Đưa chiến tranh Biên giới vào tiểu thuyết

11:17:00 10/08/2014

Vừa ra mắt chưa tròn tháng, tiểu thuyết "Xác phàm” của nhà văn Nguyễn Đình Tú đã được bạn đọc chú ý, bởi đề cập đến cuộc chiến tranh Biên giới. Sáng 13-8 tới, tại Hà Nội, Ban Nhà văn Trẻ và NXB Trẻ có buổi ra mắt tiểu thuyết "Xác phàm”.


Nhà văn Nguyễn Đình Tú

Nhà văn Nguyễn Đình Tú hiện là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Bằng một nghệ thuật kể chuyện đan cài khéo léo, những câu chuyện tưởng chừng như tâm linh và thời sự cứ xen kẽ và quyện chặt vào nhau tạo nên một thần thái hư hư thực thực, mà câu chuyện chuyển giới của Nam chỉ là cái cớ để từ đó tác giả xâu chuỗi mọi sự kiện vào một dòng chảy lung linh và bi hùng.

Những câu chuyện, những mảnh hồi ức giữa hiện thực trần trụi và quá khứ lung linh cứ đan quyện vào nhau trong một chất xúc tác: mùi buồn. Mùi đã trở thành hình tượng đẹp não nề và u uất, thơm tao nhã và ly loạn, tanh nồng và ngây dại. Mùi sống, mùi chết, mùi chiến tranh, mùi khát vọng, mùi anh hùng, mùi tiểu nhân, mùi quê hương yêu thương, mùi xâm lược bá quyền…

Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng, đây có lẽ là cuốn "truyện trong truyện” viết về cuộc chiến đấu 11 ngày đầu tiên ở một mặt trận của cuộc chiến tranh rộng lớn trên toàn tuyến biên giới phía Bắc giáp với Trung Quốc.



Bìa cuốn tiểu thuyết "Xác phàm”

Còn nhà thơ - nhà phê bình Nguyễn Hữu Quý thì cho rằng, trong "Xác phàm” chứa đựng 3 nội dung trong một mà không hẳn cái nào quan trọng hơn cái nào. "Lớp vỏ bên ngoài dễ thấy nhất là câu chuyện về cuộc đời khá kỳ lạ của nhân vật Nam - con trai một liệt sĩ hi sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, đó là người không giới tính như các bác sĩ kết luận và sau này đã trở thành nhà báo giỏi rất thông tuệ lịch sử nước nhà. Lớp thứ hai, chính là cuộc chiến vô cùng khốc liệt, bi tráng và bi đát ở biên giới phía Bắc nước ta năm 1979 mà bố Nam, bố Việt (Bố Em, Bố Anh) là những người trong cuộc. Một cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc lẽ ra phải được vinh danh ngay từ khi nó xảy ra. Lớp thứ ba, phần lõi của tiểu thuyết chính là sự bí ẩn, những khoảng trống chưa lý giải được về con người, một thực thể độc đáo trong vũ trụ bao la muôn trùng này. Con người là gì? Con người là ai? Sự sống và cái chết của nó (hay là thân phận người) mang những mật mã huyền bí nào đó u u minh minh chưa thể thấu tỏ ngọn nguồn”, Nguyễn Hữu Quý phân tích.

Giản dị hơn, nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhìn nhận, đây là một cách trả món nợ tinh thần với những người đã hy sinh cả thân xác, cả linh hồn mình cho sự bình yên cuộc sống.

Thư Hoàng
Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1