Khởi từ tiểu thuyết đầu tay Hồ sơ một tử tù viết năm 26 tuổi, đến nay anh đã có trong tay hơn 10 tập truyện ngắn và bảy cuốn tiểu thuyết, quyển nào cũng tạo được dư luận: Bên dòng Sầu Diện, Nháp, Phiên bản, Kín, Hoang tâm. Hiện anh đang gây chú ý với quyển tiểu thuyết viết về đề tài chưa từng được khai thác trong văn chương nghệ thuật: cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc - tác phẩm Xác phàm (NXB Trẻ chuẩn bị phát hành). Nguyễn Đình Tú còn gây bất ngờ khi cho ra mắt cuốn sách dành cho thiếu nhi: Ba nàng lính ngự lâm (NXB Kim Đồng). Chưa kể, tên anh còn được nhắc nhớ với dự án phim điện ảnh Hương ga của đạo diễn Cường Ngô, chuyển thể từ tác phẩm Phiên bản - từng là hiện tượng của làng văn khi ra đời vào năm 2009.
* Nghe anh nói về tiểu thuyết Xác phàm đã lâu, nhưng có vẻ số phận tác phẩm này khá lận đận, đến nay vẫn chưa chính thức phát hành?
Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Xác phàm có giấy phép in vào năm 2013, dự kiến sẽ ra mắt vào dịp kỷ niệm 35 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, nhưng đến năm 2014 thì phải làm lại giấy phép, rồi được yêu cầu tạm dừng phát hành để Cục Xuất bản duyệt lại. Tôi đã lường trước số phận cuốn tiểu thuyết này.
* Biết là “lận đận” đến thế mà sao anh vẫn viết?
- Tôi tin, đến một lúc nào đó, mọi người phải chấp nhận nhìn lại đúng sự thật lịch sử Việt Nam từ sau năm 1975 đã có một cuộc chiến tranh khốc liệt bị lãng quên. Một thế hệ mới sinh ra và lớn lên sẽ không biết đến cuộc chiến ấy. Hàng triệu người đã hy sinh trong im lặng, những người còn sống cũng không được nói đến cuộc chiến này. Đó là một ẩn ức lớn của dân tộc. Với tôi, sách được in hay không là chuyện nhỏ, việc của nhà văn là khi cảm thấy đủ độ chín thì cần phải viết.
* Anh nói mình đã cố gắng khéo léo khi viết về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, sự khéo léo đó cụ thể là như thế nào?
- Tôi không đề cập trực diện về cuộc chiến, tôi chọn kể 17 ngày khốc liệt của cuộc chiến đấu thông qua hình ảnh của một cuộc chuyển đổi giới tính. Một con người có nhiều tính cách cũng có thể sẽ có nhiều linh hồn trú ngụ, suốt từ đầu đến cuối tiểu thuyết, độc giả sẽ chỉ thấy hình ảnh một người nằm trên bàn phẫu thuật. Xác phàm là một thể xác không có linh hồn, hoặc một thể xác đặc biệt có nhiều linh hồn trú ngụ. Trong tỉnh thức của những cuộc hôn mê sâu ấy, những linh hồn người lính trở về… Câu chuyện chỉ gói gọn trong 17 ngày với các nhân vật, tôi cho rằng cũng mang tính khái quát rất cao.
