Nhà văn Cao Hạnh lúc đó là Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh kiêm Tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt. To lắm đấy! Với tôi khoảng cách giữa một người đang rón rén đến với văn đàn với một nhà văn, Tổng biên tập của một tạp chí văn chương ở tỉnh là quá lớn. Sợ, tôi đánh bạo gửi bài qua một người trung gian ở Hội chứ không dám gặp. Và cuộc điện thoại ngay buổi chiều hôm đó của nhà văn Cao Hạnh làm tôi mừng quýnh lên hơn cả ngày tôi nhận được giấy trúng tuyển công chức. Đó là cơ may hay cái nghiệp vận vào đời mình? Tôi không lý giải điều đó. Chỉ biết lòng vui, chỉ biết thấy hạnh phúc khi nghe tiếng nói của một nhà văn. Rồi còn được ông hẹn gặp. Câu đầu tiên ông hỏi:
- Cháu có đọc được nhiều sách văn học không?
- Dạ không.
- Rứa còn thơ?
- Dạ cháu có đọc trên Báo Thừa Thiên -Huế.
- Răng ở Quảng Trị có báo Huế mà đọc?
- Cháu được một người quen cho chồng báo cũ.
- Rứa răng biết chú?
- Cháu thấy tên ghi trên bìa Tạp chí Cửa Việt.
Cứ thế, qua những cuộc trò chuyện, ông nói cho tôi nghe nhiều điều. Cao Hạnh là người nắm rất vững lý luận và nói chuyện có sức cuốn hút cao. Những hôm làm việc ở Hội, ông thường điện tôi đến ngồi uống trà, nói chuyện. Ông hay đọc thơ hơn là nói về văn xuôi. Những lúc đọc thơ, trông Cao Hạnh hứng khởi lắm! Tôi hay nói đùa đó là sự "lên đỉnh" của thi sĩ. Vì những khi ấy mắt ông nhắm lại, mặt ngước lên trời.
Cao Hạnh có duyên coi tướng số. Ông nhìn mặt và nói cả thời thơ ấu của tôi đúng chắp mắp. Ông nói tuổi tôi rất hợp với tuổi ông, làm cái gì nhất định thắng cái ấy. Và tôi nói ngay, sau này hai chú cháu viết chung cuốn sách. Nhà văn Cao Hạnh cười thật sảng khoái. Về sau tôi hiểu ra nụ cười đó. Dường như ông bắt gặp được tuổi trẻ của mình qua một người như tôi.
Nhà văn Cao Hạnh vừa là nhà viết kịch, vừa là nhà thơ, nhà văn. Ở lĩnh vực nào Cao Hạnh cũng gặt hái được những thành công đáng nể. Tôi không muốn liệt kê những giải thưởng ông đã đoạt được. Cái cốt tôi muốn nói ở đây là nhìn vào văn thơ Cao Hạnh để thấm cái tình đời, cái tình người, sự xáo trộn của những chuẩn mực xã hội trong những trang viết của ông. Và nữa, cái câu thơ thiệt tình đắng đót mà tôi mãi không tài nào quên:
… Con cá câu lên cho mẹ
Chần chừ…. lại thả xuống ao
Để nỗi buồn mắc mãi ở lưỡi câu
Mà mẹ ơi… suốt đời con không sao gỡ được.
Mấy câu này Cao Hạnh đọc cho tôi nghe lần đầu tiên ở Hội VHNT Quảng Trị. Cái nỗi buồn (vô hình) mắc ở lưỡi câu (vô hình) đó là cái tâm đắc mà ông từng tâm sự. Nhưng còn khoảng trống? Tôi thấy giữa cái vô hình và hữu hình đó có một khoảng trống mênh mông mà nhà thơ bị thả mình vào đó. Chới với nhưng không thể nào rơi, không thể chạm đến thực tại dù nó ở ngay trước mắt. "Phút thật lòng của nhà thơ ẩn sau ngôn từ hiện lên sự ích kỉ của đứa con đối lập với chân dung người mẹ nhẫn nại hy sinh. Để rồi hôm nay càng nghĩ càng thương càng xót xa ân hận. Đó là tình thương chân thành và sâu sắc nhưng đã muộn. Phần lớn người ta chỉ yêu thương người khác khi cơ hội đền đáp đã không còn" - Đó là tâm sự của một người bạn văn mà Cao Hạnh từng nói với tôi.
|
Nhà văn Cao Hạnh (thứ ba từ trái qua) cùng các bạn văn. |
Người thi sĩ hạnh phúc nhất là khi người đọc nhớ đến tác phẩm của mình. Như một ai đó đã từng nói: "Tượng đài cho một nghệ sĩ chính là tác phẩm của anh ta". Cao Hạnh thuộc lớp người đó. Những câu thơ của ông ghim vào lòng người đọc bằng những hình ảnh đẹp đến ngỡ ngàng:
Hàng ngày mặt trời bay lên
theo nhát cuốc của cha tôi
Những buổi sớm kéo bình minh vào đất
mẹ đi cấy khảm buồn vui vào nước
Bao xuân xanh rút xuống để nuôi đồng.
Tôi không có ý định phân tích tác phẩm của nhà văn Cao Hạnh. Chỉ là khi nhắc đến ông, tôi lại chợt nghĩ đến những câu thơ này. Cũng như người đọc văn Cao Hạnh nhớ về "Vú cát", "Bồ câu xám", "Huyền thoại một tình yêu" hay người xem kịch nhớ về "Bức thư người giúp việc" đã đoạt giải nhất kịch ngắn toàn quốc năm 2005.
