Văn hóa đọc của giới trẻ: Còn nhiều điều đáng lo ngại

18:15:00 14/08/2014

(BVPL) - Văn hóa đọc là đề tài được nhiều người quan tâm và bàn luận trong thời gian gần đây. Cũng như những loại hình văn hóa khác, văn hóa đọc biểu thị hành vi và thói quen đọc của mỗi người. Trong điều kiện hiện nay, với sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là internet thì văn hóa đọc đối với người Việt, đặc biệt là giới trẻ đang đặt ra nhiều vấn đề cần bàn..

Đọc nhiều nhưng không sâu

Năm 2014 được coi là năm đánh dấu bước ngoặt đối với “sách” khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam. Để “đón mừng” ngày đặc biệt này, Hội sách TP. Hồ Chí Minh lần thứ 8 diễn ra vào ngày 24/3 tại công viên Lê Văn Tám trong không khí thật tưng bừng và náo nhiệt. Chỉ sau một tuần tổ chức, Hội sách đã thu về gần 38 tỷ đồng, thu hút khoảng hơn 1 triệu lượt người tham gia, tăng 30% về doanh thu và 20% về số người tham dự so với Hội sách TP. Hồ Chí Minh lần thứ 7 năm 2012. Những con số này phần nào cho thấy sự “khởi sắc” của nền văn hóa đọc trong nước. Đặc biệt, phần lớn những người mua sách là giới trẻ càng mang lại cái nhìn lạc quan hơn cho sự phát triền của loại hình văn hóa này ở Việt Nam.

Văn hóa đọc ở giới trẻ hiện nay rất cần những bước đột phá.


Tuy nhiên, danh sách những quyển sách bán chạy tại Hội sách cho thấy, độc giả trẻ chỉ quan tâm đến những quyển sách có nội dung đơn thuần, những quyển sách do người nổi tiếng viết hay những quyển đang “hot” được quảng bá rầm rộ. Trong khi đó, những quyển sách về kỹ năng sống hay rèn luyện bản thân lại bị bạn đọc trẻ “làm lơ” một cách không thương tiếc. Cụ thể, tại Hội sách TP. Hồ Chí Minh lần thứ 8 vừa qua, một số quyển sách được xướng tên trong danh sách “bestseller” được coi là khá “tầm thường” như: “Buồn làm sao buông”, “Thương nhau để đó”, “Người yêu cũ có người yêu mới”, “Thám tử lừng danh Conan”… Không chỉ tại Hội sách, ở những địa điểm kinh doanh sách như nhà sách hay cửa hàng sách, chúng ta đều có thể dễ dàng bắt gặp các bạn trẻ tìm mua những tiểu thuyết ngôn tình, truyện dài, truyện ngắn và thậm chí là truyện tranh. Thế nhưng, thật hiếm hoi khi chứng kiến một độc giả trẻ mua những quyển sách trang bị kiến thức và kỹ năng sống cho bản thân. Có thể nói, xu hướng đọc của giới trẻ ngày nay đang dần có sự thay đổi. Họ thích đọc những quyển sách đơn giản và ít phải suy nghĩ. Phần lớn là những quyển sách có nội dung nói về những chuyện xảy ra trong cuộc sống hàng ngày hay những tiểu thuyết tình yêu lãng mạn, mộng mơ. Còn đối với các thể loại có giá trị thực tế cao như: sách khoa học, kỹ năng sống hay thưởng thức – đời sống thì ít nhận được sự quan tâm của các độc giả trẻ…

Tác giả trẻ đã “lên ngôi”

