Nhà văn Nguyễn Quang Sáng sống cuộc đời dân dã giữa phố xá đô hội, nơi cư trú thuộc khu phố sang trọng, nhưng ông vẫn giao thiệp với tất cả mọi người thuộc mọi tầng lớp, bất kể giàu hay nghèo, sang hay hèn. Có phải vậy chăng mà tác phẩm của ông hội đủ tất cả mọi tầng lớp nhân vật, và câu chuyện mang chất dân gian, với lối kể nghiêng về giọng bình dân. Nguyễn Quang Sáng là nhà văn hiện đại mang chất Nam Bộ nhất.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, đồng nghiệp thường gọi là ông già Nam Bộ, bởi phong thái rất Nam Bộ, rộng rãi, hào phóng, dễ bỏ qua những vụn vặt đời thường, cả đời đam mê viết văn, viết kịch bản phim, kịch bản cải lương. Với truyện ngắn, tiểu thuyết ông có biệt tài dựng truyện, câu chuyện luôn kết thúc có hậu, có thể nói, ông là người kể chuyện bằng văn và đa tài. Khối lượng tác phẩm ông để lại khá đồ sộ. Một lần nào đó, trong bữa rượu thân tình, chúng tôi hỏi sao ông làm được nhiều việc một cách chuyên cần gần như suốt cuộc đời như vậy? Ông trả lời là nhờ những năm tháng tham gia Quân đội, chính cuộc sống quân ngũ cho ông tính chuyên cần, kỉ luật lao động nghiêm túc, biết quý thời gian. Nguyễn Quang Sáng tham gia Quân đội chín năm, từ năm 1946 đến 1955. Thời gian đầu vào bộ đội, Nguyễn Quang Sáng được giao nhiệm vụ làm liên lạc viên của Liên Khu 2, đến năm 1948, được cử đi học văn hóa ở Trường Trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố. Tốt nghiệp được về Phân khu miền Tây Nam Bộ, làm cán bộ nghiên cứu tôn giáo. Đây là thời gian Nguyễn Quang Sáng có thêm nguồn tư liệu phong phú, quý giá để sau này viết tiểu thuyết “Đất lửa”, được coi là cột mốc trong đời văn của ông, cùng với một số tác phẩm khác, đưa ông đến bục danh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2, năm 2000.
Nguyễn Quang Sáng được xem là nhà văn sinh ra và lớn lên trong cuộc kháng chiến giải phóng đất nước. Phần lớn lớp nhà văn này khi tham gia cách mạng trình độ học vấn không cao, Nguyễn Khải học đến năm thứ 3 cao đẳng tiểu học, Nguyễn Thi chỉ học trường làng phải bỏ ngang để vào Nam sinh sống rồi tham gia kháng chiến, Nguyễn Minh Châu đang học Trường Huỳnh Thúc Kháng, Nguyên Ngọc đang học dang dở trung học… Vậy mà bằng phương pháp tự học, đọc nhiều, tạo cho họ cảm hứng sáng tác, bước đầu là những bài báo, bút kí, truyện kể mang màu sắc kỉ niệm của đời chiến sĩ, dần dần có những truyện ngắn, tiểu thuyết có giá trị văn chương cao.
Trước đây, mỗi lần trò chuyện văn học với chúng tôi, Nguyễn Quang Sáng thường hỏi về lực lượng sáng tác văn học trong Quân đội. Rồi ông chậm rãi, từ tốn nói về thế hệ nhà văn trưởng thành trong Quân đội thời kháng chiến. Cũng như nhiều người, ông lấy làm tiếc cho thế hệ chiến sĩ chúng ta hôm nay, vốn học vấn phải nói là khá cao, tỉ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông chiếm đa số, nhiều đơn vị có nhiều người là cử nhân, đại học, nguồn sách báo vô cùng dồi dào, nhưng tại sao không thấy xuất hiện những người cầm bút sáng tác văn học? Mà người đọc sách trong các đơn vị cũng không nhiều. Trái lại, thế hệ bộ đội trong kháng chiến, sách báo hiếm, có được một cuốn sách bộ đội chuyền tay nhau rồi đàm đạo. Sách được quý trọng, dù hành quân mang vác nặng nhưng trong ba-lô bộ đội bao giờ cũng có sách. Muốn có cảm hứng cuộc sống, cảm hứng sáng tạo, không gì hơn là phải đọc sách. Lí giải về hiện tượng lười đọc, khó tiếp cận tác phẩm văn học, nhiều người cho rằng, do phương pháp dạy văn ở nhà trường phổ thông chưa truyền thụ được cho học sinh tình yêu ngôn ngữ văn chương và cách tiếp cận.
Tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng có thể xem như một thứ niên biểu đời ông. Ông sống và viết về những sự việc, con người diễn ra trước mắt. Sau khi tập kết ra Bắc, ông viết nhiều truyện ngắn nói về cảnh đất nước chia cắt, cho in thành các tập “Con chim vàng” (1957), “Người quê hương” (1958). Đi thực tế về các đơn vị phòng không đánh máy bay Mỹ leo thang ra miền Bắc, ông viết truyện vừa “Câu chuyện bên trận địa pháo” (1966). Sau đó ông trở lại miền Nam, vượt Trường Sơn vào Nam Bộ, thực tế phong phú của cuộc chiến đấu của quân và dân miền Nam đã cho ông chất liệu viết tập truyện ngắn “Chiếc lược ngà”, “Bông cẩm thạch”. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông viết “Những người con đi xa”, “Mùa gió chướng”…
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đi xa, nhưng tác phẩm của ông ở lại, góp phần vào đời sống tinh thần văn chương của xã hội. Một đời người sống và lao động miệt mài như vậy, đâu phải ai cũng có được.
Đại tá, Nhà văn Nguyễn Quốc Trung