực tế nông thôn để sáng tác. Nếu như tiểu thuyết “Bốn năm sau” viết năm 1959 của Nguyễn Huy Tưởng đề cập đến chuyện bộ đội về lại chiến trường Điện Biên để làm nông nghiệp với chia sẻ sâu sắc về khó khăn của người cầm cày cũng không thua gì gian nan của người cầm súng, thì tiểu thuyết “Chủ tịch huyện” viết năm 1972 của Nguyễn Khải lại băn khoăn làm sao xây dựng con người văn minh sau lũy tre thân thiện khi bom đạn chấm dứt!
|
Giới cầm bút có quyền tự hào đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển nông thôn. Bởi lẽ, có không ít nhà văn mà tác phẩm của họ chiếu rọi khá đầy đủ một giai đoạn lịch sử của làng quê Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Công Hoan có thể xem như một trường hợp tiêu biểu. Cuộc đời 74 năm của Nguyễn Công Hoan từ tác phẩm đầu tay “Kiếp hồng nhan” cho đến khi qua đời năm 1977, đã mang đến cho công chúng hàng loạt truyện ngắn và tiểu thuyết sinh động về nông thôn. Bên cạnh tác phẩm “Bước đường cùng” xuất sắc với bút pháp hiện thực phê phán, Nguyễn Công Hoa chủ tâm lột trần sự hà hiếp của địa chủ với nông dân qua tác phẩm “Ông chủ” viết năm 1935 và tác phẩm “Nông dân và địa chủ” viết năm 1955. Ngoài ra, thân phận người nông dân còn được Nguyễn Công Hoan dày công thể hiện qua tác phẩm “Tranh tối tranh sáng” viết năm 1956 và tác phẩm “Hỗn canh hỗn cư” viết năm 1961.
Dẫu muốn dẫu không, chúng ta vẫn phải thừa nhận: nông thôn đang bị thử thách bởi công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nông thôn hôm nay đã khác với nông thôn thời Lê Lựu viết “Thời xa vắng”, thời Dương Hướng viết “Bến không chồng”, thời Nguyễn Khắc Trường viết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” hoặc thời Đào Thắng viết “Dòng sông mía”. Viết về nông thôn hôm nay phải mổ xẻ được những hoài nghi và những mất mát trong cuộc vật lộn không ngơi nghỉ giữa cái thiện và cái ác, giữa cái đôn hậu muôn đời và cái ranh ma bột phát. Nếu cứ tô hồng thì không thể thấy hết diện mạo nông thôn chứa đựng từng niềm vui nỗi buồn của nông dân cần cù và lam lũ. Vì sao Mạc Ngôn được trao giải Nobel văn học? Không hề có cải tiến bút pháp, cũng không hề phô diễn xã hội xa hoa phù phiếm, Mạc Ngôn tập trung viết về nông thôn Trung Quốc để cảnh báo với nhân loại rằng, nơi nào càng tăm tối thì nhân phẩm càng dễ bị vùi dập! Cho nên, người Việt Nam cần dùng ánh mắt thiện chí để nhìn nhận cụ thể tiến trình thay đổi đau đớn nhằm vươn lên của nông thôn trong sáng tác văn học. Theo thời gian, tiến trình ấy được thể hiện qua “Mười năm” của Tô Hoài viết về vùng ngoại ô Hà Nội đến “Cái đêm hôm ấy đêm gì” của Phùng Gia Lộc viết về vùng quê nghèo Thanh Hóa, và đến “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư viết về vùng tràm đước Cà Mau.
Trách nhiệm với nông thôn, không chỉ đòi hỏi tài năng mà còn đòi hỏi bản lĩnh của nhà văn. Nhà văn Sao Mai và nhà văn Vũ Bão đều rất gắn bó với nông thôn, khi sự kiện cải cách ruộng đất diễn ra gây nhiều hệ lụy cho nông dân thì không hẹn mà hai ông đều lên tiếng cảnh tỉnh: Sao Mai viết “Thôn Bầu thắc mắc” còn Vũ Bão viết “Sắp cưới”. Dũng khí này của hai ông càng đáng trân trọng khi sau đó công chúng vẫn được đọc thêm những tác phẩm ấm áp hơn của hai ông viết về nông thôn như “Làng cao” của Sao Mai và “Mãi cùng bến đò” của Vũ Bão.
Nếu so với văn học nước ngoài, thì tác giả Việt Nam viết về đô thị chỉ nằm ở dạng “tỏ ra nguy hiểm” mà thôi. Khi và chỉ khi nhúng bút vào đời sống nông thôn thì tài năng của văn học Việt Nam mới được hiển lộ đầy đủ.
Sài Gòn, 5-2014