"Vú cát" của Cao Hạnh là tập truyện ngắn được bạn đọc và bạn viết đánh giá cao. Đây là tập truyện ngắn lọt vào vòng chung khảo của giải thưởng Hội Nhà văn năm 2008. Cũng có thể xem "Vú cát" là tác phẩm đỉnh cao của Cao Hạnh cho đến thời điểm này. Chúng ta tìm thấy ở những trang viết của ông sự cảm thông và nỗi đau đôi lúc quặn lòng. Những nhân vật trong 16 truyện ngắn trong tập "Vú cát" là những thân phận trớ trêu, có sự thánh thiện và hèn ác. Phần lớn nhân vật trung tâm lại là những phụ nữ bất hạnh. Bà mẹ như cái gạch nối mong manh khi hai đứa con của mình đứng ở hai chiến tuyến. Đó là nỗi đau về thể xác và tinh thần tạo nên tấn bi kịch của người mẹ (Vú cát); là người đàn bà một lòng chung thủy với mối tình đầu dù rằng cuộc sống qua bao biến cố (Chiếc khăn che mặt); và một số truyện ngắn viết về chiến tranh cách mạng, viết về thời hậu chiến như: "Năm cây hoa gạo", "Người thắp hương trên cánh diều"... đã thực sự ám ảnh người đọc.
Với "Vú cát", Cao Hạnh đã xây dựng những chân dung cõi người đầy lòng trắc ẩn, vừa thực vừa ảo. Có cả lòng vị tha và sự trả thù hèn hạ ngay cả người thân; ở đó những tình cảm vừa thiêng liêng vừa khó hiểu của con người. Ở tập truyện này, Cao Hạnh đã đuổi kịp những bước chạy kỳ diệu của sức tưởng tượng.
"Vú cát" là hình tượng ẩn dụ, nói lên sức sống của con người, sự sinh sôi của người mẹ, chủ nhân chính đời sống tự nhiên của con người vừa khắc nghiệt, chứa đầy nghịch lý vừa khoan dung, có hậu. Đọc truyện ngắn Cao Hạnh, người đọc chắc chắn sẽ cảm phục trước tài năng của ông. Những câu văn đẹp, những chi tiết đắt, những dụng từ lạ, sự đan kết các chi tiết được chọn kỹ thành tình huống bất ngờ làm người đọc bàng hoàng, giật mình, xót xa thay số phận người (sự tích chùa Trinh nữ) số phận lại hẩm hiu; đã đánh rơi hạnh phúc trong tầm tay, để rồi ân hận suốt đời khi được tin người yêu đã anh dũng hy sinh; và sự khát khao mong được chức năng làm mẹ, thì trời cũng chỉ cho chị đi tìm kiếm đứa con rơi của người lạ (Nguyệt trong "Người đàn bà lội sương"). Và lòng người ngổn ngang giữa cái xưa tinh hoa (hoa) và hôm nay tràn ngập mùi xú uế (rác) của một ngôi làng từng trồng hoa nay chuyển thành bãi đổ rác, những con người ngày xưa trồng hoa nay chuyển qua nhặt rác… và cuộc sống khấm khá lên. Có thực sự như vậy? (Truyền thuyết một làng hoa)…
Tuy nhiên, bên cạnh những cái được còn có những cái chưa được theo chủ quan của người viết bài này. Truyện ngắn của Cao Hạnh ngôn ngữ giản dị nhưng đôi chỗ còn có sự khuôn sáo. Ví như cách dùng từ của nhà văn "khuôn trăng đầy đặn" (Chiếc khăn che mặt) hay "một đêm gió mát trăng thanh" (Vú cát). Một số truyện ngắn (Tiếng chim, Chiếc khăn che mặt…) chi tiết còn quá giản lược về câu văn khiến người đọc có cảm giác như đang xem một bản phác thảo. Cũng chính vì điều đó nên một số truyện ngắn có chỗ chưa viết tới.
Nhưng cái thông điệp nhà văn gửi đến người đọc đã là điều đáng quý lắm rồi.
Mảnh đất gió lào cát trắng Quảng Trị khiến con người nơi đây biết chắt chiu cho đời sống. Và nhà văn chắt chiu từng con chữ để làm nên "chất" cho văn chương quê nhà, góp phần xây dựng nền văn học Việt Nam đầy màu sắc. Văn chương Quảng Trị nói chung và văn thơ Cao Hạnh nói riêng đã tạo nên một mạch nguồn riêng trong dòng chảy của văn học nước nhà. Có lẽ cái khốn khó của đời sống đã tôi luyện nên những con người gồng mình lên để sống. Và cái cây trên cát cũng dốc mình xanh cho đời. Cũng bởi chính điều đó mà khi ốm đau bệnh tật Cao Hạnh vẫn dồn sức mình cho cuốn tiểu thuyết "Đôi bờ lau trắng", cuốn tiểu thuyết mà Cao Hạnh dồn tâm huyết của cả đời mình đang còn dở dang. Đây là cuốn tiểu thuyết viết trực diện về chiến tranh cách mạng. Nhân vật chính trong truyện vẫn là người đàn bà.
Những ngày điều trị tai biến ở Bệnh viện Trung ương Huế, rồi những ngày Cao Hạnh trở về nhà chập chững bước chân đến tòa soạn tôi vẫn nghe ông nói một cách say sưa đến cuốn tiểu thuyết này. Hôm ngồi nghe ông nói về "Đôi bờ lau trắng", tôi chợt thấy chênh chao nỗi nhớ về ông khi ông đang ngồi bên cạnh mình. Chợt muốn khóc nhưng lòng cứ lại thẹn thò. Có lẽ người lớn khó khóc. Mà tôi đã thực sự trở thành người lớn khi ngồi cạnh ông chưa?