|
Nhà văn Nguyễn Đình Tú - tác giả tiểu thuyết được chuyển thể. |
Thưa nhà văn Nguyễn Đình Tú, vừa là tác giả tiểu thuyết “Phiên bản” đồng thời là người đồng hành với đoàn làm phim ngay từ những ngày đầu, theo anh diễn xuất của Trương Ngọc Ánh có lột tả được tính cách của Hương Ga mà anh đã xây dựng trong tiểu thuyết?
- Nếu nói là tôi “đồng hành với đoàn làm phim ngay từ những ngày đầu” thì e rằng hơi ngoa ngôn. Tôi chỉ tham gia buổi lễ ra mắt của Đoàn làm phim tại TP HCM thôi, sáng hôm sau đoàn bay ra Nam Định thực hiện những cảnh quay đầu tiên, còn tôi trở về với công việc của mình ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Còn mới đây, khi bộ phim đã sắp xong phần hậu kỳ, đạo diễn Cường Ngô có mời tôi tham dự một buổi ra mắt trailer phim Hương Ga tại Đồng Nai. Khi đó tôi mới chính thức được xem những thước phim đầu tiên của bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của mình. Và tôi thích lối diễn của Trương Ngọc Ánh mặc dù trí tưởng tượng của nhà văn luôn phong phú hơn hiện thực trước mắt, song Ánh đã cho tôi một hình dung cụ thể về kiểu nhân vật mà trước nay tôi vẫn tưởng tượng ở trong đầu.
Trước Trương Ngọc Ánh, anh và đạo diễn Cường Ngô có đưa ra nhiều lựa chọn về vai nữ chính?
Tôi gặp Cường Ngô tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần 2, khi bàn về việc chuyển thể tiểu thuyết “Phiên bản” lên phim, Cường Ngô có hỏi tôi, anh thấy diễn viên nữ nào hợp với nhân vật chính trong sách. Tôi trả lời rằng, đó là Trương Ngọc Ánh. Cường Ngô bảo anh ta cũng nghĩ thế. Sau đó hình như các nhà sản xuất cũng thấy Ánh hợp vai với nhân vật này.
Nói đến kiểu nhân vật này, khán giả cũng có thể liên tưởng đến Ngô Thanh Vân, Mỹ Duyên... Trong mắt nhà văn, anh có phân tích gì?
- Tôi cũng rất thích diễn xuất của Ngô Thanh Vân và Mỹ Duyên. Nhưng Ngô Thanh Vân đã đóng đinh vào người xem hình ảnh một “đả nữ” rồi. Đặc biệt là Vân vừa thành công với vai diễn nữ giang hồ trong phim “Bẫy rồng”, nếu Vân tiếp tục đảm nhiệm một vai nữ giang hồ nữa, e rằng hình ảnh sẽ lặp lại, có thể sẽ không mang lại hiệu ứng tốt cho chính Vân. Còn Mỹ Duyên có lối diễn rất “ép phê” màn ảnh, nhưng hình thức khá nhỏ, e rằng đứng bên dàn các nhân vật nam giang hồ khác sẽ bị “nuốt chửng”. Đấy là tôi nghĩ thế, chứ đạo diễn họ có con mắt khác nhà văn. Chính họ mới là người đưa ra quyết định mời diễn viên nào vào các vai trong phim để bộ phim thành công nhất.
|
Các diễn viên trong phim “Hương Ga”. |
Vai Hương Ga đòi hỏi diễn viên phải biểu đạt được nhiều diễn biến, xung đột phức tạp từ tâm trạng đến hành độngcủa một nữ giang hồ, trong khi đây là lần đầu tiên Trương Ngọc Ánh diễn kiểu nhân vật này. Anh có tin rằng Trương Ngọc Ánh là lựa chọn số 1?
- Tin hay không tin thì bộ phim cũng đã quay xong rồi và không bao lâu nữa sẽ ra rạp. Lựa chọn của nhà văn không có ý nghĩa gì nếu đó không phải là lựa chọn của công chúng yêu điện ảnh. Hãy để những khán giả của chúng ta đánh giá về sự trở lại với màn ảnh của Trương Ngọc Ánh sau 8 năm cô ấy không đóng phim.
Được biết, phim chỉ có dung lượng hơn 90 phút, đó là thách thức trong việc “hình ảnh hóa” các suy tư của nhà văn. Theo anh vẻ đẹp hình thể và chiều sâu nội tâm của vai nữ chính có được xem là lợi thế?
- Hình thể của nữ diễn viên chính rõ ràng là một lợi thế, từ một hình thể đẹp, mọi tạo hình trên đó cũng trở nên hấp dẫn hơn. Còn chiều sâu nội tâm gì đó, theo tôi chỉ nên gói gọn vào mấy chữ “tài năng diễn xuất”. Trương Ngọc Ánh đã thể hiện tài năng của mình qua khá nhiều vai diễn điện ảnh và được đánh giá cao. Với tất cả những lợi thế đó, Ánh hoàn toàn xứng đáng để mọi người đặt vào cô niềm hy vọng cho sự thành công của bộ phim.
Nhiều ý kiến cho rằng, theo thời gian, gương mặt của Trương Ngọc Ánh không còn giữ được vẻ mềm mại, tự nhiên nữa. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến sự biểu cảm trong khi diễn xuất. Là người từng miêu tả nhiều và hay về phái nữ, anh đánh giá ra sao?
- Nhân vật nữ chính của bộ phim trải dài từ lúc 16 tuổi đến 46 tuổi. Để đảm nhiệm vai diễn này phải cần đến 2 người, ngoài Trương Ngọc Ánh ra, còn có thêm sự góp mặt của Chi Pu nữa. Khi lên phim, khuôn mặt một diễn viên sẽ được trợ giúp rất nhiều bởi hóa trang, vì thế sự mềm mại, tự nhiên hay cứng rắn, khác thường sẽ không phải là vấn đề quan trọng lắm. Tôi là nhà văn, tôi có thể giỏi miêu tả nhân vật nhưng tôi lại không biết gì về các thủ pháp điện ảnh, vì thế trước một bộ phim, hãy tôn trọng đạo diễn và các diễn viên. Phim hay là thành công của họ, phim dở là thất bại của họ. Trước khi các nhân vật của tôi bước ra màn ảnh rộng thì cuốn tiểu thuyết của tôi đã đi hết con đường văn học của nó rồi. Và khi ấy nhà văn hãy đứng dẹp sang một bên bởi anh ta không còn việc gì để làm ở đây cả.
Xin cảm ơn anh!
Lữ Mai (thực hiện)