Murakami sắp có tác phẩm mới: 'Tsukuru vô sắc'?

10:00:00 25/06/2014

Ít có nhà văn nào như Haruki Murakami - hầu như mỗi tác phẩm mới của ông đều được người đọc khắp thế giới chờ đợi và nhắc tới kể cả dù nó chưa được dịch và ấn hành bằng tiếng của nước mình.

Tsukuru vô sắc và những năm hành hương của chàng(tạm dịch từ Colorless Tsukuru Tazaki and His Years of Pilgrimage (色彩を持たない多崎つくると、彼の巡礼の年) tên một tác phẩm mới của Murakami sẽ ra mắt thời gian tới. Vậy nó một tiểu thuyết như thế nào? Ta có thể chờ đợi ở nó những gì? Báo Asahi Shimbun cung cấp một phần (dù nhỏ) lời đáp cho câu hỏi đó qua cuộc phỏng vấn Norihiro Kato, 65 tuổi, nhà phê bình văn học và xã hội, giáo sư văn chương Nhật tại Đại học Waseda. Nhà văn, dịch giả Trần Tiển Cao Đăng trích dịch, phỏng vấn dành riêng cho bạn đọc Một Thế Giới!

* * *

Khi Norihiko Kato lần đầu tiên tiến hành phân tích cuốn sách mới nhất của Haruki Murakami, Tsukuru vô sắc và những năm hành hương của chàng, ông nhận ra rằng mình sẽ không xếp cuốn này vào hàng những cuốn hay nhất của tác giả.

Nhưng khi đọc cuốn tiểu thuyết lần thứ hai, lần thứ ba, nhà phê bình kiêm giáo sư Đại học Waseda này nhận thấy cuốn sách có tầm quan trọng như là một bước ngoặt trong văn nghiệp của nhà văn lừng tiếng.

Norihiko Kato, tác giả loạt Trang vàng và những sách khác chuyên phân tích tác phẩm của Murakami, nhận định rằng Tsukuru vô sắc là một tác phẩm đầy tham vọng, đánh dấu sự chuyển hóa của Murakami từ một tiểu thuyết gia “lánh đời” trở thành một tiểu thuyết gia “trao mình trọn vẹn” cho đời.

Câu chuyện theo sát cuộc “hành hương” của một kiến trúc sư 35 tuổi ngõ hầu hòa giải với bốn người bạn thời trung học, tất cả họ đã cắt đứt quan hệ với anh từ 16 năm trước không biết vì lý do gì. Tiểu thuyết cũng bao gồm thông điệp của Murakami bày tỏ niềm hy vọng cho Nhật Bản sau thảm họa kép sóng thần-hạt nhân.

Trong bài phỏng vấn gần đây với Asahi Shimbun, Kato giải thích tại sao ông cho rằng “Tsukuru vô sắc” có thể mang lại một tầm vóc mới cho văn nghiệp của Murakami.

***

- “Tsukuru Vô sắc và những năm hành hương của chàng” khác với những tác phẩm trước đây của Murakami ra sao?

Kato: Cuốn tiểu thuyết này có tính đột phá trong văn nghiệp của Murakami ở chỗ, chủ đề hầu như duy nhất của nó là cuộc chiến đấu của nhân vật chính ngõ hầu cởi lòng và trao mình cho nhân thế. Việc này phá vỡ cái “vỏ” tâm lý mà anh ta đã tạo ra để bảo vệ căn tính của mình.

Murakami giành được tiếng tăm trong văn giới thông qua những cuốn tiểu thuyết “lánh đời”, và trong những tiểu thuyết đầu tay ấy, việc nhân vật chính dè dặt không muốn trao mình cho đời được mô tả là một nét tích cực. Từ nhân vật trong tiểu thuyết đầu tay “Lắng nghe gió hát” (1979) cho đến Toru trong “Rừng Na Uy” (1987), nó được mô tả giống như thể họ quá điềm tĩnh, quá bình an trong tâm đến độ người khác không thể tác động tới họ được, và thái độ của họ tìm được sự đồng vọng ở độc giả trẻ thời ấy.

Nhưng rồi đến một lúc sự thu mình ấy bắt đầu thay đổi ý nghĩa đối với Murakami. Ông dường như bắt đầu thấy rằng nó xuất phát từ sự bất lực của chính ông trong việc trao mình cho người khác. Cuối cùng nó khiến nhà văn đương đầu với vấn nạn đó trong tiểu thuyết của mình, buộc ông viết ra những cốt truyện mà trong đó nhân vật chiến đấu ngõ hầu tìm cách yêu thương người khác một cách vô điều kiện.

Đến giữa thập niên 1990, việc Murakami mong muốn dấn mình hơn vào xã hội đã trở nên rõ ràng qua cuốn Biên niên ký Chim vặn dây cót (1994-1995), cho thấy mối quan tâm nghiêm túc của ông đến quá khứ xâm lược thực dân của Nhật Bản tại châu Á.

Sự kiện trận động đất lớn năm 1995 tàn phá nặng nề vùng quê nhà Kobe của ông, và loạt hành động khủng bố do giáo phái Aum Shinrikyo thực hiện vào giữa thập niên 1990 đã là chất xúc tác khiến Murakami trực tiếp nói đến những vấn đề xã hội đương đại của nước Nhật.

Trong Kafka trên bờ biển (2002) và 1Q84 (2009-2010), ông khảo sát cái bản chất bạo lực ăn sâu bén rễ trong tâm thức Nhật Bản, sử dụng chủ đề những vụ giết người hàng loạt do một thiếu niên 14 tuổi tiến hành ở Kobe trong năm 1997 cũng như bản chất gây thảm họa của giáo phái Aum.