* Anh từng có Hoang tâm viết về chiến tranh biên giới Tây Nam và bây giờ là Xác phàm, cả hai đều viết về chiến tranh theo một cách tiếp cận lạ…
- Tôi vốn có ý đồ viết hai cuốn tiểu thuyết về chiến tranh, đó phải là cuộc chiến gần nhất mà tôi có thể hiểu được và viết tốt hơn những cuộc chiến xa như chống Pháp hay chống Mỹ. Tôi đi công tác rất nhiều, dọc đường biên giới của đất nước Việt Nam, đi đâu cũng thấy những nghĩa trang mọc bạt ngàn ở vùng biên, những tấm bia khắc tạc những ngày lịch sử đầy biến động, như nhắc nhở cho tôi biết ở nơi ấy, từng có cuộc chiến khốc liệt. Những điều đó cứ khiến tôi day dứt câu hỏi tại sao văn học Việt thiếu những tác phẩm viết về những cuộc chiến này? Tôi nghĩ mình cần phải viết, rồi cứ thế mà đi thu thập tài liệu, tìm nhân vật… Tất nhiên, tôi luôn muốn tìm cách kể thật độc đáo. Mọi thứ trong tác phẩm của tôi đều phải mới lạ, hoặc có yếu tố “đầu tiên”.
* Đọc tác phẩm của anh, nếu không là chiến tranh, gai góc thì cũng là sự khốc liệt, bi kịch của người trẻ. Có phải anh đã đưa những trải nghiệm tuổi trẻ của mình vào trang viết?
- Tôi không có trải nghiệm gì đặc biệt cả. Cuộc sống của tôi bình yên từ nhỏ, sinh ra và lớn lên ở đô thị, và học luật đầy… thực dụng, nghĩ ra trường sẽ dễ kiếm việc làm. Đi làm rồi viết văn. Vậy nên tôi phản đối quan điểm nhà văn phải là người trưởng thành từ gian khó, hoặc có hoàn cảnh đặc biệt. Tuổi trẻ của tôi rất đỗi bình lặng.
* Vậy vốn sống từ đâu mà tác phẩm của anh có thể trải rộng đề tài, không gian và đầy biến động?
- Năm 26 tuổi, khi viết tiểu thuyết đầu tay, tôi đang làm ở viện kiểm sát, không có trải nghiệm bản thân gì to tát cả, còn chưa yêu ai, chưa vấp váp, chưa biết gì là thế thái nhân tình (cười). Tôi chỉ ám ảnh bởi không gian mình đang công tác, nơi có những người tử tù đang chờ thi hành án. Tôi tự hỏi trong suốt thời gian sống ở trại giam đợi sự phán quyết cuộc đời mình, họ nghĩ gì? Rồi khi bước những bước chân cuối cùng ra trường bắn, tâm hồn họ xáo động ra sao. Cuối cùng, tôi đã chọn 10 bước chân tử tù bước đến cái chết để viết 10 chương sách. Bước đầu tiên nghĩ về cha mẹ, bước thứ hai là vợ con, thứ ba là tuổi thơ, rồi trường lớp… Sau này, càng đi nhiều, tôi càng thấy mình thao thức muốn được viết nhiều về cuộc sống.
* Anh có đọc văn của những người viết trẻ hiện nay? Anh nghĩ sao với nhận xét “người trẻ cứ mãi gặm nhấm cái tôi nông cạn”?
- Văn chương của giới trẻ đang mắc căn bệnh ăn xổi, người trẻ chỉ đang tạo ra những sản phẩm văn chương “fastfood”. Cứ viết hàng loạt những mẩu truyện ngắn cảm xúc cá nhân vụn vặt rồi in thành tập. Tôi không trông chờ vào những tác giả này. Còn dạng thứ hai là những người đọc quá nhiều, học quá nhiều, tiếp thu những kiến thức ở nước ngoài nên khi viết như bị tẩu hỏa nhập ma, không tiêu hóa được những kiến thức mình đã tiếp cận. Văn chương, nếu đã lựa chọn xác định đi đường dài thì phải chọn cho bản thân một phong cách riêng, một không gian sáng tạo riêng và lao động cần mẫn chứ không thể ăn xổi.
* Chọn viết những đề tài lớn, tư tưởng lớn, sao giờ anh lại chuyển sang viết cho thiếu nhi?
