Bậc thầy kể chuyện trong văn học Việt Nam qua đời

22:28:00 06/07/2014

(TBKTSG Online) - Nhà văn Tô Hoài, cây đại thụ trong nền văn học Việt Nam, cha đẻ của những tác phẩm quen thuộc đối với các thế hệ người đọc Việt Nam như: Dế mèn phiêu lưu ký, Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Quê nhà, Miền Tây… vừa trút hơi thở cuối cùng vào trưa nay (6-7-2014) tại Hà Nội, thọ 94 tuổi.

Nguyễn Vinh

Nhà văn Tô Hoài (1920 - 2014). Ảnh: VTC News.

(TBKTSG Online) - Nhà văn Tô Hoài, cây đại thụ trong nền văn học Việt Nam, cha đẻ của những tác phẩm quen thuộc đối với các thế hệ người đọc Việt Nam như: Dế mèn phiêu lưu ký, Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Quê nhà, Miền Tây… vừa trút hơi thở cuối cùng vào trưa nay (6-7-2014) tại Hà Nội, thọ 94 tuổi.

Nhà văn Tô Hoài sinh ngày 7-9-1920, tên thật: Nguyễn Sen. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm thợ thủ công ở làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ngoài bút danh Tô Hoài được đa số độc giả văn học Việt Nam biết tới, ông còn một số bút danh khác: Mắt Biển, Thái Yên, Vũ Đột Kích, Hồng Hoa, Duy Phương, Mai Trang…

Cuốn Từ điển Văn học, Bộ mới (chủ biên: Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Trần Hữu Tá, Phùng Văn Tửu, thư ký Đặng Thị Hảo, Vũ Thanh, do NXB Thế giới ấn hành năm 2004), ở mục từ “Tô Hoài”, viết rằng, thuở thanh niên, cha đẻ của Dế mèn phiêu lưu ký từng làm nhiều nghề kiếm sống: dạy trẻ, bán hàng, kế toán hiệu buôn… và nhiều khi thất nghiệp. Năm 1938, ông tham gia tổ chức Ái hữu thợ dệt Hà Đông và 1943 thì tham gia tổ chức Văn hóa cứu quốc, viết báo bí mật, tuyên truyền cách mạng, hoạt động liên tục đến Tổng khởi nghĩa. Ông từng bị Pháp bắt giam.

Bắt đầu bằng những bài thơ lãng mạn, nhưng mãi đến khi viết những tác phẩm văn xuôi hiện thực thì Tô Hoài mới được chú ý đặc biệt. Một số tác phẩm trước 1945 làm nên tên tuổi một Tô Hoài trong làng văn; trở thành kiệt tác về sau này: Dế mèn phiêu lưu ký (truyện, 1941), Giăng thề (truyện, 1943) hay O Chuột (tập truyện ngắn, 1942).

Sau 1945, Tô Hoài tham gia làm báo Cứu Quốc, nhiều năm giữ chức thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ. Thời gian này, ông tham gia chiến dịch Việt Bắc và viết tập Truyện Việt Bắc (1953), trong đó có truyện Vợ chồng A Phủ được đưa vào chương trình sách giáo khoa Trung học Phổ thông và được dựng thành phim sau này (do chính ông tự chuyển thể kịch bản).

Ngoài tư cách là một người sáng tác, Tô Hoài còn giữ những chức vụ lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Văn nghệ Hà Nội từ sau 1954. Thời kỳ này, sáng tác của ông vẫn tiếp tục với mảng đề tài truyện đồng thoại, viết lại chuyện truyền thuyết, nhân vật anh hùng lịch sử dành cho đối tượng đọc là thiếu nhi. Một số tác phẩm tiêu biểu: Kim Đồng, Đảo hoang, Chim chích lạc rừng, Chuyện ông Gióng… Bên cạnh đó, là những cuốn hồi ký, tự truyện, chia sẻ kinh nghiệm viết lách: Mười năm (1957), Sổ tay viết văn (1967), Miền Tây (1967 – giải thưởng Hoa sen của Hội Nhà văn Á Phi năm 1970), Tự truyện (1978)… Nhưng đáng chú ý nhất, là bộ đôi tác phẩm hồi ức Cát bụi chân ai (1992) và Chiều chiều (1997).

Qua hai cuốn hồi ức này, rất nhiều câu chuyện về thế giới văn nghệ, những chân dung bạn bè cùng thời với ông trong vòng ba mươi năm từ trước 1945 đến 1975 hiện lên khá chân thực, sắc nét, ấn tượng. Ở đó, còn là câu chuyện về một bầu khí quyển trí thức đầy những sự thật mà thời điểm đầu được công bố, từng bị coi “nhạy cảm” và bị cắt xén.

“Tô Hoài là người viết đều, viết nhiều, sử dụng nhiều thể loại văn xuôi trong khi viết. Có vẻ như ông coi trọng lượng hơn trọng chất, nhưng nếu xét cho kỹ, ở thể loại nào ông cũng có một số cuốn có đóng góp đáng kể. Ông là người góp phần khai thác đề tài miền núi và có những tác phẩm đặt thành tựu chắc chắn cho đề tài này. Ông cũng có nhiều tác phẩm cho thiếu nhi được bạn đọc nhỏ tuổi ưa thích. Năng lực quan sát và miêu tả tinh tường, sắc nhạy, vốn hiểu biết đời sống và phong tục các dân tộc phong phú, lối văn giàu hình ảnh và biến đổi nhịp điệu nhanh hoạt, những tìm tòi sáng tạo mới mẻ, độc đáo về từ ngữ, về phương ngữ… có thể coi đó là những nét nổi bật trong sáng tác của Tô Hoài góp vào văn xuôi hiện đại Việt Nam” – Nguyễn Văn Long và Nguyễn Huệ Chi viết trong Từ điển Văn học (trang 1749, sách đã dẫn)

Riêng Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, cho đến nay đã được in hàng triệu bản tại Việt Nam và được dịch sang nhiều thứ tiếng, phát hành trên 30 quốc gia trên thế giới như: Anh, Nhật, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Cách đây vài tháng, Chiều chiềuCát bụi chân ai được Phương Nam Book đầu tư tái bản. Và mới nhất, vào giữa tháng trước, cũng chính Phương Nam Book tiếp tục cho tái bản 5 cuốn sách khác của nhà văn Tô Hoài: Chuyện cũ Hà Nội (2 quyển), Giấc mộng ông thợ dìu, Mẹ Mìn Bố Mìn Những ngõ phố.

Loạt sách tái bản vừa đến tay người đọc thì nhà văn bậc thầy về nghệ thuật kể chuyện trong văn chương Việt Nam đã lặng lẽ qua đời. Văn chương ông để lại một lối kể gần gũi, duyên dáng và trong trẻo cùng cái cười hồn hậu quen thuộc trong tâm trí nhiều thế hệ độc giả Việt Nam.


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1