Thời gian gần đây, một số cây bút trẻ đã “lên ngôi” trên các diễn đàn hay xuất hiện tại các sự kiện văn hóa. Ban đầu, họ chỉ nhận mình là những người nghiệp dư, tay ngang, một số người chỉ được biết đến trên những trang mạng xã hội như: facebook, twitter... Thế nhưng, một thời gian sau đó, họ đã bắt đầu “phát ngôn”, nói lên tâm tư, tình cảm của mình qua những quyển sách được in và bày bán rộng rãi trên thị trường. Những quyển sách này được rất nhiều bạn trẻ ưa chuộng và tìm đọc. Nói đến tác giả trẻ thì không thể bỏ qua các cái tên đang làm mưa làm gió như: Anh Khang với “Buồn làm sao buông”, Iris Cao với “Người yêu cũ có người yêu mới”, Hamlet Trương với “Yêu đi rồi khóc” hay Phan Ý Yên với “Tình yêu là không ai muốn bỏ đi”… Những cây bút trẻ này đang “nổi đình nổi đám” với những đầu sách luôn trong tình trạng “cháy hàng” ngay khi vừa xuất bản.

Nhìn một cách khách quan, những quyển sách “bestseller” vừa nói trên có nội dung khá bình thường. Chúng thường thuộc thể loại tản văn hay truyện ngắn ngôn tình, mô phỏng theo mô-tip nước ngoài hoặc chứa đựng “cái tôi” của tác giả về tình yêu, về cuộc sống. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng khiến cho độc giả trẻ bị thu hút mạnh mẽ đó là không chỉ viết, các tác giả trẻ còn rất quan tâm đến việc thiết kế bìa sách, tổ chức các chương trình, sự kiện giới thiệu, quảng bá sách đến công chúng, trả lời phỏng vấn, thông báo lịch ký tên, gặp gỡ độc giả… Chẳng khó khăn gì để bắt gặp hình ảnh một tác giả trẻ đang “cặm cụi” ký tên lên từng cuốn sách cho bạn đọc tại các Hội sách, các buổi giao lưu đến tận hơn 11 giờ đêm. Một điều không thể phủ nhận rằng mặc dù những “đứa con tinh thần” của các cây bút trẻ vẫn phần nào còn “non nớt” nhưng lòng nhiệt tình, nhiệt huyết với công việc của họ thì khó lòng mà các lão làng có thể bì kịp. Chính thái độ làm việc nghiêm túc và hết mình đó đã khiến họ ngày càng thu hút được nhiều sự quan tâm và yêu thích từ giới trẻ.

Giới trẻ đọc sách theo “phong trào”

Ngày nay, khi hỏi một bạn trẻ về tiêu chí lựa chọn sách, phần lớn sẽ nhận được các câu trả lời đại loại như tìm mua những cuốn sách đang được nhiều người quan tâm hay chọn những quyển sách là “bestseller”. Có nghĩa là xu hướng lựa chọn sách của giới trẻ hiện nay là đọc theo “phong trào”, không cần quan tâm đến nội dung của sách cũng như không cần biết đọc sách đó sẽ tiếp thu được những gì mà chỉ “a dua” theo người khác, thấy người ta đọc thì mình cũng đọc, kiểu như là “đọc cho có với người ta”. Hiện tượng này có thể gọi là Hội chứng đám đông trong văn hóa đọc của giới trẻ.

Điều này vô hình trung đã tạo nên những giá trị “ảo” cho thị trường sách ở Việt Nam. Sách bán được nhiều, doanh thu “ngất ngưởng” chưa chắc đã là sách có chất lượng. Ngược lại, những đầu sách chưa thu hút được nhiều sự quan tâm của độc giả với doanh thu “lẹt đẹt” không có nghĩa là sách “bỏ đi”, sách chẳng ra gì. Do vậy, để đánh giá văn hóa đọc không thể chỉ nhìn vào cái “vỏ bọc” bên ngoài mà phải nghiên cứu sâu để hiểu được cốt lõi bên trong.

Xét cho cùng, không phải cứ đọc là có thể xây dựng được văn hóa đọc. Văn hóa đọc còn cần hội tụ các yếu tố như kỹ năng lựa chọn tài liệu, cách thức đọc và tiếp thu kiến thức từ các tài liệu đó. Đây là điều mà những người Việt trẻ cần định hướng và rèn luyện để hình thành, duy trì và phát triển văn hóa đọc.

Quỳnh Anh


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1