Trong Tsukuru Vô sắc và những năm hành hương của chàng, Murakami khảo sát xem liệu một người đàn ông bị chấn thương tinh thần có thể thoát ra khỏi lớp vỏ cứng bọc kín trái tim mình để một lần nữa trao mình cho người khác hay không. Có lẽ cuốn sách phản ánh rằng Murakami đã đau đớn phát hiện ra trong chính mình một cái gì đó khiến ông không thể trao mình cho người khác một cách vô điều kiện.

Lý do khiến ông quyết định viết một câu chuyện tình giản dị như vậy là thảm họa kép động đất-sóng thần vừa qua tại Nhật. Rõ ràng là ông cảm thấy bị thôi thúc cần phải đối mặt với vấn nạn cá nhân trầm kha nhất của mình – rằng cũng có thể ông không đủ khả năng trao mình trọn vẹn cho người khác.

Theo nhiều cách, Tsukuru Vô sắc và những năm hành hương của chàng là một tiểu thuyết tương đồng với Rừng Na Uy nhưng có sự tiến hóa. Trong cuốn bestseller năm 1987, Murakami vẫn còn đồng cảm với việc nhân vật chính chần chừ không muốn yêu và trao mình cho người khác, nhưng trong “Tsukuru Vô sắc” nét cá tính đó được mô tả dưới một ánh sáng tiêu cực.

Tên của nhân vật chính trong Rừng Na Uy là Toru nghĩa là “băng qua”, còn trong Tsukuru vô sắc là Tsukuru, nghĩa là “tạo ra”, chi tiết này đầy tính biểu tượng.

- Cuốn tiểu thuyết có đưa ra một cách lý tưởng nào để trao đi bản thân mình?

Kato: Sau khi đọc nó ba lần, tôi kết luận rằng nó đưa ra một cách trao đi bản thân mình khá thuyết phục, nhưng sinh viên của tôi lại nói khác.

Tôi ngạc nhiên nghe sinh viên nói rằng họ thấy sợ nhân vật chính, khi anh ta quyết định trao mình cho nữ nhân vật chính vào cuối câu chuyện.

Họ chỉ ra rằng tình yêu của anh ta rốt cuộc là tình yêu của một tay “săn gái”. Họ cảm thấy có gì đó quá đà, vị kỷ, thậm chí thuần đực tính trong tình yêu và sự quên mình của Tsukuru.

Tsukuru gây ra ấn tượng như vậy là vì cách trao mình của anh ta thảy đều khởi đầu từ anh ta và trút về phía nhân vật nữ mà không hề đếm xỉa gì đến cảm xúc của cô.

Tsukuru theo đuổi một cách trao mình rất đỗi chủ quan, có lẽ vì mục đích chính của tác giả là, thông qua văn chương, cố tìm một cách hầu phá vỡ cái vỏ bít kín trái tim của chính ông.

Cuốn tiểu thuyết cho tôi ấn tượng nó chỉ mới hoàn tất nửa chừng, vì ta biết rằng mối quan hệ bền vững thì cần sự tiếp cận từ cả hai phía.

Dù tác giả hết sức mong muốn tìm một hình thức trao đi chính mình trọn vẹn, hay có lẽ chính vì vậy, cuốn tiểu thuyết không đạt đến chỗ một mối quan hệ từ hai phía.

Nhưng tôi cho rằng trong tiểu thuyết này Murakami đã đi đến cùng trên con đường trao đi bản thân một cách thuần chủ quan, và việc đó sẽ cho ông có nhiều tự do hơn trong việc khai phá những cách tốt hơn ngõ hầu trao mình cho người khác trong những tác phẩm sau này.

- Ông đánh giá vị trí cuốn tiểu thuyết này như thế nào trong văn nghiệp chung của Murakami?

Kato: Tuy có thể nó không thuộc hàng những tác phẩm tiêu biểu nhất của Murakami song nó vẫn là một cuốn rất tham vọng, có thể xem là một bước ngoặt trong văn nghiệp của ông.

Trong một cuộc thuyết trình tại Kyoto sau khi sách phát hành hồi tháng Tư năm ngoái, Murakami nói rằng với cuốn sách này ông chấp nhận một “thử thách mới” là đưa ra một câu chuyện siêu thực trong một bối cảnh hoàn toàn thực tại; ông nói vậy là để bảo vệ cuốn sách nếu như có lời phê bình nào rằng nó là “một bước thụt lùi về văn chương”.

Nhưng hình như tác giả tự thấy nó chưa hoàn chỉnh, chính vì vậy mà chỉ một thời gian ngắn sau ông bắt tay viết một cuốn khác. Thường thì khoảng nghỉ của ông giữa hai cuốn liền nhau không ngắn như vậy.

Sau bảy tháng, ông cho ra cuốn tiểu thuyết ngắn Drive My Car (Hãy lái xe tôi), phần đầu trong một tập truyện ngắn nhan đề “Đàn ông không có đàn bà”, rõ là đặt tên dựa theo tập truyện ngắn thứ hai của Ernest Hemingway. Sau đó ít lâu, ông cho ra phần thứ hai, Yesterday (Ngày hôm qua).

Trong Drive My Car, lấy tên theo một bài trong album “Rubber Soul” của ban Beatles, các nhân vật tìm tòi một hình thức trao đi bản thân mang tính hỗ tương hơn, có xét đến cảm xúc của nhau hơn.

Tôi tin rằng Murakami viết được tiểu thuyết này là vì ông đã khai phá đến cùng hình thức trao đi chính mình một cách thuần chủ quan trong “Tsukuru vô sắc”.

Theo nghĩa này, Tsukuru vô sắc là một tiểu thuyết bất toàn cần được viết ra ngõ hầu tác giả có thể đạt tới một tầm vóc mới.

Trần Tiễn Cao Đăng (chuyển ngữ)


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1