Nhà văn Sơn Nam: Nhớ người mấy độ phong sương!

11:31:00 30/06/2014

(Cadn.com.vn) - Giới thiệu về Sơn Nam, nhà văn Bình Nguyên Lộc có lần đã viết: “Sơn Nam là một tâm hồn lạc lõng trong thế giới buyn-đinh và Mercedes, trong thế giới triết hiện sinh, tranh trừu tượng và nhạc tuýt. Nhưng đó là một tâm hồn đẹp không biết bao nhiêu, đẹp cái vẻ đẹp của lọ sứ Cảnh Đức Trấn ở Giang Tây (có khác lọ hoa Ý Đại Lợi ngày nay), và ít được người đời thưởng thức hơn là họ đã thưởng thức một tiểu thuyết gia chuyên viết về chuyện tình chẳng hạn. Nhưng phải nhìn nhận rằng, cái đẹp Sơn Nam bất hủ...”.

Thực vậy, bên cạnh những trang viết giản dị, nhân hậu, thấm đậm dấu ấn vùng văn hóa Nam Bộ qua các tác phẩm: Hương rừng Cà Mau, Vọc nước giỡn trăng, Bà chúa Hòn, Ngôi nhà mặt tiền, Một mảnh tình riêng, Dạo chơi..., hoặc những công trình nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa dân gian như: Văn minh miệt vườn, Gia Định xưa, Bến Nghé xưa, Người Sài Gòn, Gia Định xưa, Phong trào Duy Tân Bắc - Trung - Nam..., nhà văn Sơn Nam còn có không ít những truyện ngắn và tản văn ẩn chứa nỗi niềm cô tịch, lạc lõng như ông đã thổ lộ trong bài thơ duy nhất của mình (bài thơ không tên, được viết làm lời tựa cho tập truyện Hương rừng Cà Mau xuất bản ở Sài Gòn năm 1961): (... )Năm tháng đã trôi qua/ Ray rứt mãi đời ta/ Nắng mưa miền cố thổ/ Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê.

Cố nhà văn Sơn Nam-cây bút vàng của Nam Bộ.

Là một người dành nhiều năm tháng rong chơi phong sương trên đường phố, đến mức được định danh là “ông già đi bộ”, do đó, khi đọc những trang văn của Sơn Nam, chúng ta sẽ không ngạc nhiên, khi hầu như luôn gặp gỡ ông phác họa những con phố nghèo nàn; những phận người bươn chải trong cuộc mưu sinh trầy trụa; những đứa bé trần như nhộng, nô giỡn giữa vũng bùn lầy... Sơn Nam là nhà văn của nông thôn, mà là nông thôn Nam Bộ, một nông thôn thuần phác mà dữ dằn, chịu chơi mà nghĩa khí, nhân hậu mà ngang tàng. Ông là nhà văn của buổi đầu mở đất phương Nam. Dưới ngòi bút của ông, những mảnh vụn bình thường nhất của thiên nhiên, những góc khuất nhất của hồn người chợt như được khoác lên một thứ ánh sáng mới, được bước ra sân khấu của ngôn từ với vẻ mặt trang trọng và cảm động. Những câu chuyện mà Sơn Nam kể cho chúng ta thường pha chất dân gian, pha chút tiếu lâm nguyên thủy miệt vườn, đôi khi cái cười đi qua còn lưu lại nước mắt. Làm cho người đọc cảm động, còn tác giả tuồng như vẫn tỉnh queo, vẫn lầm lũi đi tìm những mảnh đời khác, những câu chuyện khác, gom nhặt chất liệu như đi mót lúa...

Một trong những lần hiếm hoi nhà văn Sơn Nam ghé đến miền Trung và quê hương đất Quảng (cách đây hơn 15 năm ) chủ yếu là hành hương, tìm thăm cội nguồn, nền tảng sự nghiệp các chúa Nguyễn và những công thần khai khẩn đất phương Nam. Dù vậy, ông đã dành khá nhiều thời gian riêng tư với người bạn vong niên là nhà “Quảng Nam học” Nguyễn Văn Xuân. Tôi không biết, hồi trước 1975 hai nhà văn đã từng gặp gỡ nhau nhiều lần chưa, nhưng quả nhiên, lúc hai tác giả “Khi những lưu dân trở lại” và “Hương rừng Cà Mau” ngồi bên nhau, ngẫu nhiên chúng ta như được nhìn thấy những trang sách lớn đồ sộ liền mạch, đầy sống động về công cuộc mở rộng, khai khẩn đất đai của người dân nước Việt.

May mắn được tiếp kiến ông, tôi tò mò hỏi: thỉnh thoảng có những bài báo phác họa nên một chân dung Sơn Nam có vẻ nhếch nhác, khổ sở..., điều đó có đúng lắm không? Lúc ấy, nhà văn Sơn Nam cười khà khà bảo : “Hỏi ông Xuân thử!...” rồi nói tiếp: “Họ thường viết về tôi như vậy, có lẽ cũng từ lòng tốt mà thôi. Thực ra, họ không hiểu hết về tôi...!”.

Hôm ấy, ngồi ở một quán nhỏ ở đường Lê Lai (TP Đà Nẵng), bên cạnh nhà văn Sơn Nam, nhà văn Nguyễn Văn Xuân cũng cười khà khà như ông. Hai ông không bàn thêm về những “ khổ đau” và “hạnh phúc” cuộc đời riêng nữa, mà tán gẫu về những chuyện nguồn gốc phong tục, tâp quán, văn hóa, ẩm thực... phát triển từ thời khai mở Đàng trong đến ngày nay. Chúng tôi mời nhà văn Sơn Nam thưởng thức món ăn bánh nậm của một chị bán hàng rong. Ông thích thú khen ngon, bảo nó rất đặc trưng Quảng Nam và hẹn lần sau trở lại sẽ ăn nữa. Nhưng đó là lần cuối cùng ông ghé đến miền đất này.

T.T.S


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1