- Khi tôi cho ra mắt Ba nàng lính ngự lâm, nhiều người rất ngạc nhiên. Nhưng, một người bạn văn thân thiết của tôi bảo: đừng bất ngờ, biên độ sáng tạo của Nguyễn Đình Tú rất rộng, cái gì cũng có thể làm được cả. Một lời nhận xét vui thôi, nhưng thật sự tôi nghĩ, vì sao lâu nay nhắc đến tôi người ta lại cứ nhớ “ông Tú viết sex, tội phạm, chiến tranh”. Toàn những đề tài nặng nề, ám ảnh. Giờ tôi muốn viết cho con cháu, các bé đọc. Tôi còn đang ấp ủ muốn viết câu chuyện Cậu bé đeo ba lô màu đỏ, để nhân vật lưu lạc đi tìm mẹ và qua đó gom nhặt kiến thức văn hóa khắp các vùng miền… Song song đó, tôi cũng đang ấp ủ quyển tiểu thuyết thứ tám có tựa đề Thạch máu, sẽ khai thác khía cạnh nhân học, sự khác biệt văn hóa giữa người nước ngoài và đồng bào Tây Nguyên…
* Người ta vẫn nói “nhà văn húp cháo”, Nguyễn Đình Tú… sống bằng gì?
- Thật sự ít nhà văn nào lấy văn chương để nuôi sống mình. Đúng là tôi thấy mình có tiếng nhiều hơn có miếng. Nhưng, tôi hài lòng với cuộc sống của mình, không giàu, không nghèo. Tôi có đồng lương của cơ quan và vẫn sống được trọn vẹn với những thao thức của mình. Tôi cũng muốn sách của mình được chuyển ngữ ra với thế giới nhưng những nhóm dịch giả, những dự án chuyển ngữ tác phẩm văn học Việt không chọn Nguyễn Đình Tú. Chỉ có điện ảnh là gọi tên.
* Dự án phim Hương ga đình đám vừa qua cũng là một bước thành công của tiểu thuyết Phiên bản. Anh có “nhúng tay” vào…?
- Không, tôi chỉ bán bản quyền là xong. Thậm chí tôi cũng không nhận lời chuyển thể và dù đạo diễn Cường Ngô có cho tôi xem kịch bản để góp ý nhưng tôi tôn trọng hoàn toàn những sáng tạo của ê kíp thực hiện. Văn học Việt đi ra thế giới bằng đôi chân trần, hy vọng khi chuyển thành tác phẩm điện ảnh sẽ có được một đời sống khác. Vừa qua, đạo diễn Việt Linh từ Pháp có gửi email về cho tôi, nói chị cực kỳ thích tiểu thuyết Hoang tâm, đầy chất điện ảnh. Nhưng, trong tình hình như hiện nay cũng rất khó làm phim.
* Người ta nói đằng sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ. Văn chương lại càng cần hơn một “bóng hồng”, vậy mà trong những trang viết của anh chẳng bao giờ thấy “bóng hồng thơ mộng” nào?
- Người phụ nữ phía sau tôi là… vợ tôi đó chứ. Cô ấy từng học cùng trường luật với tôi, giờ là tiến sĩ, giảng viên, rất sành điệu, đi nước ngoài rất nhiều trong khi tôi… chưa được đi nước ngoài lần nào. Cô ấy ý thức được chồng mình là ai và xem chuyện viết văn của tôi là một công việc.
* Bây giờ ngoài văn chương, anh còn “mưu cầu” gì cho cuộc sống của mình?
- Tôi không đòi hỏi gì thêm ở cuộc sống này. Nếu có mong muốn cho bản thân, có lẽ là về sức khỏe và… có thêm một đứa con trai, cho nhà có nếp có tẻ. Vậy thôi!
* Xin cảm ơn anh!
Với tôi, sách được in hay không là chuyện nhỏ, việc của nhà văn là khi cảm thấy đủ độ chín thì cần phải viết. |
TIỂU QUYÊN (thực hiện)